Việc tập đoàn bất động sản China Evergrande Group đứng trước nguy cơ lớn sụp đổ được cho là sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền bóng đá Trung Quốc.
Bình luận
Hơn nửa thập niên trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt ra tham vọng “hóa rồng” cho bóng đá nước này. Evergrande Group, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, là hạt nhân trong giấc mơ vươn tầm đó.
Tuy nhiên, việc Evergrande Group rơi vào cuộc khủng hoảng nợ ở thời điểm hiện tại mang đến tín hiệu xấu cho sự phát triển của bóng đá Trung Quốc. Ở một nền bóng đá phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tiền của các doanh nghiệp lớn như Trung Quốc, sự lao dốc của Evergrande Group khiến nhiều cầu thủ và CLB liên quan chịu ảnh hưởng.
Cuộc họp bất thường
Đầu tuần này, tuyển Trung Quốc có một cuộc họp bất thường tại Sharjah, địa điểm đóng quân của đội ở UAE. Vấn đề chính được nhiều cầu thủ và quan chức của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) đưa ra thảo luận, đó là nguy cơ sụp đổ của Evergrande Group.
Nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua rúng động trước thông tin Evergrande Group rơi vào cuộc khủng nợ lên tới 300 tỷ USD. Tập đoàn địa ốc hàng đầu Trung Quốc nhiều năm qua giờ rơi vào khủng hoảng và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Tập đoàn địa ốc hàng đầu Trung Quốc Evergrande Group rơi vào cuộc khủng nợ lên tới 300 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Nhiều năm qua, Evergrande Group là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh nhất vào bóng đá, lĩnh vực được xem như “đốt tiền” với nhiều nhà quản lý kinh tế nước này.
Cuộc khủng hoảng của Evergrande Group sẽ kéo theo tương lai bấp bênh của Guangzhou FC, đội bóng mạnh hàng đầu Trung Quốc vào lúc này, cũng như ảnh hưởng đến số phận của nhiều cầu thủ khác. 8 tuyển thủ Trung Quốc đang có mặt tại UAE, để chuẩn bị cho loạt trận tiếp theo của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, thuộc biên chế Guangzhou FC, CLB mà Evergrande Group nắm lượng lớn cổ phần.
Cuộc họp tại Sharjah được CFA tổ chức để trấn an tinh thần của các trụ cột tuyển Trung Quốc, trong đó có 4 cầu thủ nhập tịch. Trung vệ Jiang Guangtai (Tyias Browning), Fei Nanduo (Fernandinho), Ai Kesen (Elkeson) và Gao Late (Ricardo Goulart) từng nhận những khoản lót tay và mức lương hậu hĩnh để khoác áo Guangzhou FC với tư cách nội binh, sau đó chơi cho ĐTQG Trung Quốc.
Đà lao dốc của Evergrande Group khiến Guangzhou FC mất đi “bầu sữa chính”, và gần như lâm vào cảnh khủng hoảng. Dấu hỏi được đặt ra cho 4 cầu thủ nhập tịch của bóng đá Trung Quốc. Họ có thể phải tìm kiếm một CLB khác ở giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League – CSL) hoặc ra nước ngoài thi đấu.
Alibaba Group, một cổ đông lớn khác của Guangzhou FC, cũng lâm vào khó khăn từ nhiều tháng qua. Đội bóng do HLV Fabio Cannavaro dự kiến hội quân trở lại sau kỳ nghỉ vào cuối tháng 9, để chuẩn bị cho phần còn lại của mùa giải.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc tiết lộ chưa có dấu hiệu nào cho thấy Guangzhou FC sẽ trở lại tập luyện bình thường, với cuộc khủng hoảng từ công ty mẹ Evergrande Group. HLV Cannavaro vẫn đang ở Italy, và người ta đã nói về khả năng cựu danh thủ Real Madrid chia tay CLB Trung Quốc.
CSL 2021 đã đi được hơn nửa chặng đường, và Guangzhou FC vẫn tràn trề cơ hội vô địch khi đang xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, ngay cả khi trở thành nhà vô địch CSL ở mùa giải năm nay, Guangzhou FC có nguy cơ rơi tình cảnh như Jiangsu Suning, đội bóng số một Trung Quốc mùa trước.
Jiangsu Suning bị xóa tên trên bản đồ bóng đá Trung Quốc sau chức vô địch CSL 2020. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Suning Commerce Group, chủ sở hữu Jiangsu Suning, khiến mọi hoạt động đầu tư vào bóng đá của tập đoàn bán lẻ này phải dừng lại.
Evergrande Group liệu có đi vào vết xe đổ của Suning Group, và chấm dứt việc đầu tư vào bóng đá? Hơn nửa thập niên qua, họ là doanh nghiệp chi nhiều tiền và lên kế hoạch một cách bài bản nhất cho sự phát triển của bóng đá Trung Quốc.
Guangzhou FC gần như không tạo ra lợi nhuận cho Evergrande Group kể từ khi tập đoàn này tiếp quản CLB. Năm 2019, Guangzhou FC lỗ khoảng 298 triệu USD (thống kê từ China Daily).
HLV Fabio Cannavaro và nhiều cầu thủ nhập tịch của Guangzhou FC đứng trước tương lai bất định. Ảnh: Reuters. |
Tương lai của học viện đắt giá
Evergrande Football Academy (EFA) từng được truyền thông phương Tây xem như một trong những học viện bóng đá có quy mô lớn nhất thế giới. CNN mô tả học viện đào tạo của Guangzhou FC không khác gì ngôi trường Hogwarts của Harry Potter, hoặc “lâu đài tráng lệ giống trong phim của Disney”.
Evergrande Group ban đầu bỏ ra 185 triệu USD để biến một khu đất nông thôn nằm ở miền nam Trung Quốc thành lò đào tạo lớn bóng đá nhất hành tinh. Sau hơn nửa thập niên, chi phí mà tập đoàn bất động sản này bỏ ra đã lên tới cả tỷ USD.
Học viện Evergrande là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển bóng đá 10 năm, được đề ra từ 2015 của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ dự kiến đến năm 2025, các ngôi trường đào tạo bóng đá Trung Quốc có thể cung cấp hơn 200.000 cầu thủ chuyên nghiệp.
Điều đó sẽ giúp nước này đủ khả năng đăng cai World Cup 2030 và xa hơn nữa, trở thành một thế lực bóng đá toàn cầu. Việc Evergrande Group lâm vào cảnh khó khăn ảnh hưởng đến tương lai của học viện bóng đá lớn nhất Trung Quốc.
Quang cảnh Evergrande Football Academy nhìn từ trên cao. Ảnh: China Daily. |
Học viện Evergrande cắt giảm nhiều nhân viên trước khi học kỳ mới bắt đầu vào mùa thu năm nay. Trong một bức thư ngỏ được một cựu nhân viên đăng tải lên mạng xã hội, các nhà quản lý của EFA thừa nhận tình trạng khó khăn của học viện.
Một dự án do Evergrande Group rót tiền là sân bóng mới của Guangzhou FC cũng rơi vào cảnh khó khăn. Sân vận động mới với sức chứa 105.000 chỗ ngồi cùng thiết kế hoa sen độc đáo, ngốn chi phí hơn 1,7 tỷ USD dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Với tình hình hiện tại, chưa rõ sân nhà mới của Guangzhou FC có thể khánh thành đúng dự kiến hay không. Financial Times nhận định chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp để Evergrande Group tránh phá sản.
Tuy nhiên, ngay cả khi hồi phục sau đợt khủng hoảng này, tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc cũng khó tiếp tục “đốt tiền” vào bóng đá. Những gì xảy ra với CLB Jiangsu Suning vào đầu năm nay là minh chứng.
Nhiều năm qua, Suning hay Evergrande nằm trong số những doanh nghiệp trụ cột cho sự phát triển của bóng đá Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng của hai doanh nghiệp kể trên là hồi chuông cảnh báo đến các tập đoàn kinh tế còn lại như Shandong Luneng Group (chủ CLB Shandong Taishan), Greenland Group (chủ Shanghai Shenhua) hay Shanghai International Port Group (chủ CLB Shanghai Port).
Một lần nữa, tham vọng “hóa rồng” của bóng đá Trung Quốc bị giáng một đòn mạnh. Nền bóng đá nước này vẫn đang phát triển thiếu bền vững.
Nguồn: News.zing.vn