Cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga kết thúc với một số nhất trí đạt được. Tuy nhiên, hai bên đều thừa nhận những mâu thuẫn chính vẫn còn.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã mang tới một số hy vọng khi hai nước nhất trí trong vài vấn đề. Chẳng hạn, hai nhà lãnh đạo cũng cùng nhau ra tuyên bố chung về kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược.
“Không có sự thù địch nào. Trái lại, cuộc họp giữa chúng tôi diễn ra trên tinh thần xây dựng”, ông Putin tuyên bố trong cuộc họp báo riêng sau hội đàm.
Sau cuộc hội đàm, Mỹ và Nga ra tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo, nói “ngay cả trong những giai đoạn căng thẳng”, hai nước vẫn chia sẻ các mục tiêu về “bảo đảm tính dễ tiên đoán trong không gian chiến lược, giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân”, theo CNN.
Nhưng nhanh chóng, các dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai bên vẫn tồn tại, và không dễ xóa tan một sớm một chiều. Chưa gì có thể bảo đảm quan hệ song phương Mỹ – Nga sẽ sớm được cải thiện, theo New York Times.
Chẳng hạn, Tổng thống Putin vẫn phủ nhận sự liên quan của Nga trong những vụ tấn công mạng ngày càng táo tợn vào các cơ quan Mỹ – điều mà Washington một mực khẳng định Moscow không thể không dính líu.
Về phần mình, Tổng thống Biden nói ông đã thúc ép ông Putin ở loạt vấn đề, bao gồm tình hình nhân quyền ở Nga, và ông sẽ không ngừng lại.
Cái bắt tay trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và ông Putin trước khi bắt đầu hội đàm ngày 16/6. Ảnh: Reuters. |
Vẫn còn nghi ngại
Trước cuộc hội đàm, cả ông Putin và ông Biden đều được Tổng thống Thụy Sĩ Guy Pamerlin chào đón “đến đất nước của hòa bình”. Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ bắt tay hữu hảo trước khi bước vào phần thảo luận kín.
Tổng thống Putin cảm ơn người đồng cấp Mỹ vì “sáng kiến tổ chức cuộc gặp”.
“Tôi biết là ngài đã có chuyến đi dài và có rất nhiều việc phải làm. Dù vậy, Mỹ, Nga và quan hệ với Mỹ có rất nhiều vấn đề tồn đọng đòi hỏi cuộc gặp ở cấp cao nhất, tôi hy vọng cuộc gặp của chúng ta sẽ có hiệu quả”, Tổng thống Putin nói.
Tổng thống Biden cười đáp lại ông Putin. Ông Biden cho biết hai bên cần cùng phối hợp trong những vần đề có “lợi ích chung”.
Tổng thống Biden gọi Nga và Mỹ là “hai đại cường quốc”. Tuyên bố này đã trực tiếp nâng cao vị thế của Moscow, trong bối cảnh Nhà Trắng đang tìm kiếm mối quan hệ ổn định hơn với Điện Kremlin.
Trong quá khứ, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã tìm cách hạ thấp vai trò toàn cầu của nga. Sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, cựu Tổng thống Obama miêu tả Nga chỉ là một “cường quốc khu vực”.
Tổng thống Biden và Tổng thống Putin trước khi bước vào hội đàm. Ảnh: AP. |
Hiện chưa rõ phát biểu “hai đại cường quốc” của ông Biden được đưa ra trong ngữ cảnh nào, bởi tiếng tác nghiệp của báo giới đã lấn át tiếng nói của hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, CNN cho biết ông Biden khi đó đang thảo luận về tầm quan trọng của cuộc gặp trực tiếp giúp thiết lập quan hệ song phương hiệu quả hơn.
Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo không tổ chức họp báo chung. Đây là ý tưởng của giới chức Nhà Trắng, CNN cho biết.
Quan chức Mỹ tiết lộ phía Nga muốn tổ chức một cuộc họp báo chung tương tự năm 2018. Tuy nhiên, Washington phản đối phương án này bởi không muốn trao cho Tổng thống Putin sân khấu để trình diễn tài hùng biện, như những gì xảy ra ở Helsinki năm 2018 với cựu Tổng thống Donald Trump.
Quan chức Mỹ cho biết họ lo ngại Tổng thống Putin sẽ tìm cách tỏ ra đã chiếm lợi thế trước Tổng thống Biden, cũng như nhằm tránh khả năng tình huống sẽ biến thành cuộc đấu khẩu trước báo giới.
Căng thẳng, nhưng ‘tốt đẹp’
Cuộc gặp hôm 16/6 được tổ chức thành hai phiên. Khi bước ra khỏi phòng họp sau phiên họp thứ hai, Tổng thống Biden giơ ngón tay cái thể hiện thái độ tích cực với báo giới.
Trong khi đó, hãng thông tấn Ifax dẫn một nguồn tin cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra “khá thành công”.
Cuộc hội đàm mở rộng giữa phái đoàn hai nước Mỹ – Nga. Ảnh: Getty. |
Hãng thông tấn Tass dẫn nguồn tin cho biết hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi căng thẳng, mọi chủ đề trong chương trình nghị sự ban đầu đều được thảo luận, như vũ khí hạt nhân, các cuộc xung đột khu vực, thương mại, Bắc Cực.
Trong cuộc họp báo riêng, Tổng thống Biden cho biết “tôi đã nói với ông Putin rằng chúng ta cần một số luật lệ cơ bản để mỗi bên có thể tuân thủ”.
“Không có lời đe dọa nào” trong cuộc họp, mà chỉ là những lời khẳng định đơn giản, ông Biden nói. “Tôi nói với ông Putin về quan điểm của Mỹ, về điều tôi nghĩ hai bên có thể cùng đạt được, và nếu có sự xâm phạm chủ quyền của Mỹ thì tôi sẽ hành động thế nào”, ông Biden cho biết.
Theo CNN, một nội dung mà ông Biden thể hiện mạnh mẽ nhất quan điểm của Mỹ là việc nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny đang bị giam ở Nga. Tuy nhiên, ông Putin bác bỏ các cáo buộc, lặp lại việc ông Navalny vi phạm luật pháp sở tại.
Tổng thống Putin cũng cho biết đã thảo luận về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định “không có gì cần thảo luận” về việc Ukraine gia nhập NATO.
Ông Putin cáo buộc chính quyền Kiev phá vỡ Thỏa thuận Minsk khi leo thang xung đột ở miền đông Ukraine, đồng thời cho biết việc Moscow củng cố binh lực hồi đầu năm chỉ diễn ra trên lãnh thổ Nga.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí nhân viên ngoại giao Mỹ và Nga sẽ trở lại các cơ quan đại diện ở Washington và Moscow.
Tổng thống Putin cho biết Mỹ và Nga chia sẻ trách nhiệm về ổn định các lực lượng hạt nhân chiến lược. Ông Putin nói hai nước sẽ thảo luận về khả năng điều chỉnh quy định của Hiệp định kiểm soát vũ khí New START. Các cuộc tham vấn về chủ đề này sẽ được khởi động ở cấp ngoại trưởng.
Về vấn đề an ninh mạng, Tổng thống Putin cho biết Nga không liên quan tới vụ tấn công mạng vào hệ thống đường ống dẫn dầu ở Mỹ, và rằng Moscow đã cung cấp mọi thông tin có thể cho Washington liên quan tới các cuộc tấn công mạng.
Ông chủ Điện Kremlin tuyên bố đa phần các cuộc tấn công mạng xuất phát từ Mỹ, và Nga đang là nạn nhân của những vụ việc như vậy. Tổng thống Putin cho biết hai nước sẽ khởi động các cuộc tham vấn về an ninh từ sau cuộc gặp ở Geneva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức họp báo sau cuộc gặp. Ảnh: CNN. |
Nga không ảo tưởng trong quan hệ với Mỹ
Trước câu hỏi về việc Tổng thống Biden từng gọi mình là “kẻ sát nhân”, Tổng thống Putin cho biết ông hài lòng với lời giải thích của người đồng cấp Mỹ.
Tổng thống Putin nói lo ngại của Mỹ về hoạt động quân sự của Nga ở Bắc cực là “không có cơ sở”. Ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga đang khôi phục cơ sở hạ tầng từ thời Liên Xô ở Bắc cực, tuy nhiên khẳng định hai nước nên hợp tác trong hoạt động ở Bắc cực.
Ifax dẫn lời Điện Kremlin cho biết Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đã thông qua một tuyên bố chung về ổn định hạt nhân chiến lược.
Bình luận về ông Biden, Tổng thống Putin miêu tả người đồng cấp Mỹ là đối tác “giàu kinh nghiệm, thiện chí” và hai nhà lãnh đạo “có tiếng nói chung”.
Tổng thống Putin tuyên bố chỉ đang bảo vệ lợi ích của Nga chứ không tìm cách xây dựng tình bạn với ông Biden, và ông “không ảo tưởng” về quan hệ với Mỹ.
Tổng thống Putin thừa nhận hiện chưa thể khẳng định về khả năng quan hệ song phương sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ông Putin cho biết nhìn thấy “một tia hy vọng” về xây dựng lòng tin chung với Mỹ.
“Cuộc gặp diễn ra thực chất, cụ thể, được tổ chức trong một không khí nhằm đạt được những kết quả thực sự”, Tổng thống Putin nói.
Tổng thống Putin kết luận cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, nhằm bảo đảm thế giới sẽ an toàn hơn, đã diễn ra tốt đẹp.
Không kết bạn, không ảo tưởng
Cuộc gặp giữa hai ông Biden – Putin tập trung vào “ổn định và mang lại sự dễ đoán” cho quan hệ song phương, vì vậy không bên nào ảo tưởng hai nhà lãnh đạo “sẽ trở thành bạn”, theo ông Matthew Rojansky, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson.
“Tổng thống Biden đặt ra những kỳ vọng thấp, khi cho biết sẽ không kết thúc cuộc gặp với lễ ký kết văn kiện hay họp báo chung. Chính quyền Mỹ đã sử dụng thuật ngữ ‘rào chắn ngăn chặn hành vi leo thang’ miêu tả cuộc gặp”, ông Rojansky cho biết.
Đến với cuộc gặp người đồng cấp Nga, Tổng thống Biden mang theo nhiều vấn đề tối quan trọng, như cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, an ninh mạng, đây đều là những chủ đề gai góc. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những chủ đề hai bên chia sẻ lợi ích như kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo đều hiểu rõ kinh nghiệm chính trị của đối phương. Bởi thế, họ không mất thời gian giả vờ thân thiện mà đi thẳng vào những vấn đề cần giải quyết.
“Không có những màn chào hỏi giả vờ, vỗ vào lưng nhau, chỉ có sự tôn trọng và răn đe lẫn nhau”, ông Rojansky nói.
Mục tiêu của cuộc gặp, theo ông Rojansky, sẽ là thăm dò điều kiện để Nga có thể bắt đầu đối thoại với Mỹ, ông Rojansky cho biết.
“Có lẽ nếu Nga chấp nhận đối thoại, một số hành vi khiêu khích sẽ chấm dứt, bởi ông Putin đã có điều ông ấy muốn”, ông Rojansky nói.
Nguồn: News.zing.vn