Phần lớn hệ thống ở trên mặt đất, nhà ga xây dựng trên ổ dịch hạch là một số sự thật về hệ thống tàu điện ngầm London (London Underground).
Dưới đây là những thông tin thú vị về hệ thống này được trang Telegraph tổng hợp:
Nhà ga đông đúc nhất London là Oxford Circus, ước tính khoảng 98-100 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Khoảng cách ngắn nhất giữa hai ga liền kề là 260 mét (Leicester Square và Covent Garden), đi hết 20 giây nhưng tốn tới 4,80 bảng (150.000 đồng) tiền vé. Tuy nhiên đây vẫn là chuyến tàu điện phổ biến nhất với du khách.
Khoảng cách xa nhất giữa hai ga là từ Chesham đến Chalfont & Latimer (Metropolitan Line): 6,2 km.
Ga Aldgate xây dựng trên một hố bệnh dịch hạch khổng lồ với hơn 1.000 người được chôn tại đây.
Hệ thống tàu điện ngầm London nằm trong top 10 hệ thống bận rộn nhất thế giới. Ảnh: Telegraph. |
Thang cuốn dài nhất nằm ở ga Angel, dài 60 m với mức tăng theo chiều dọc là 27,5 m.
Ga sâu nhất là Hampstead ở Northern Line: 58,5m dưới mặt đất.
Ga có nhiều thang cuốn nhất là Waterloo: 23 cái.
Đường tàu lâu đời nhất thế giới là Metropolitan, mở cửa vào ngày 10/1/1863.
Chuyến tàu sớm nhất đi từ Osterley tới Heathrow, bắt đầu lúc 4h45 sáng.
Năm 1924, em bé đầu tiên được sinh ra trên tàu điện ngầm tại Elephant & Castle, Bakerloo Line.
55% hệ thống London Underground thực chất là ở trên mặt đất chứ không phải trong lòng đất.
Hệ thống tàu điện ngầm London quản lý khoảng 10% không gian xanh của London.
Tổng chiều dài của hệ thống London Underground là 402 km.
Năm 1926, “hố tự tử” được xây bên dưới các đường ray do sự gia tăng số lượng hành khách tự tử bằng cách quăng mình xuống đoàn tàu.
Khoảng 50 hành khách tự tử trong Underground mỗi năm.
Thời gian thường xuyên xảy ra các vụ tự sát trong ga tàu điện là 11h sáng.
Charles Pearson, luật sư được cho là người vận động thành công cho sự ra đời của hệ thống tàu điện ngầm. Ông qua đời vào năm 1862, ngay trước thời điểm chạy chuyến tàu đầu tiên.
Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra vào năm 1938 khi hai tàu va chạm giữa Waterloo và Charing Cross, làm 12 người bị thương.
Đầu năm 1987, hút thuốc trong nhà ga bị cấm thí điểm trong 6 tháng, rồi bị cấm vĩnh viễn sau khi xảy ra hỏa hoạn tại King’s Cross vào tháng 11/1987 khiến 31 người thiệt mạng.
Một cuộc điều tra tiến hành vào ngày 27/9/1940 cho thấy có 177.500 người London ngủ trong các ga tàu điện ngầm. Ảnh: Arup. |
Ước tính khoảng nửa triệu con chuột sống trong hệ thống ga ngầm.
Farringdon được cho là nhà ga bị ma ám sau khi nhiều hành khách cho biết họ nghe thấy những tiếng hét đáng sợ lúc chuyến tàu cuối cùng rời bến.
Ga Covent Garden thì bị ám bởi một người đàn ông tên William Terris mặc đồ ngủ thoắt ẩn thoắt hiện. Nhiều người từ chối làm việc tại đây do e ngại tin đồn.
Nhiều nhà ga trong hệ thống tàu điện ngầm được sử dụng làm nơi trú ẩn tránh máy bay đột kích trong Thế chiến II. Central Line thậm chí được chuyển đổi thành nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu trải dài trên 3,2 km với hệ thống đường sắt riêng. Sự tồn tại của nó vẫn luôn là bí mật cho đến những năm 1980.
Harry Beck là người thiết kế bản đồ tàu điện ngầm năm 1933, chỉ được trả 5 đồng tiền vàng (khoảng 5,25 bảng) nhưng thiết kế của ông vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
Xem thêm: Nhà vệ sinh công cộng thời Victoria ở London
Nguồn: Vnexpress.net