Vụ kiện dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei sắp đến giai đoạn quan trọng.
Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei bị bắt tại sân bay Vancouver, Canada vào tháng 12/2018. Bà Mạnh sắp có mặt tại tòa án để cùng luật sư thuyết phục thẩm phán bác bỏ quyết định dẫn độ đến Mỹ.
Luật sư của Mạnh Vãn Châu lập luận gì?
Trường hợp của bà Mạnh, người còn được gọi là “công chúa Huawei” do là con của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, cũng được nêu ra trong các cuộc thảo luận cấp cao giữa những nhà ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc trong vài tuần gần đây. Giai đoạn được cho là căng thẳng nhất của cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn 2 năm sẽ diễn ra trong 3 tuần tới.
Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa đảo ngân hàng HSBC về bản chất thật sự của mối quan hệ giữa Huawei và công ty Skycom. Điều này khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt chống lại Iran.
Giám đốc tài chính của Huawei bị bắt tại Canada từ tháng 12/2018. Ảnh: Getty. |
Cho đến nay, các luật sư vẫn tranh cãi về những bằng chứng nào có thể được sử dụng trong phiên điều trần dẫn độ.
Phía bà Mạnh phản bác việc dẫn độ với một số lý do. Đầu tiên, họ cho rằng Mỹ đã nói dối tòa án Canada về bằng chứng. Các luật sư của Huawei đấu tranh để đưa tài liệu chứng minh Mạnh Vãn Châu không lừa dối HSBC về mối quan hệ với Skycom. Tài liệu bao gồm đầy đủ các bài thuyết trình sử dụng trong những cuộc họp năm 2013 cũng như email nội bộ của Huawei.
Luật sư của bà cũng kiện ngân hàng HSBC ở Luân Đôn và Hong Kong để được tiếp cận với các tài liệu nội bộ của ngân hàng này, nhằm giúp bà chứng minh vô tội. Tuy nhiên, thẩm phán tòa án Canada từ chối cho phép sử dụng tài liệu này.
Bà Mạnh Vãn Châu đã sống tại Vancouver, Canada trong hơn 2 năm để chờ phán quyết của tòa. Ảnh: CBC. |
Các luật sư của bà Mạnh cho rằng vụ việc là vấn đề chính trị và giám đốc tài chính Huawei như một con tốt trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ lập luận rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính trị hóa các quyết định của mình. Ông đã có lúc dường như đề nghị trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu để đổi lấy thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc.
Các luật sư của bà Mạnh cũng tuyên bố các quyền hợp pháp của bà đã không được tuân thủ khi bị “công chúa” Huawei thẩm vấn tại sân bay Vancouver mà không có luật sư. Đồng thời, phía Huawei cho rằng những sự việc diễn ra ở Hong Kong thì Mỹ không có quyền tài phán. Cuối cùng nhóm luật sư lập luận rằng ngay cả khi bằng chứng đó là thật, nó cũng không có giá trị chứng minh cho tội danh lừa đảo đối với bà Mạnh.
Không dễ có kết quả sớm
Bản án có thể được đưa ra vào cuối năm. Nếu bà Mạnh thua kiện, yêu cầu dẫn độ sẽ được quyết định bởi các bộ trưởng của Chính phủ Canada. Sau đó, luật sư của bà Mạnh có quyền kháng cáo. Điều này đồng nghĩa với việc vụ kiện có thể kéo dài thêm 5 năm hoặc hơn.
Nhưng cùng với quy trình pháp lý, các cuộc tiếp xúc ngoại giao cũng như gặp gỡ song phương về vụ việc cũng diễn ra liên tục với sự tham gia của quan chức Mỹ, Trung Quốc và Canada.
Việc bắt giữ giám đốc kinh doanh cấp cao của tập đoàn lớn đã dẫn đến sự phẫn nộ của Trung Quốc. Đây là một trong những cản trở lớn cho quan hệ ngoại giao giữa nước này với Mỹ.
Mỹ đã rất cứng rắn với Huawei dưới thời Tổng thống Trump. Ảnh: Getty. |
Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với công ty Trung Quốc từ thời ông Trump và cách tiếp cận của tổng thống Biden cũng không có gì thay đổi. Vụ việc dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng khi hai người Canada cũng bị bắt tại Trung Quốc với cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia.
Các lãnh đạo của Huawei cũng đã liên hệ với chính phủ Mỹ để thuyết phục thả bà Mạnh. Việc hủy bỏ yêu cầu dẫn độ đòi hỏi CFO của Huawei phải thừa nhận một số hành vi sai trái và những thỏa thuận ngầm với nhóm người Canada. Cả hai điều này đều không đơn giản.
Tuy nhiên, một thỏa thuận cũng có thể là tín hiệu cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách cải thiện mối quan hệ rạn nứt.
Nguồn: News.zing.vn