Con đường tách đôi biển vài ngày mỗi năm ở Hàn Quốc

0
Con đường tách đôi biển vài ngày mỗi năm ở Hàn Quốc

Hàng trăm nghìn người dân và khách du lịch tập trung tại mũi phía nam của Hàn Quốc vào mỗi năm để tham gia Lễ hội biển Jindo tách đôi. Năm nay, sự kiện diễn ra từ ngày 21 đến 24/3, chào đón hiện tượng tự nhiên: Một con đường dài gần 3 km, rộng khoảng 40 m, nổi lên nối liền hai đảo Jindo và Modo.

Mỗi năm, biển Jindo lại tách làm đôi, lộ ra con đường ở phía dưới. Ảnh: Trazy.

Mỗi năm, biển Jindo lại tách làm đôi, lộ ra con đường ở phía dưới. Ảnh: Trazy.

Vào ngày diễn ra hiện tượng này, bạn có thể nhìn thấy lối đi rõ nhất trong khoảng một giờ. Du khách tới đây đi bộ từ đảo nọ tới đảo kia, còn người dân địa phương thi nhau đào bới trên cát để nhặt trai, sò, tảo… Mỗi năm, Hàn Quốc chỉ tổ chức một kỳ lễ hội nhưng hiện tượng biển tách đôi để lộ con đường xảy ra 2-3 lần, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6.

Hiện tượng chia tách biển ở Hàn Quốc được thế giới biết tới nhờ cựu đại sứ Pháp, Pierre Landy vào năm 1975. Ông gọi hiện tượng này là “Phép màu của Moses” trên một tờ báo Pháp. Cách gọi của Pierre gợi cho mọi người liên tưởng tới hiện tượng biển Đỏ bị chia tách trong Kinh thánh.

Kinh Cựu Ước kể lại rằng, người Do Thái khi xưa phải làm nô lệ ở Ai Cập, cuộc sống vô cùng khổ sở. Thánh Moses vì muốn giải thoát cho dân tộc khỏi kiếp lầm than, đã dẫn 600.000 người mang theo hành lý tháo chạy. Trên đường đi, đội quân của Moses phải vượt qua bán đảo Sinai.

Con đường tách đôi biển, mỗi năm xuất hiện vài ngày ở Hàn Quốc

 
 
Con đường tách đôi biển, mỗi năm xuất hiện vài ngày ở Hàn Quốc

Lễ hội thu hút hàng triệu du khách tham gia trong nhiều năm qua. Video: YouTube.

Các Pharaoh Ai Cập cho quân đuổi theo những nô lệ bỏ trốn. Người Do Thái chạy đến biển Đỏ thì bị theo kịp. Thánh Moses liền giơ tay về phía biển, giữa lúc nguy cấp đó mặt biển liền tách làm đôi để người Do Thái có thể tiếp tục chạy trốn. Khi họ đã sang hết bờ bên kia, thánh Moses lại làm phép để mặt biển trở lại như cũ, vùi lấp chiến xa và kỵ binh của quân lính Ai Cập.

Người dân Hàn Quốc cũng có truyền thuyết của riêng mình, lý giải về sự chia tách biển thú vị này. Truyền thuyết kể rằng trước đây trên đảo Jindo có nhiều hổ, người dân bị chúng quấy phá nên đành bỏ chạy sang đảo Modo.

Người phụ nữ tên Bbyong bị kẹt lại trong làng. Do vậy, bà ngày đêm cầu xin thần biển giúp đỡ. Thần hiện lên báo mộng cho bà rằng vào hôm sau có cầu vồng hiện lên trên biển để giúp bà đoàn tụ với gia đình. Hôm sau, Bbyong ngạc nhiên khi thấy phép màu xảy ra. Mặt nước bỗng tách làm đôi lộ ra con đường đất, gia đình đã băng qua biển để gặp lại bà. Ngày nay, trên đảo Jindo, du khách vẫn có thể thấy bức tượng về người phụ nữ cùng con hổ.

Bức tượng người phụ nữ và con hổ nhắc lại truyền thuyết thần biển giúp Bbyong gặp lại gia đình được tái hiện lại trên đảo Jindo. Ảnh: Funtastic Korea.

Bức tượng người phụ nữ và con hổ nhắc lại truyền thuyết thần biển giúp Bbyong gặp lại gia đình được tái hiện trên đảo Jindo. Ảnh: Funtastic Korea.

Các nhà khoa học cũng giải thích cho trường hợp này. Theo đó, việc biển Jindo tách đôi không phải phép màu mà có thể do hiện tượng cộng hưởng thủy triều tạo nên. Các yếu tố như chu kỳ quay của Trái đất, lực hút của Mặt Trăng… tạo ra thủy triều cao, thấp khác nhau. Tổng hòa của những nhân tố trên tạo nên hiện tượng thủy triều đặc biệt ở Jindo.

Thêm vào đó, vùng nước ở khu vực này có nhiều trầm tích tụ lại thành một con đường dưới biển. Khi thủy triều rút, lối đi trên sẽ lộ ra.

Lễ hội Biển Jindo tách đôi diễn ra tại Hoedong-ri, Jindo-gun, Jeollanam-do. Nhiều công ty lữ hành tại Hàn Quốc đã mở tour để dẫn du khách tới tham gia lễ hội độc đáo này. Năm nay, giá tour trung bình một người là 1,5 triệu đồng (nếu khách khởi hành từ Busan) và từ 1,7 triệu đồng (nếu khởi hành từ Seoul).

Mời độc giả theo dõi loạt bài về du lịch Hàn Quốc trên trang Cẩm nang, do VnExpress phối hợp cùng Tugo thực hiện. 

Công ty du lịch Tugo được thành lập từ năm 2015, chuyên tổ chức tour hướng đến các thị trường cao cấp như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Mỹ, châu Âu.

Anh Minh (Theo NatGeo)

Nguồn: Vnexpress.net