Con nhà người ta

0
36

Sách nói về quan niệm hay lối đi khác nhau của 10 thủ khoa tốt nghiệp tại các trường đại học. Đó cũng là câu chuyện của những người trẻ dám sống, dám mơ ước, khát khao, dấn thân, vươn lên.

Dẫu vất vả, chịu nhiều hy sinh, tôi hạnh phúc vì được làm điều mình yêu thích. Thực tế phũ phàng chỉ đánh gục được chúng ta khi quyết tâm của ta không đủ lớn.

Anh trai tôi làm truyền hình, hai anh em chênh nhau tới mười tuổi. Hồi tôi còn là học sinh cấp hai, anh ấy đã đi làm. Thấy anh mình hăng say với nghề báo, ngày nào về cũng kể đi đâu, được gặp ai, có gì thú vị… tôi bị cuốn hút với hai chữ truyền hình lúc nào không hay.

Ước mơ truyền hình

Ông anh lớn này giỏi kể chuyện lắm, chắc anh ấy làm đạo diễn nên cứ kể cái gì là mọi người bị cuốn theo. Huống gì tôi lúc ấy mới đang là cô nữ sinh đầy mơ mộng, tôi nghĩ làm truyền hình sẽ được lên TV, được đi nhiều nơi, gặp người nổi tiếng rất dễ dàng, trong mắt tôi lúc đó, nghề truyền hình màu hồng lắm.

Cũng từng mơ rằng cả hai anh em sẽ làm chung một cơ quan, anh ấy là đạo diễn quay phim và tôi sẽ đảm nhận công việc biên tập.

Có lẽ cũng bởi thế, thay vì nộp tới… 11 bộ hồ sơ như một người bạn cùng lớp trong đợt thi năm ấy, tôi đã kiên quyết chỉ chọn duy nhất ngành truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền mà thôi, ngay cả khi biết rõ ngành này thường lọt top điểm cao của trường.

Sach Con nha nguoi ta anh 1

Sách Con nhà người ta. Ảnh: M.C.

Hồi đó, chúng tôi thi đại học không giống kỳ thi THPT quốc gia hiện hành, mà thí sinh sẽ chọn và nộp hồ sơ vào nhiều trường đại học – cao đẳng tùy theo nguyện vọng và khả năng của mình.

Khi đăng ký nguyện vọng, tôi có xem kỹ về các ngành đào tạo của trường. Mặc dù Học viện có rất nhiều ngành đào tạo chuyên sâu khác nhau như báo chí, phát thanh, truyền hình, báo ảnh, báo mạng điện tử, tôi vẫn chỉ chọn duy nhất truyền hình.

Mọi người khi biết câu chuyện chỉ một nguyện vọng duy nhất ấy cũng thường nói với tôi những câu đại loại như: Này, sao mà gan thế hả? Nói dại nhỡ trượt năm sau thi lại à? Sao không nộp thêm hồ sơ ở các trường khác, có phải mỗi trường bên đấy đào tạo báo đâu?

Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Nếu chúng ta đã xác định được mình thích cái gì và muốn đạt được cái gì thì nên nỗ lực hết mình cho nó. Vì vậy, tôi đã không chọn làm thật nhiều bộ hồ sơ, việc đó chỉ làm tôi thêm mắc kẹt trong do dự và thiếu lửa để chiến đấu tới cùng với truyền hình.

Trên thực tế, tôi đã tính đến trường hợp nếu chẳng may trượt, năm sau sẽ thi lại truyền hình. Không đỗ truyền hình, tôi cảm thấy bản thân không xứng đáng vào đâu cả. Và thế là tôi đã chẳng hề nghĩ đến ngành nào khác.

Duy nhất một bộ hồ sơ. Duy nhất mình tôi chọn cách mạo hiểm. Không phải tôi khác người hay muốn ra vẻ. Tôi chỉ thấy mình thật may mắn, vì thế hệ chúng tôi không phải ai cũng được hướng nghiệp từ ngay trong gia đình, không phải ai cũng sớm nhận ra công việc mình yêu thích và muốn theo đuổi trong tương lai…

Hạnh phúc được làm điều mình thích

Tôi mang theo sự mộng mơ của cô gái trẻ đến giảng đường. Dù rất nhiều lần đã nghe anh trai kể về hành trình làm nghề, tôi vẫn không thể tránh được đôi phút chếnh choáng.

Trong quá trình va vấp với nghề, chúng ta có thể say, có thể vấp ngã, nhưng cơn say và cú ngã ấy chưa bao giờ là vô nghĩa. Tôi coi những lần vỡ mộng không có gì quá đau đớn hay suy sụp, mất hết đam mê, ý chí. Ngược lại chính những lần vỡ mộng đó trở thành đòn bẩy đẩy tôi đi xa hơn.

Năm thứ nhất đại học, sau một thời gian ở học viện, tôi bắt đầu mường tượng ra công việc truyền hình không chỉ đơn thuần có một MC duyên dáng và một cái máy quay nho nhỏ.

Làm ra các chương trình phát sóng cho hàng triệu người xem là công sức của cả một ekip, có tiền kỳ, hậu kỳ và thường những người đứng sau cánh gà sẽ không được khán giả biết đến nhiều. Sau này, tôi thậm chí còn thích công việc thầm lặng sau máy quay.

Ngay từ những điều nho nhỏ vỡ ra như thế, tôi càng thích thú và tìm tòi nhiều hơn. Càng va vấp, tôi nhận ra nghề báo không hề bạc bẽo, nó sẽ hậu đãi những ai thực sự tâm huyết, có tài năng và đôi khi cần thêm một chút may mắn nữa.

Nghề báo không cho tôi nhiều thời gian rảnh rỗi, lúc nào cũng luôn tất bật vì phải cập nhật tin tức. Báo chí phải có tính thời sự, chắc chắn rồi, nhà báo không thể lề mề chạy sau thời đại và các sự kiện thường nhật được.

Có nhiều chương trình, nhiều phóng sự dài hơi đòi hỏi tinh thần đeo bám sự kiện đến cùng, có khi gặp những khó khăn trở ngại tưởng phải buông xuôi, thậm chí lúc phóng sự hoàn thành thì cũng là lúc vết xây xước liền da hay những lần hú hồn thoát chết khép vào sâu trong tâm trí của người phóng viên…

Không giống nhân viên văn phòng hay công nhân viên chức ở nhiều mảng việc khác, chúng tôi không có thời gian cố định khi theo đuổi sự kiện. Gắn bó với nghề báo, dù là nam hay nữ đều sẽ phải xác định rằng mình rất ít có thời gian cho các mối quan hệ ngoài công việc.

Sẽ không có khái niệm một ngày làm tám tiếng ở văn phòng, có khi 11, 12 giờ đêm mới xong việc, với những sự kiện dài, thời gian thậm chí phải tính bằng tuần, bằng tháng.

Học hai bậc cử nhân và thạc sĩ truyền hình, đi thực tập – cộng tác ở nhiều đơn vị, rồi bây giờ đi làm, tôi càng cảm thấy mình chưa bao giờ hối hận khi chọn nghề này.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn