Cư dân ở TP.HCM bị phồng rộp, đau rát da vì kiến ba khoang 

0
42

Viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang khiến cư dân chung cư TP.HCM lo ngại. Chưa thể ra ngoài để khám bệnh mà chỉ đặt mua thuốc online làm tình trạng ở nhiều người trầm trọng hơn.

Chị Thanh Hoa (28 tuổi, cư dân chung cư Vạn Đô, quận 4) hay có thói quen mở cửa sổ mỗi tối. Đang ngồi làm việc thì chị thấy ngứa ở cổ, tưởng muỗi nên đã tiện tay đập.

Một ngày sau, chị Hoa thấy mảng da ở sau gáy đỏ nhạt, ngày càng đỏ ửng và sưng hơn. Nặng nhất là một tuần sau, vùng da mưng mủ nên mỗi lúc đi tắm, chị Hoa phải lấy túi ny lon đắp lại để tránh nước vào.

Hậu quả này là từ kiến ba khoang. Thời gian gần đây, nhiều cư dân các chung cư ở TP.HCM cũng bị tình trạng như chị Hoa khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.

Kê đơn thuốc online chữa vết thương

Chị Thanh Hoa kể lại 4 ngày đầu do chưa khẳng định bị bệnh gì nên không dám dùng thuốc bừa. Sau đó chị mới liên hệ được một bác sĩ quen kê đơn.

Khi đã có đơn thuốc, chị Hoa hỏi nhà thuốc gần nhất thì được báo quá tải, sau 2 ngày thuốc mới giao đến. Vết thương không bị tác động cũng nhức, tia nước vòi sen lỡ bắn vào hay gió thổi mạnh cũng làm chị Hoa đau nhói.

Kien ba khoang o chung cu TP.HCM anh 1

Vết thương từ kiến ba khoang khiến chị Thanh Hoa bị nhiễm trùng, phát sốt. Ảnh: NVCC.

“Lúc này do để lâu nên bị nhiễm trùng, sốt. Suốt 2 tuần tôi không nằm ngửa được mà phải nằm nghiêng. May mà tóc hớt cao nên không chạm vào vết thương”, chị Hoa chia sẻ.

Đây không phải lần đầu tiên, chị Thanh Hoa đã nhiều lần là nạn nhân của kiến ba khoang nhưng mỗi lần một mức độ khác nhau. Chuyển 3 chung cư, chị vẫn bị những vết cắn để lại nhiều sẹo trên cơ thể. Thậm chí, người phụ nữ này có lúc phải xin nghỉ làm để chữa trị.

Chị Nhung Lê (cư dân Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) cũng lo lắng khi kiến ba khoang bay vào nhà khiến hai con của chị bị viêm loét vùng da ở chân vào tuần trước. Vết thương của con gái lớn bị nhỏ nên tự khỏi, còn với cậu con trai thì chị Lê phải bôi thuốc nhiều ngày.

Người mẹ này đặt lịch thăm khám online rồi mua thuốc ở nhà thuốc nội khu trong chung cư để chữa trị cho con. Nhiều loại thuốc không có chị phải nhờ hàng xóm mua giúp.

“Nhà bạn tôi ở tầng 40 của chung cư vẫn có kiến ba khoang, nó ở khắp nơi. Cư dân cứ đến tối lại dặn nhau đóng cửa và hạn chế bật đèn để tránh kiến”, chị Nhung Lê nói.

Tại chung cư SunRise City Central (quận 7), nhiều cư dân cũng kêu than do gặp kiến ba khoang. Chị Thùy Vân mặc dù đã đóng kín cửa khi trời chập tối nhưng vẫn thấy hàng chục con kiến ba khoang bay vào phòng khách.

Để tránh bị những vết bỏng do kiến, chị Vân xông tinh dầu sả, đóng cửa khi trời tối, mở máy lạnh. Vì nhà có con nhỏ nên chị Vân rất sợ con vô tình giẫm vào.

“Năm nào vào mùa này nhà tôi cũng xuất hiện kiến. Nhà có con nhỏ nên tôi rất lo”, chị Vân tâm sự.

Chung cư phát quang, phun thuốc khử khuẩn

Để phòng tránh kiến ba khoang và các loại côn trùng làm ảnh hưởng sức khỏe của cư dân, nhiều chung cư đã tiến hành phát quang cây cối, phun thuốc khử khuẩn, diệt côn trùng,…

Ngày 22/9, Ban quản lý chung cư SunRise City Central phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh đèn côn trùng khu vực tầng hầm, khuôn viên cây xanh, phòng rác.

Kien ba khoang o chung cu TP.HCM anh 2

Con chị Nhung Lê bị kiến ba khoang cắn phải dùng thuốc 1 tuần mới khỏi. Ảnh: NVCC.

Trước đó, Ban quản lý khu căn hộ Phú Mỹ, chung cư Luxcity (quận 7) đã gửi đến cư dân thông báo về cách đề phòng và xử lý kiến ba khoang hay tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với bác sĩ về “nạn” kiến ba khoang.

Bệnh viện Da liễu TP.HCM thời gian gần đây mỗi ngày tư vấn khoảng 30 ca bệnh thông qua online. Con số này tương đối cao trong điều kiện người dân không thể tới bệnh viện chữa trị.

Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Da Liễu TP.HCM), mùa mưa là lúc thời tiết ẩm ướt, tạo môi trường cho côn trùng phát triển. Vết thương từ kiến ba khoang gây viêm da tiếp xúc dị ứng cho người bệnh.

Cơ chế của căn bệnh này là vết thương lan trên cơ thể người bệnh chứ không lây sang người khác. Quá trình điều trị sẽ mất tầm 7-10 ngày. Vết thương lành chỉ để lại vết thâm, ít khi có sẹo trên da.

Triệu chứng thường gặp là da nổi các nốt sần, sau đó có các mảng hồng ban trên da. Tiếp đến, sẽ có chùm mụn nước ngay tại vết thương và dễ lan trên người. Để sơ cứu sau khi bị kiến cắn, người bệnh không nên sờ, đụng vào vết thương.

“Nên sử dụng thuốc bôi để làm dịu vết sần trên da. Trường hợp nặng hơn có thể đến các phòng khám chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và điều trị”, bác sĩ Thảo tư vấn.

Kien ba khoang o chung cu TP.HCM anh 3

Vết thương từ kiến ba khoang gây viêm da tiếp xúc dị ứng cho người bệnh. Ảnh: flickr.

Bác sĩ khuyên mọi người nên mặc quần áo dài, đeo găng tay, tất chân để che phủ tối đa các phần da dễ tiếp xúc với côn trùng để tránh kiến ba khoang cắn. Sau khi ra vườn, những nơi có nhiều cây cối nên rửa tay và tắm sạch.

Khi kiến ba khoang bám trên người, quần áo, đồ đạc trong nhà, không nên dùng tay giết chết hoặc chà xát nó, mà nên thổi ra xa, hoặc để một tờ giấy vào để chúng bò lên và lấy ra khỏi người.

Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và zona thần kinh có đặc điểm lâm sàng khác biệt nhau.

Viêm da tiếp xúc có thể lây sang vị trí khác nếu người bệnh vô tình quệt phải khiến dịch tiết côn trùng dính trên da. Khi đó, có thể nhiễm trùng toàn thân, nhất là những người có hệ miễn dịch kém.

Còn bệnh zona thần kinh sẽ đi theo vùng thần kinh chi phối, ở nửa bên của cơ thể, hình thành chùm mụn nước. Bệnh này sẽ gây đau nhức nhiều hơn là rát trên bề mặt như viêm da tiếp xúc.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn