Cuộc sống nơi an toàn nhất hành tinh

0
101

Australia Cựu triệu phú David Glasheen sống trên hòn đảo không người trong hơn 2 thập niên.

David, 77 tuổi, từng là doanh nhân ở Sydney, sở hữu một công ty khai thác vàng trị giá hàng triệu USD. Năm 1987, sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán, khối tài sản 37 triệu USD của ông đã không cánh mà bay, kéo theo cuộc hôn nhân hạnh phúc với người vợ 22 tuổi và ngôi nhà rộng lớn trước bến cảng.

Sau nhiều năm cố gắng bắt đầu lại với những dự án không thành, David được một người bạn giới thiệu về một hòn đảo xa xôi chưa phát triển phía bắc bang Queensland. Sau lần đầu đến thăm năm 1993, ông đã thực sự yêu mến hòn đảo rộng 40 ha, với làn nước trong xanh và những rặng dừa tỏa bóng mát. Hợp đồng thuê 1/3 đảo đã được ký kết sau đó, với nội dung David sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng sinh thái, có hiệu lực tới năm 2039. Ông đặt tên nơi đây là đảo Phục hồi.

Từ khu định cư nhỏ đường Portland, thời gian đi thuyền tới hòn đảo là 30 phút. Ảnh: Youtube.

Từ khu định cư nhỏ đường Portland, thời gian đi thuyền tới đảo là 30 phút. Ảnh: Venture Films/Youtube.

David và Denika, bạn gái cũ, mơ ước về cuộc sống nhiệt đới và xây dựng một nơi nghỉ dưỡng ẩn dật. Họ sống trong một chiếc thuyền cũ với máy tính kết nối Internet và đèn, chạy bằng năng lượng mặt trời. Ngoài ra còn có tủ lạnh và bếp nấu chạy bằng xăng. Nguồn nước ngọt được lấy ở một lưu vực trên đồi, cùng lượng nước mưa đọng trên mái nhà. Tuy nhiên sau khi con của họ chào đời, Denika đã rời khỏi đảo về đất liền.

Sau khi cô rời đi, David vẫn quyết định ở lại, trở thành cư dân duy nhất trên hòn đảo. Hàng xóm gần nhất của ông là những thổ dân sống ở sông Lockhart cách đó 40 km, còn hàng ngày ông có thể chạm trán với cá sấu nước mặn, cá mập biển, rắn độc… Trên đảo một số thứ ăn được, ngoài ra David còn tự trồng thêm rau củ quả, đánh bắt hải sản như cá, mực, hàu, tôm, bạch tuộc…

Ông tự ủ bia, để trao đổi với những ngư dân đến tiếp nguyên liệu trên sông Lockhart. Cứ 2, 3 tuần ông lại đi đổi trứng, sữa, quần áo nếu cần… Mỗi năm một lần, David lái thuyền máy, và đi xe hơi hơn 800 km để mua thêm những nhu yếu phẩm không thể tự sản xuất ở thành phố Cairns. Ông có lương hưu và nguồn thu nhập khác nhờ đón khách tới hòn đảo. 

Sau khi có càng nhiều người tìm đến hòn đảo, David quyết định thu phí thay vì tiếp đãi hoàn toàn miễn phí như trước kia. Ông cũng cảnh báo cho du khách về những hiểm họa mà họ có thể gặp phải. Ảnh: Aubrey Comben.

Khi có nhiều người tìm đến hòn đảo, David quyết định thu phí thay vì tiếp đãi hoàn toàn miễn phí như trước kia. Ông cũng cảnh báo cho du khách về những hiểm họa mà họ có thể gặp phải. Ảnh: Aubrey Comben.

David luôn cho rằng mình đang sống ở nơi an toàn nhất trên hành tinh, dù thường phải đối diện với những động vật nguy hiểm và cơn bão biển dữ dội. Tháng 3/2019, sau khi cơn bão số 4 Traver quét qua, thuyền của ông bị chôn vùi bởi cát, điện thoại, động cơ và máy móc không còn sử dụng được. Sau đó, ông bắt đầu sửa sang lại nơi ở bằng các mảnh vụn còn xót trên bãi biển.

David cho biết, ông đang chiến đấu để đổi lấy sự tự do và bảo vệ giấc mơ của mình. Từ khi chuyển đến hòn đảo, các giác quan và bản năng sinh tồn của ông cũng trở nên mãnh liệt hơn. Ông có thể phát hiện ra động vật từ tiếng động nhỏ trong bụi rậm và gợn sóng dưới mặt biển. 

“Nơi này có rắn, nhện và cá sấu nhưng còn an toàn hơn nhiều miền đất khác trên thế giới, khi bạn phải đọc về những vụ khủng bố. Tôi yêu cuộc sống nơi đây, dù già cả và cứng cỏi đến đâu, bạn vẫn muốn lên giường mà không phải lo bị ai tấn công”, David bày tỏ.

Khi tuổi ngày càng cao, ông cũng gặp một số tai nạn và vấn đề sức khỏe. Đầu năm 2019, David đã từng bị ngã gãy xương hông và mất một giờ đồng hồ để bò 60 m tới chiếc điện thoại vệ tinh của mình. Sau đó, một số ngư dân đã ghé hòn đảo để đưa thuốc giảm đau và ông được cấp cứu bởi trực thăng Flying Doctor. 

David với mái tóc bạc phơ được gọi là Robinson ngoài đời thực. Ảnh: Youtube.

David với mái tóc bạc phơ được gọi là Robinson ngoài đời thực. Ảnh: Youtube.

Tuy nhiên, ông sẽ không rời đảo và quyết định trút hơi thở cuối cùng của mình ở đây. “Tôi và đảo Phục hồi là mối quan hệ cộng sinh, sống không tách rời”, ông nói.

Trong cuốn tự truyện Castaway, ông mô tả những ngày tháng ngắm nhìn diều hâu khổng lồ làm tổ trên đỉnh Resto, lơ lửng trong không trung hoặc theo dõi những con cá đuối lướt dọc bãi biển… thay vì thấy vài con sẻ hiếm hoi bên cửa sổ viện dưỡng lão. “Nhiều người đang dành cả cuộc đời để mơ chạm tay tới thiên đường, còn tôi thì đang ở đó”, ông viết.

Lan Hương (Theo Australian, ABC)

Nguồn: Vnexpress.net

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn