Cuộc gặp Mỹ – Trung không đột phá dù tích cực

0
Cuộc gặp Mỹ – Trung không đột phá dù tích cực

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình không có bước đột phá lớn, nhưng vẫn là tín hiệu tích cực vì hai bên nhất trí sẽ quản lý sự cạnh tranh.

Thuong dinh My Trung anh 1

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên màn hình trong Nhà Trắng vào tối 15/11 (khoảng 7h45 ngày 16/11 giờ Việt Nam) để dự cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với tổng thống Mỹ, hai nhà lãnh đạo không cần nhờ người khác giới thiệu.

“Chúng ta đã dành nhiều thời gian nói chuyện với nhau, và tôi hy vọng chúng ta cũng có thể có cuộc trao đổi thẳng thắn vào tối nay”, ông Biden nói.

Từ căn phòng lớn ở Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Tập cũng bày tỏ thái độ thân thiện. “Tuy không tốt bằng việc gặp trực tiếp, tôi vẫn rất vui khi được gặp bạn cũ”, ông Tập nói.

Đây là sự khởi đầu thuận lợi của một trong những cuộc trao đổi quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung vẫn căng thẳng.

Theo CNN, giới chức cho biết thời lượng dài 3,5 tiếng của hội nghị lần này dài hơn dự kiến nhưng đã cho phép hai nhà lãnh đạo có nhiều cơ hội đề cập tới những vấn đề khác bên ngoài nội dung được chuẩn bị sẵn. Cuộc gặp diễn ra trong không khí “tôn trọng và thẳng thắn”, các quan chức nói.

Khởi đầu thuận lợi

Suốt cuộc gặp, ông Biden và ông Tập đã có cuộc “tranh luận lành mạnh”, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng có mặt trong hội nghị.

Trong hội nghị, hai nhà lãnh đạo cùng ôn lại chuyện cũ về khoảng thời gian hai người làm việc với nhau khi còn là phó tổng thống và phó chủ tịch nước. Đôi khi họ dẫn lại lời của đối phương từ quãng thời gian ấy, vị quan chức Nhà Trắng trên cho biết.

Thuong dinh My Trung anh 2

Màn hình tại một nhà hàng ở Bắc Kinh chiếu cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Đầu cuộc gặp, ông Biden nói với ông Tập rằng hai bên có trách nhiệm đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước không rơi vào xung đột, dù là cố ý hay vô ý. “Chỉ đơn giản là cạnh tranh”, ông Biden nói với ông Tập thông qua phiên dịch viên.

“Tôi thấy rằng chúng ta cần thiết lập một dạng lan can bằng lẽ thường tình để có thể rõ ràng, chân thành với nhau ở những phương diện bất đồng và phối hợp ở phương diện lợi ích giao nhau”, ông Biden tiếp tục.

Trong lời nói đầu, Chủ tịch Tập cũng bày tỏ ngữ khí hài hòa. Ông cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sống trong hòa bình và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi, theo Wall Street Journal.

“Tôi sẵn sàng làm việc với ông, Tổng thống Biden, để xây dựng đồng thuận chung, có những bước chủ động và đưa quan hệ Trung – Mỹ tiến về phía trước theo hướng tích cực”, ông Tập nói.

Theo CCTV, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng Trái Đất đủ lớn để chứa đựng sự phát triển của cả Mỹ và Trung Quốc. Hai nước không nên tham gia vào “người thắng kẻ thua”.

AP nhận định cuộc gặp diễn ra trong lúc cả hai nhà lãnh đạo đang gặp thách thức ngay trong nước. Đối diện với tỷ lệ ủng hộ thấp giữa những lo ngại về đại dịch còn dai dẳng, ông Biden muốn tìm ra biện pháp cân bằng cho những vấn đề đối ngoại có tác động lớn.

Trong khi đó, ông Tập đang phải đối mặt với sự tái bùng phát của Covid-19, tình trạng thiếu hụt năng lượng tràn lan, và cuộc khủng hoảng nhà đất đang lơ lửng.

“Lúc này, cả Trung Quốc và Mỹ đang ở trong giai đoạn phát triển then chốt; loài người sống trong một ngôi làng quốc tế và chúng ta cùng nhau đối diện nhiều thách thức”, ông Tập nói.

Thuong dinh My Trung anh 3

Trước cuộc gặp, quan hệ hai nước đang ở mức thấp. Ảnh: Reuters.

Tái khẳng định các vấn đề cũ

Sau khởi đầu thuận lợi, ông Tập cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, theo Bloomberg. Chủ tịch Trung Quốc còn cho rằng những người chơi với lửa trong vấn đề Đài Loan sẽ “không tránh khỏi tự làm bỏng mình”.

“Chúng tôi kiên nhẫn và sẵn sàng theo đuổi khả năng thống nhất hòa bình bằng lòng chân thành nhất cùng nỗ lực cao nhất”, Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Tập. “Nhưng nếu lực lượng ly khai ‘Đài Loan độc lập’ khiêu khích và cưỡng ép, hoặc thậm chí vượt qua lằn ranh đỏ, chúng tôi sẽ phải có biện pháp quyết liệt”.

Đáp lại, ông Biden tái khẳng định Mỹ sẽ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”, tức công nhận Bắc Kinh nhưng vẫn cho phép Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao và quốc phòng không chính thức với hòn đảo.

Tuy nhiên, ông Biden cũng thể hiện rõ rằng Mỹ “cực lực phản đối nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan”, Nhà Trắng cho biết.

Ngoài vấn đề Đài Loan, Tổng thống Biden còn trao đổi về tầm quan trọng của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không đối với sự thịnh vượng của khu vực này.

Đồng thời, ông Biden nêu lên những phương diện mà Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác, bao gồm biến đổi khí hậu. Vừa qua, hai nước đã làm giới quan sát bất ngờ khi đưa ra cam kết chung về giảm phát thải tại hội nghị biến đổi khí hậu COP26.

Ngoài ra, ông Biden cũng tỏ rõ mình sẽ tìm cách “bảo vệ công nhân và các ngành công nghiệp của Mỹ trước hành vi kinh tế, thương mại bất công của Trung Quốc”. Một số vấn đề khác được đề cập tới trong cuộc gặp là về Triều Tiên, Afghanistan và Iran, Nhà Trắng cho biết.

Thuong dinh My Trung anh 4

Tiêm kích từ đảo Đài Loan (dưới) bay gần một máy bay ném bom của Trung Quốc đại lục vào năm 2020. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Vẫn là tín hiệu tích cực

Cuối cùng, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc với việc hai nhà lãnh đạo cùng đồng ý rằng họ cần thận trọng trong bối cảnh hai nước cạnh tranh ngày càng gay gắt, theo AP.

Sau hội nghị, hai bên không đưa ra thông báo lớn hoặc tuyên bố chung nào. Nhưng quan chức Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi thực chất. Ngay từ đầu, Mỹ đã thể hiện rõ rằng sẽ không có những kết quả cụ thể sau cuộc gặp lần này, theo Bloomberg.

Trước cuộc gặp, một số phỏng đoán cho rằng ông Tập có thể tận dụng cơ hội này để mời ông Biden tới Thế vận hội mùa đông sắp tới. Tuy nhiên, chủ đề này đã không xuất hiện, CNN dẫn lời giới chức cho biết.

Theo Guardian, một mục tiêu của ông Biden trong hội nghị lần này là thiết lập đối thoại thường xuyên giữa quan chức Mỹ – Trung trên một loạt vấn đề, nhưng hiện chưa rõ việc này đã được xúc tiến tới đâu. Một quan chức Mỹ cho biết việc thiết lập “lan can” điều chỉnh hành vi hai nước trong vấn đề Đài Loan thậm chí còn không được trao đổi.

Tân Hoa Xã cho biết sau cuộc gặp, Bắc Kinh đồng ý áp dụng quy trình nhập cảnh nhanh hơn vào Trung Quốc đối với các giám đốc người Mỹ. Đây là một trong những kết quả cụ thể duy nhất được thông báo sau hội nghị.

“Tôi không cho rằng mục đích chủ yếu ở đây là để giảm căng thẳng hay đó là kết quả hai bên đã đạt được. Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng sự cạnh tranh được quản lý một cách có trách nhiệm”, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết.

Trả lời Thời Báo Hoàn Cầu, Wu Xinbo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), nhận định cuộc gặp lần này là tín hiệu lạc quan.

“Hiếm khi nào các nguyên thủ quốc gia có cuộc trò chuyện dài đến thế, và mối quan hệ tốt như vậy được xem là điều kiện tích cực để xử lý quan hệ song phương”, ông Wu nói. “Bản thân việc Trung Quốc và Mỹ cố gắng quản lý cạnh tranh là một tín hiệu tích cực cho thế giới”.

Nguồn: News.zing.vn