Cử tri quận Bình Tân, TP.HCM, thống nhất quan điểm không thể ngăn cản người dân TP.HCM về quê. Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ để bà con đăng ký, đưa về từng đợt.
Sáng 5/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức Hội nghị tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận Bình Tân của tổ đại biểu đơn vị 6 trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Tại buổi họp, nhiều ý kiến thống nhất về việc không thể ngăn cản người dân về quê. TP.HCM cần tạo điều kiện đưa người dân về và Trung ương tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP.HCM, các tỉnh miền Tây để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cử tri bày tỏ băn khoăn về tình trạng người dân rời TP về quê, công tác hỗ trợ cho cán bộ…
Nguy cơ lây lan từ hàng chục nghìn người về quê
Ông Phạm Hữu Tấn, cử tri phường An Lạc, quận Bình Tân, chia sẻ khi dịch bệnh, niềm tin lớn nhất là gia đình. Do đó, ông đề nghị các vùng dịch phải có biện pháp hỗ trợ người dân đăng ký về quê, giải quyết từng đợt, song song đó, các tỉnh có biện pháp cách ly.
Cử tri Huỳnh Trần Thanh Phong, phường An Lạc, cho rằng khi hoạn nạn, gia đình là điểm tựa lớn nhất nên không thể ngăn cản bà con về quê. Trong hàng chục nghìn người đổ về quê, chắc chắn sẽ có F0. Nếu các tỉnh miền Tây không làm tốt công tác cách ly, một số tỉnh quá tải thì nguy cơ lây lan rất lớn.
Từ thực tế này, cử tri kiến nghị Trung ương ưu tiên vaccine cho các tỉnh miền Tây để phòng dịch, nếu không khéo, miền Tây sẽ tái bùng dịch.
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trực tuyến với 10 điểm cầu tại các phường ở quận Bình Tân. Ảnh: Thu Hằng. |
Bên cạnh đó, ông Phong đề nghị đại biểu Quốc hội cần làm việc với các tỉnh để phụ huynh từ TP.HCM đi các tỉnh, thành đón con em trở về thuận lợi, tiếp tục học tập. Hiện, Sở Giao thông Vận tải đã có chính sách hỗ trợ phụ huynh đưa đón con em, nhưng nhiều người phản ánh việc đăng ký cũng như di chuyển chưa thuận tiện.
Cử tri Lã Xuân Trường, phường Bình Trị Đông A, kiến nghị bên cạnh đưa người dân về quê, cần đón lao động ngoại tỉnh trở lại thành phố để ổn định nền kinh tế.
Tổ trưởng chỉ được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng
Cử tri Nguyễn Thị Cẩm, phường An Lạc, nêu vấn đề các chính sách, chế độ cho cán bộ khu phố như bí thư cấp ủy, khu phố trưởng, khu phố phó… còn rất thấp, trong khi không phải tất cả đều có lương hưu. Ví dụ, tổ trưởng mỗi tháng chỉ được hỗ trợ khoảng 500.000 đồng. Trong khi đó, đợt dịch vừa qua, lực lượng này phải làm việc rất cực, riêng số tiền điện thoại để liên hệ với hộ dân đã rất lớn.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân. Ảnh: Thu Hằng. |
Bên cạnh đó, hầu hết nhóm này là người lớn tuổi nên khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế, có người phải tới từng nhà dân nên việc hỗ trợ còn chậm trễ.
“Tổ tôi 99 hộ, nếu tổ trưởng làm tròn trách nhiệm phải đi 99 chỗ nên nguy cơ dương tính cao. Phường tôi có tổ trưởng dân phố dương tính và khu phố tôi có một đồng chí từ trần vì Covid-19, rất đau lòng. Người dân không hiểu, chỉ thấy quyền lợi chưa đến thì thắc mắc”, bà Cẩm thông tin.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ thời gian qua, các phường, xã, khu phố, tổ dân phố rất vất vả, cực khổ trong phục vụ nhân dân, thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc. Nhiều người có tuổi và hạn chế về sức khỏe, ông Nhựt cho biết sẽ tiếp thu để xem xét, kiến nghị cấp trên có chính sách phù hợp.
Kinh phí phòng, chống dịch của Việt Nam còn thấp
Tiếp thu ý kiến các cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận trong quá trình phòng, chống dịch vừa qua, có việc thành phố đã làm được, nhưng cũng có việc có thể làm khác đi. Ông chia sẻ cuối tháng 10, TP.HCM nên có tổng kết sâu 4 tháng phòng, chống dịch, đúc rút kinh nghiệm cả mặt được và chưa được.
Qua khảo sát nhiều nước, ông Nhân cho biết trong 2 năm qua, tỷ lệ kinh phí dành cho phòng, chống dịch của các nước chiếm tới 10-20% GDP, thậm chí phải vay nợ. So với quốc tế, tỷ lệ này tại Việt Nam còn thấp.
“Việt Nam trong quy định hợp pháp thì nợ công chưa dùng cho việc này. Kinh phí phòng chống dịch đến nay chỉ khoảng hơn 2% GDP. Nếu so với các nước, họ dành mức lớn hơn. Hội nghị Trung ương đang bàn về việc này để đẩy mạnh phát triển xã hội, phát triển kinh tế”, ông thông tin.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Thu Hằng. |
Đối với tình trạng người dân rời TP.HCM, đổ về quê, ông Nhân nhận định người dân về do không còn đủ điều kiện để sống tại thành phố. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ, chính quyền cần hỗ trợ người dân sát thực tế, đảm bảo tối thiểu thì người dân mới không đổ về quê.
“Tôi tin rằng Hội nghị Trung ương sẽ có tổng kết, Chính phủ sẽ có quyết định về gói hỗ trợ của Trung ương và địa phương để xây dựng quy chế hỗ trợ sát hơn, tạo điều kiện cho bà con ở lại làm việc với thành phố”, ông nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết 2 năm liền, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dưới 4%. Đây là điều chưa từng xảy ra từ năm 1995 đến nay.
Nhìn lại, năm 1997-1999 có khủng hoảng tài chính khu vực châu Á; năm 2007-2009 có khủng hoảng kinh tế toàn cầu; năm 2020-2021 có đại dịch Covid-19. Ông nhận định cứ 10 năm có một khủng hoản tầm thế giới.
“Chắc trong 10 năm tới thế nào cũng có một cuộc ảnh hưởng lớn đến nhân loại nên chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng. Sắp tới, cần để ý tăng tính tự chủ nền kinh tế, tận dụng cơ hội, đặc biệt lĩnh vực đảm bảo sự bền vững của quốc gia như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm doanh nghiệp… để sẵn sàng tiếp nhận khó khăn từ bên ngoài”, ông dự báo.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn