Cột tháp ở Ai Cập

0
183

Cột tháp là các tảng đá nguyên khối đồ sộ, mặt cắt hình vuông, hơi thon về phía đỉnh giống như kim tự tháp, thường được mạ vàng để phản chiếu ánh nắng mặt trời.

Hình ảnh cột tháp Ai Cập.

Hình ảnh cột tháp Ai Cập.

Các đền thờ mặt trời với các công trình đồ sộ theo hình dáng cột tháp béo lùn được biết đến từ Vương triều thứ 5 (khoảng 2465-2323 TCN). Cột tháp bằng đá nguyên khối đầu tiên theo tỷ lệ cổ điển được chạm trổ về sau này ít lâu. Cột tháp hoàng gia hoàn thiện lâu đời nhất có niên đại từ Vương triều thứ 12 (khoảng 1950 TCN), nhưng cột tháp ấn tượng nhất, lớn nhất có niên đại từ giữa vương triều thứ 18 (khoảng 1504-1425 TCN). Cột tháp thường dựng thành từng đôi tựa vào các tháp môn trong các đền đài Ai Cập, nhưng cũng có các cột tháp đơn độc.

Khai thác đá

Cột tháp chạm trổ từ các tảng đá rất cứng. Đá granite Aswan là loại đá phổ biến nhất để làm cột tháp. Loại granite có màu hồng và đỏ được chuộng hơn vì màu sắc gợi sự liên tưởng đến mặt trời. Có nguồn thông tin cho rằng một cột tháp dang dở được bảo tồn trong một mỏ đá ở Aswan. Tháp này có niên đại từ thời vua Tuthmois III (1479-1425 TCN), nếu hoàn tất, sẽ nặng khoảng 1150 tấn. Vì tảng đá nguyên khối đã bị nứt trong khi khai thác nên bị bỏ đi, và hiện là chứng cứ rõ ràng về phương pháp dùng để chạm trổ đá.

Granite là loại đá rất cứng, không thể cắt bằng công cụ kim loại, vì thế phải dùng đến loại công cụ chày vồ bằng đá dolererite hình quả banh, dùng để nghiền đá thạch anh thành bột. Phác thảo cột tháp được đánh dấu trên bề mặt đá, còn đá xung quanh được nện nhỏ. Người ta đào một hào đủ rộng để một người làm việc trong khoảng trống, và đủ sâu để cắt bên dưới cột tháp. Khoảng 150 người làm việc cùng lúc để nện đá trong đường hào. Cột tháp được tách ra từ phần chân bằng đòn bẩy, kích lên phía trên mặt bằng gồm các tảng đá xung quanh sử dụng các thanh chống, sau đó khéo đặt lên một thanh trượt gỗ để vận chuyển.

Vận chuyển

Cột tháp khai thác ở mỏ Aswan phải được vận chuyển vượt một khoảng cách đáng kể đến công trường sau cùng. Ví dụ khư Karna, nơi dựng hai cột tháp của Hatshepsut, cách khoảng 220 km về phía Bắc Aswan. Người ta đắp bờ đất từ các mỏ đá đến bờ sông để tạo ra một mặt bằng kéo các thanh trượt di chuyển cột tháp đồ sộ. Cứ giả định một người có thể kéo khoảng 1/3 tấn trên mặt đất bằng phẳng, thì một nhóm khoảng 1.000 người mới kéo nổi mỗi cột tháp nặng đến 320 tấn của Hatshepsut. Lúc cột tháp kéo đến bờ sông, chuyển sang xà lan để về phía hạ lưu, phải cần nhiều kỹ năng. Pliny, vào thế kỷ 1 đã mô tả phương pháp chở cột tháp bằng xà lan theo thông lệ cổ truyền của người Ai Cập. Theo ông, phải kéo xà lan vào trong kênh gần mỏ đá, rồi chất đầy đá có trọng lượng nặng hơn cột tháp. Cột tháp kéo vào vị trí đặt ngang qua kênh, dỡ hết đá dưới xà lan cho đến khi xà lan chịu được trọng lượng của cột tháp ở ngay giữa. Sau đó có thể xoay cột tháp cho đến khi nằm dọc theo đường tâm của xà lan.

(Theo 70 kỳ quan cổ đại trên thế giới)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn