Nữ sĩ Quỳnh Dao đã xây dựng nhân vật Hạ Tử Vy trong “Hoàn Châu cách cách” theo cuộc đời của công chúa Hòa Thạc Hòa Gia. Nàng là công chúa có số phận đặc biệt.
Trang 163 đưa tin 5 năm qua Lâm Tâm Như không có dự án phim ảnh tại Trung Quốc, nữ diễn viên tập trung đóng phim tại quê nhà. Hiện tại, “nàng Hạ Tử Vy” là bà chủ sản xuất nhiều bộ phim truyền hình ăn khách ở Đài Loan như Chàng trai của tôi, Những rắc rối khi khởi nghiệp.
Tuy không hoạt động tại Đại lục, song, tên tuổi của Lâm Tâm Như vẫn được khán giả chú ý. Đó là nhờ thành công của bộ phim Hoàn Châu cách cách.
Phát sóng cách đây hơn 20 năm, đến nay, Hoàn Châu cách cách vẫn là tác phẩm được khán giả yêu thích. Các nhân vật như Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vy, Ngũ A ca, Phúc Nhĩ Khang quen thuộc với khán giả đại chúng.
Hạ Tử Vy trở thành nhân vật kinh điển trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc. |
Trong phim, Tiểu Yến Tử là nhân vật hư cấu được nữ sĩ Quỳnh Dao viết thêm. Còn Hạ Tử Vy được lấy từ nguyên mẫu công chúa Hòa Thạc Hòa Gia, con gái vua Càn Long nhà Thanh.
Theo 163, công chúa Hòa Gia có mẹ là Thuần Huệ Hoàng quý phi. Nàng chào đời vào năm Càn Long thứ 10 (1745). Khi sinh bàn tay công chúa khép dính liền giống hình bàn tay Phật. Vua Càn Long không vui nhưng Hoàng hậu Phú Sát thị đã nói 9 chữ: “Cách cách sinh Phật chưởng, thừa hoan Thái hậu”.
Nhờ đó, công chúa Hòa Gia có thể bình an lớn lên và được vua Càn Long yêu mến, gọi nàng là Tứ cách cách. Dân gian gọi nàng là Phật Thủ Công chúa.
Sau khi trưởng thành, công chúa Hòa Gia được gả cho Phúc Long An, con trai của Đại học sĩ Phó Hằng. Phúc Long An là nguyên mẫu của nhân vật Phúc Nhĩ Khang trong Hoàn Châu cách cách. Nàng được Hoàng đế Càn Long ban cho phủ đệ ở Kinh sư.
Phủ đệ (nơi ở) của Hòa Gia Công chúa là một trong những công trình đẹp nhất tại Bắc Kinh. Sau này, phủ công chúa được dùng làm Kinh sư Đại học đường, rồi đổi tên thành Đại học Bắc Kinh. Hiện tại, Đại học Bắc Kinh được mở rộng hơn nhiều lần so với phủ đệ của công chúa năm xưa.
Theo Baidu, công chúa Hòa Gia qua đời năm 22 tuổi (1767), được an táng tại viên tẩm Hòa Gia Công chúa. Nơi đây được xây dựng trang nghiêm với cung cách cao quý bậc nhất.
Nguyên mẫu nhân vật Hạ Tử Vy là công chúa Hòa Thạc Hòa Gia. Người con được Càn Long yêu thương. |
Hòa Thạc Hòa Gia công chúa có một con trai là Phong Thân Tế Luân. Khi công chúa qua đời, vua Càn Long đau lòng vì mất đi con gái mà ông sủng ái, nên dành sự yêu mến cho cháu ngoại. Khi Càn Long vi hành, ông cũng mang Phong Thân Tế Luân theo.
Tuy nhiên, Phong Thân Tế Luân lớn lên ngang ngược, bất tài khiến Càn Long thất vọng. Sau khi nhiều lần phạm sai lầm, con trai của công chúa Hòa Gia bị giảm chức tước trở thành thị vệ tứ phẩm.
Nguồn: News.zing.vn