Công thức gây tranh cãi của game show Trung Quốc

0
Công thức gây tranh cãi của game show Trung Quốc

Nhiều chương trình truyền hình ở Trung Quốc hiện có góc khai thác lệch lạc với mục đích tạo hiệu ứng lôi kéo người xem.

Ngày 25/10, HK01 đưa tin chương trình Vợ chồng đánh cược của ViuTV vấp phải sự chỉ trích dữ dội vì nội dung cổ xúy ngoại tình giữa các cặp đôi. Cục Truyền thông Hong Kong cho biết nhận được hàng nghìn đơn khiếu nại từ khán giả. Hiện tại, cơ quan chức năng đang làm việc với nhà đài để đưa ra hình thức xử lý.

Đánh mạnh vào chi tiết dễ gây tranh cãi

Theo HK01, ViuTV hiện là nhà đài có tỷ suất người xem cao nhất Hong Kong. Năm 2020, nhờ việc sản xuất chương trình đa dạng, có nội dung mới mẻ, ViuTV trở thành thế lực mới trong ngành truyền hình.

Tuy nhiên, mảng truyền hình thực tế của ViuTV bị đánh giá ngày càng thiếu chỉn chu, sa lầy vào nội dung gây sốc, lạm dụng cảnh thân mật để gây chú ý, đảm bảo cho việc chạy đua thành tích nhằm cạnh tranh với các đài khác.

Show truyền hình Vợ chồng đánh cược lên sóng đầu tháng 10 của đài bị phản ứng vì cổ xúy ngoại tình giữa các đôi tình nhân. Chương trình có sự tham gia của 5 cặp đôi. Họ sẽ sinh hoạt tập thể cùng nhau để xem đối phương có nảy sinh tình cảm với người chơi khác hay không. Cặp thí sinh chiến thắng sẽ giành được số tiền thưởng 100.000 HKD.

Trong chương trình, người chơi bắt buộc phải “đổi vợ hoán chồng” với cặp đôi khác. Họ được yêu cầu hợp tác để vượt qua thử thách có mức độ tiếp xúc cơ thể cao, hoặc phải tán tỉnh công khai trước mặt vợ/chồng của đối phương.

Format của Vợ chồng đánh cược bị tố đạo nhái chương trình Change Days của Hàn Quốc. Theo On, trong nỗ lực thu hút khán giả, ViuTV du nhập show truyền hình có nội dung trái thuần phong mỹ tục.

Show này được cho rằng sẽ làm ảnh hưởng quan điểm tình yêu – hôn nhân của giới trẻ, khuyến khích các cặp vợ chồng ngoại tình. Theo HK01, bất chất những phản hồi tiêu cực của khán giả, ViuTV vẫn tiếp tục phát sóng chương trình.

Tại Trung Quốc Đại lục, show hẹn hò The Romance gây tranh cãi khi cho lên sóng cảnh hôn nhau của hai idol Ngô Tuyên Nghi và Tiểu Quỷ. Trên QQ, khán giả cho rằng chương trình dàn dựng kịch bản, “xào CP” – tạo hiệu ứng cặp đôi giữa nghệ sĩ để câu view.

Trong chương trình, cả hai được yêu thích nhờ những màn tương tác thân thiết, dễ thương. Trước đó, ê-kíp Tình yêu của người con gái 4 cũng bị chỉ trích vì lạm dụng cảnh thân mật giữa Trương Vũ Kỳ và Lý Bính Hi.

Vào ngày 20/10, chương trình mới của kênh Youku mang tên Squid’s Victory khi có hành vi đạo nhái phim Trò chơi con mực (Squid Game). Thời điểm giới thiệu show đến khán giả, nền tảng này vẫn chưa có bản quyền bộ phim.

Theo Youku, Squid’s Victory dự kiến quy tụ dàn sao trẻ nổi tiếng của Trung Quốc như Phạm Thừa Thừa, Vương Tuấn Khải, Vương Gia Nhĩ, Ngu Thư Hân, Quan Hiểu Đồng… và một số vận động viên thể thao. Nội dung xoay quanh trận chiến của người tham gia qua các trò chơi dành cho trẻ em, cả về trí tuệ lẫn thể lực.

Trước làn sóng chỉ trích, đại diện nền tảng lên tiếng xin lỗi, thông báo đổi tên chương trình và poster. Tuy nhiên, cách xử lý qua loa của Youku không làm hài lòng khán giả. Ngoài Game Victory (tên mới), hai show Street Woman Fighter và Sing Again do Youku sản xuất bị đặt nghi vấn sao chép chương trình của Mnet.

Cần giải quyết vấn nạn của show giải trí

Theo Sina, trước làn sóng phản đối sự phản cảm của các game show, có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý văn hóa cần tăng cường kiểm soát nội dung, công tác sản xuất show giải trí ở Trung Quốc để những tình tiết không cần thiết không xuất hiện trên màn ảnh.

QQ cho biết thời gian qua, một số show Trung Quốc cố tình tạo độ hot bằng cách đẩy ngôi sao vào thị phi. Ê-kíp Nhà hàng Trung Hoa, Tình yêu của người con gái bị tố lợi dụng khâu biên tập để chỉnh sửa cảnh quay quá đà, biến nghệ sĩ thành công cụ câu kéo khán giả.

Triệu Lệ Dĩnh hay Trương Vũ Kỳ là những nạn nhân từng lên án mạnh mẽ hành vi này của tổ chương trình. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa có hình thức xử lý đối với nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, sau lùm xùm đạo nhái của Youku, trên mạng xã hội Trung Quốc, dư luận cũng cho rằng đã đến lúc những người làm chương trình nghiêm túc với công việc sáng tạo nội dung, không nên “dùng chùa” ý tưởng của người khác.

Trường hợp muốn vay mượn nguyên vẹn chương trình gốc, các nhà đài Trung Quốc cần phải sở hữu bản quyền hợp pháp. Hiện tại, giới quản lý văn hóa chỉ mới chú trọng kiểm soát vấn nạn ăn cắp bản quyền ở lĩnh vực phim ảnh. Theo QQ, Địch Lệ Nhiệt Ba đã từ chối tham gia show mới của đài Youku sau khi những dự án này vướng tai tiếng bản quyền.

Trong khi đó, ở Hong Kong hay Đài Loan, thời gian qua, không ít nhà đài đã lạm dụng tư tưởng cởi mở để khai thác nội dung thô tục, câu khách bằng những yếu tố 18+.

Với những chương trình có thể gây hại về mặt văn hóa, giới chức chỉ nhắc nhở, yêu cầu nhà đài gắn thẻ giới hạn độ tuổi hoặc phạt hành chính, nhưng chưa có biện phát xử lý cứng rắn hơn là cấm sóng. Điều này khiến nhà sản xuất tiếp tục có lý do đem những trò câu view vào chương trình nhằm tăng người xem.

Như chương trình 3 Kingdoms của Đài Loan từng gây sốc khi buộc khách mời nữ cởi đồ lót trước máy quay. Theo ETtoday, nhờ những tình tiết như vậy, rating của show đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng chương trình ăn khách trong ngày. Trước chỉ trích của dư luận, nhà sản xuất 3 Kingdoms hứa hẹn sẽ khắt khe hơn trong khâu biên tập nội dung. Tuy nhiên, những số phát sóng sau đó, hình ảnh phản cảm vẫn tiếp tục xuất hiện.

Theo Sina, việc các nhà đài cố tình lồng ghép những nội dung rẻ tiền hay tình tiết giật gân vào show giải trí để thu hút khán giả, là xu thế phát triển không bền vững, có thể khiến họ trả giả đắt.

Đài TVB từng bị hàng loạt nhãn hàng quay lưng vì làn sóng tẩy chay từ khán giả. Họ hứng chỉ trích khi liên tục cho ra mắt những chương trình không đảm bảo chất lượng. Việc không bán được quảng cáo khiến TVB thua lỗ nặng nề. Hiện tại, nhà đài phải tích cực cải cách nội dung để lấy lại hình ảnh.

Nguồn: News.zing.vn