Mansion (cs_mansion), bản đồ được yêu thích nhất của game thủ Counter-Strike (CS) ở Việt Nam, được tiết lộ tạo nên dựa theo sự kiện có thật ở Peru.
Thành công và mức độ phổ biến của Counter-Strike đầu những năm 2000 ở Việt Nam nhờ rất nhiều vào bản đồ Mansion. “Ngày xưa, Mansion là bản đồ chơi nhiều nhất. Ai chơi Counter-Strike khi đó cũng chọn bản đồ này thôi. Đây cũng là bản đồ tôi yêu thích nhất”, cựu game thủ CS Lê Hùng Dũng chia sẻ với Zing.
Với những game thủ thế hệ 8X và 9X, Mansion là bản đồ mặc định cho những cuộc thi thố. Những game thủ tập tành chơi CS cũng tiếp xúc với Mansion trong lần đầu. “cs_mansion là một trong những bản đồ ấn tượng nhất những năm đầu của CS vì nó khởi xướng khái niệm giải cứu con tin”, Minh Le, cha đẻ Counter-Strike, nhận định.
Song hành với sự phổ biến, Mansion gắn liền với rất nhiều giả thuyết và câu chuyện thú vị.
Mansion là sự lựa chọn hàng đầu của game thủ Counter-Strike đầu những năm 2000. |
Nguồn cảm hứng từ thực tế
Mansion là một trong 4 bản đồ đầu tiên của Counter-Strike. Nhiều câu chuyện khẳng định “cs_mansion” được tạo ra dựa trên chiến dịch Chavin de Huantar ở Peru vào 23 năm trước.
Đây được xem là chiến dịch giải cứu con tin thành công nhất lịch sử thế giới. Quân đội Peru đã cử 142 lính biệt kích để giải cứu con tin trong Đại sứ quán Nhật Bản.
Nhiều so sánh chỉ ra những nét tương đồng giữa kiến trúc của Mansion với dinh thự thuộc đại sứ quán Nhật từ kiến trúc, nhà nuôi chó và lỗ chó.
Cha đẻ Counter-Strike từng thừa nhận chiến dịch Chavin de Huantar ở Peru đã mang đến nguồn cảm hứng lớn cho bản thân khi tạo ra tựa game huyền thoại này.
“Khi tạo ra Counter-Strike, tôi đã nghiên cứu rất nhiều cuộc tấn công khủng bố nổi tiếng. Chiến dịch giải cứu đại sứ quán ở Peru là một trong những sự kiện tạo cảm hứng lớn. Tôi thích chơi những bản đồ nhắc nhở bản thân về các tình huống thực tế trong cuộc sống”, ông Minh Le tiết lộ.
Sức hút của câu chuyện lớn đến mức một nhà phát triển cá nhân đã tạo nên bản đồ “cs_peru” mô phỏng chiến dịch Chavin de Huantar cho CS phiên bản 1.5. Bản đồ này được nhận xét rộng lớn và giống với đại sứ quán Nhật hơn Mansion.
“Bản đồ này được đặt tên theo chiến dịch Chavin de Huantar. Bản đồ cho phép chúng ta biết mọi ngóc ngách của đại sứ quán Nhật Bản khi đó”, trang La Republica viết.
Cha đẻ Counter-Strike thừa nhận chiến dịch Chavin de Huantar mang đến nguồn cảm hứng lớn khi tạo ra các bản đồ. |
Sức hút lớn ở Việt Nam
Mansion bị xóa khỏi những phiên bản sau này của CS vì sự mất cân bằng trong cơ chế chơi. Dù vậy, game thủ vẫn đưa Mansion trở lại thông qua các bản mod vì thời lượng ván đấu diễn ra rất nhanh ở bản đồ này.
“cs_prison”, “cs_siege”, “cs_wpndepot” và “cs_mansion” là 4 bản đồ đầu tiên của CS. Tất cả đều có cơ chế giải cứu con tin quen thuộc của đầu những năm 2000.
Tuy nhiên, “cs_prison”, “cs_siege” và “cs_wpndepot” đều được đánh giá rất xấu về mặt thiết kế cũng như ngốn thời gian chơi hơn “cs_mansion”.
Mansion là bản đồ được thiết kế chỉn chu và sát với thực tế nhất. Ngoài ra, Mansion có thời lượng ván đấu diễn ra rất nhanh vì diện tích không quá rộng.
Game thủ ở Việt Nam đầu những năm 2000 phần lớn đều trải nghiệm các trò chơi thông qua quán net. Việc phải chơi một ván đấu quá dài gây mất kiên nhẫn và tốn kém thời gian quý giá đối với họ.
“Ngày đó, tôi chỉ được bố mẹ cho đủ tiền để chơi game trong 30 phút ở các quán net. Vậy nên tôi không nhất thiết phải thử các bản đồ khác vì chúng quá tốn thời gian. Chơi Mansion rất nhanh và sướng hơn rất nhiều. Dĩ nhiên, tôi không muốn mất 30 phút mỗi ngày chỉ để chơi 2 đến 3 ván ngắn ngủi vì phải mất công đi tìm đối thủ”, Nguyễn Anh Hòa, chủ sở hữu một quán net chia sẻ với Zing.
“cs_mansion” được thiết kế chỉn chu và đẹp nhất trong 4 bản đồ đầu tiên của Counter-Strike. |
Mất cân bằng nghiêm trọng
Dù rất yêu thích, giới game thủ đều thừa nhận Mansion là bản đồ gây mất cân bằng nhất mà CS từng có. Thiết kế địa hình vô tình tạo lợi thế lớn cho phe ăn cướp (đội trong nhà) trước phía cảnh sát (đội bên ngoài).
Phe cảnh sát có 3 lối để tấn công và tiếp cận nhà nhờ ống cống, cửa chính hay lỗ chó. Tuy nhiên, phe trong nhà rất dễ dàng để phòng ngự. Người chơi cảnh sát luôn phải đối đầu trực diện với phe trong nhà vốn có quá nhiều ưu thế về không gian.
“Bản đồ này không có sự cân bằng. Phe ăn cướp (đội trong nhà) sẽ lợi hơn cảnh sát. Lối ra chính của bên cảnh sát quá rộng, lại ít chỗ phòng thủ và ẩn nấp. Hai đường nhỏ còn lại dễ canh chừng khi phe cướp chỉ cần cử người ngồi trên cửa sổ trong nhà. Cái lợi của nhóm ăn cướp là dễ phòng ngự. Nếu phe cướp áp đảo về tiền, phía cảnh sát chỉ có thua và thua”, cựu game thủ CS Lê Hùng Dũng chia sẻ với Zing.
Nguồn: News.zing.vn