Cứu trợ 600 sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội vì Covid-19

0
53

Đại học Văn hóa Hà Nội triển khai cứu trợ quy mô lớn dành cho hơn 600 sinh viên đang kẹt lại thành phố vì dịch bệnh. Trong đó có những du học sinh hơn 1 năm chưa về nước.

CỨU TRỢ 600 SINH VIÊN MẮC KẸT Ở HÀ NỘI VÌ COVID-19

Đại học Văn hóa Hà Nội triển khai cứu trợ quy mô lớn dành cho hơn 600 sinh viên đang kẹt lại thành phố vì dịch bệnh. Trong đó có du học sinh hơn 1 năm chưa về nước.

– NeePhone, em có nhớ nhà không?

– Xa nhà hơn một năm rồi thì ai cũng sẽ nhớ đó chị. Em nhớ bố mẹ, nhớ nước Lào.

Nee đẩy những cuốn sách gọn sang một bên rồi nằm áp mặt xuống bàn học. Cô sinh viên 23 tuổi bỗng chốc lại thấy tủi thân vì nhắc tới quãng thời gian xa nhà quá lâu. Nee luôn miệng kể về những món ăn của Lào, những phong tục lễ, tết mà gần 2 năm nay cô không được tham gia vì dịch bệnh.

Rồi chợt cô bật dậy như phát hiện ra điều gì lý thú lắm. “Nhưng nghĩ lại thì em không buồn. Vì ở Việt Nam em có thầy cô, bạn bè giúp đỡ. Sau này về với gia đình, em sẽ kể cho mọi người nghe về sự quan tâm nhận được ở đây”, NeePhone cười tươi rồi nói.

NeePhone Thinavong là một trong 14 sinh viên Lào đang kẹt tại ký túc xá Đại học Văn hóa Hà Nội trong những ngày giãn cách. Cô cũng là thành viên được nhà trường đặt trong danh sách cứu trợ đặc biệt của chiến dịch hỗ trợ hơn 600 sinh viên khi tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài.

Những sinh viên Lào và cuộc sống mới trong ký túc xá

– Atu ơi, em bận không cắt tóc giúp anh.

Pheng Chanh gõ cửa cậu bạn phòng bên để “cầu cứu” mái tóc đã gần một tháng nay chưa được cắt tỉa.

Atu mở cửa bước ra với chiếc tông đơ mới mua cầm trên tay. Từ ngày Hà Nội giãn cách, hàng quán đóng cửa, Atu trở thành thợ cắt tóc bất đắc dĩ cho những bạn nam đang ở trong ký túc xá. Đến nay, tay nghề của cậu cũng được rèn rũa.

“Hay là sau dịch em xin đi làm thêm ở tiệm tóc?”, Atu láu cá hỏi Pheng Chanh rồi cả hai cùng nhau đi lên sân thượng để cắt tóc.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 1

Cứ 17h mỗi ngày, sau khi hoàng hôn dịu xuống, khoảng sân thượng rộng rãi lại trở thành nơi sinh hoạt chung của những sinh viên mắc kẹt. Người cắt tóc, người thêu tranh, người lại trồng cây, hát hò, tập thể dục… tiếng cười nói cứ vậy mà vang dội. Trước kia nếu vướng lịch học cả ngày, họ ít có thời gian cho khoảng sân thượng này, chỉ thỉnh thoảng lên đây hóng gió vào buổi tối. Đến nay thì góc sân nhỏ ấy lại trở thành chốn quen không thể thiếu.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 2
Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 5

Pheng Chanh, Lod, Atu, NeePhone, Ongly, Onthip, Aong… là những sinh viên Lào cùng ở lại tại ký túc xá của Đại học Văn hóa. Có người ở lại gần 2 năm, có người mới sang được vài tháng còn chưa kịp nhập học. Họ không thể trở về Lào vì tình hình dịch bệnh. Cũng lo nếu về rồi thì rất khó để quay lại tiếp tục chương trình học. Vậy là những ngày này, ngoài việc lo cho 600 sinh viên Việt Nam đang kẹt lại Hà Nội, đoàn trường còn lo thêm cho những sinh viên trong nhóm hoàn cảnh đặc biệt này.

Nhà trường hỗ trợ, khoa hỗ trợ, thầy cô liên tục động viên tinh thần, những sinh viên xa quê hương cũng vì vậy mà an tâm ở lại. Trong chiến dịch “Giơ cánh tay lên” cứu trợ sinh viên mắc kẹt, NeePhone không ngần ngại bày tỏ khó khăn của mình cùng những bạn Lào khác. Chỉ vài ngày sau đó, những phần thực phẩm dùng trong 2-3 ngày rồi 5-7 ngày dần dần được thầy cô chuyển tới.

“May mắn lắm ạ, may mắn vì được học trong ngôi trường này, được thầy cô quan tâm”, NeePhone tâm sự trong khi vừa ôm số thực phẩm nhận được ngày hôm nay rồi xếp gọn gàng vào thùng giấy.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 6

Trước dịch, thỉnh thoảng gia đình những sinh viên này sẽ gửi gia vị hoặc các món truyền thống từ Lào sang. Còn hiện tại, họ tập cho mình thói quen ăn những gia vị thuần Việt. NeePhone chuyển từ việc ăn cơm nếp truyền thống sang cơm tẻ và học nấu những món Việt đơn giản qua mạng. Thỉnh thoảng tìm được gia vị thì làm thêm món nướng theo phong tục của họ. Những bữa cơm ngày dịch chủ yếu nấu bằng thực phẩm cứu trợ giản dị nhưng ai cũng vui vẻ thưởng thức.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 11

Khu ký túc xá trước đây có hàng trăm sinh viên ở đến nay chỉ còn lại 14 người. Những tiếng cười đùa náo nhiệt thay bằng vẻ im ắng và những căn phòng khóa trái cửa. Đôi lúc, âm thanh nghe được rõ nhất là giai điệu vang lên từ chiếc guitar của chàng sinh viên Lod phía ngoài ban công vào những buổi sáng sớm.

NeePhone mân mê vài món đồ để trên bàn học, vừa tâm sự cùng Ongly về những mẩu chuyện gia đình. Thỉnh thoảng họ cười phá lên khi nói về những dự định khi hết dịch sẽ làm. Ongly sẽ thực hiện ước mơ du lịch nhiều nơi ở Việt Nam. NeePhone sẽ về nước, tham gia lễ, tết để cầu may cho gia đình và cả những thầy cô, bạn bè Việt Nam mà cô yêu mến.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 12
Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 15

Chiến dịch cứu trợ dành cho hàng trăm sinh viên mắc kẹt

Sáng sớm, bầu trời Hà Nội đón cơn mưa rào mùa hạ. 7h30, thầy cô đoàn trường Đại học Văn hóa vẫn đội mưa để tới văn phòng bởi họ có buổi hẹn phát quà cứu trợ cho sinh viên.

– Cô Mai đến rồi à, có ướt không đấy. Sao không đợi trời ngớt rồi đi.

– Em sợ muộn, mọi người còn tới trước em rồi này.

Cô Mai đặt vội chiếc áo mưa rồi bước vào văn phòng đoàn. Hơn chục thành viên phụ trách phát quà cho 150 điểm hẹn đã có mặt. Phía cạnh tường, những suất quà được xếp ngay ngắn. Gạo, trứng, xúc xích, dầu ăn… hôm nay có thêm cả bánh chưng và hoa quả hỗ trợ của một cựu thành viên trong khoa Văn hóa Dân tộc.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 16
Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 19

Từ tháng 4, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trở lại, nhà trường chuyển sang hình thức học online. Đoàn trường cũng khuyến khích sinh viên nếu không có việc cần ở lại thành phố thì hãy về quê tránh dịch. Tuy nhiên rất nhiều bạn đang đi thực tập hoặc làm thêm. Tới khi Hà Nội áp dụng giãn cách thì họ bị kẹt lại.

Bắt đầu từ lần Hà Nội gia hạn giãn cách lần 2, nhà trường đã nhận thấy khó khăn mà sinh viên của mình gặp phải. Thầy cô và hội sinh viên nhanh chóng thông báo tới khoa, khoa thông báo tới lớp để tìm ra các bạn sinh viên đang mắc kẹt cần đến sự trợ giúp. Hơn 600 trường hợp là con số đoàn trường tổng hợp được, trước mắt được chia ra làm nhóm đặc biệt, nhóm khó khăn mức 1, nhóm mức 2…

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 20

Chưa từng tổ chức đợt cứu trợ nào lớn như này, thầy Tuấn, thầy Tám, cô Mai… cùng nhiều giảng viên khác đứng ra kêu gọi hỗ trợ từ các nơi. Người ủng hộ tiền mặt, người gửi tặng nhu yếu phẩm. Được đợt nào hay đợt ấy, cứ gom đủ vài chục suất là thầy cô lại tổ chức đi phát ngay để kịp thời hỗ trợ sinh viên.

“Mình phải nhanh, có bao nhiêu thì hỗ trợ ngay bấy nhiêu. Rồi hết được một lượt lại tiếp tục quay vòng. Tôi chỉ lo chúng tôi chậm ngày nào thì sinh viên chịu khổ thêm ngày ấy”, thầy Đinh Tuấn – Phó hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.

Vậy là từ xe máy đến ôtô cá nhân tất cả được trưng dụng để vận chuyển đồ, chia làm các hướng nhỏ đi cứu trợ sinh viên.

– Alo chào em, anh là Dương bên đoàn trường. Khoảng 15 phút nữa thầy cô sẽ tới đầu ngõ để đưa thực phẩm cứu trợ. Em có thể ra đó nhận không.

Vừa gọi cho từng sinh viên, Tùng Dương vừa nhanh tay đánh dấu các điểm đã liên lạc được. Ngoài thầy cô, những sinh viên năm cuối hoặc đã ra trường khác như Dương, Vang, Quang… đều tình nguyện đăng ký tham gia vào chiến dịch hỗ trợ. Những “shipper” bất đắc dĩ ấy cùng thầy cô cẩn thận kiểm tra danh sách để chuẩn bị lên đường.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 25

Dương chất đầy những phần quà lên chiếc xe máy, phía sau xe là giảng viên Thanh Vân đang xem lại địa chỉ tiếp theo. Giãn cách, các sinh viên phải hạn chế đi lại. Một số khác thì kẹt trong khu vực phong tỏa. Đội cứu trợ vì thế phải đi tận vào những con ngõ hoặc điểm chốt để đưa đồ.

– Rẽ phải Dương ơi, ngõ 12 ngay trước mặt rồi đó. Mình chờ các bạn ấy một lúc, cô vừa gọi rồi chắc còn phải đi bộ ra nữa.

Cô Vân nói trong khi tay đã cầm sẵn những phần quà để đưa cho sinh viên của mình.

Thấy bóng dáng những người mặc áo xanh đang đứng chờ, cô cậu sinh viên mắc kẹt chạy nhanh lại, liên tục cất tiếng chào lớn:

– Em chào cô, em chào anh. Mọi người đi có bị mưa không ạ.

– Ôi lại còn lo cho cô nữa hả? Cầm lấy này, đồ cứu trợ có thực phẩm dùng trong 3-5 ngày nhà trường gửi cho em. Thế có khó khăn gì không, tiền bạc như nào hay sức khỏe ra sao rồi?

– Em vẫn ổn cô ạ.

– Ổn như nào? Sao đứa nào cũng kêu ổn. Nếu có khó khăn gì phải nói ngay với thầy cô biết chưa. Gọi hoặc nhắn về đoàn trường để thầy cô còn biết đấy.

Trước khi đi phát quà, cô Vân và các thầy cô khác đã bàn nhau phải dặn dò sinh viên nếu có khó khăn gì nhất định phải nói ra để nhà trường kịp thời hỗ trợ. Đó cũng là nỗi lo luôn thường trực từ phía thầy cô.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 26
Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 29

Trước mắt là cứu trợ các sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, sau là mở rộng tới cả những sinh viên đang ở tỉnh gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Dù nguồn kinh phí chưa nhiều, đồ cứu trợ còn phải gom đợt này qua đợt khác nhưng thầy cô cùng các sinh viên Đại học Văn hóa chưa từng nghĩ đến ý định bỏ dở công việc này.

“Nhiều sinh viên khó khăn nhưng các em còn ngại nói ra. Nhưng nếu không nói ra, làm sao thầy cô biết được để hỗ trợ. Sinh viên nào khó, sinh viên nào khổ thì phải “Giơ cánh tay lên” để thầy cô còn trông thấy. Đừng ngại, hãy để thầy cô được làm tròn bổn phận của mình. Cứ lên tiếng, nhất định thầy cô sẽ cứu trợ các em bằng mọi cách”, thầy Phạm Văn Tám – Bí thư Đoàn trường tâm sự khi nói về chiến dịch cứu trợ của nhà trường.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 30

Lời cảm ơn của cô sinh viên được nhận hỗ trợ

17h, Thu Duyên (20 tuổi) kết thúc buổi học online của mình. Là sinh viên năm 2 khoa Du lịch, cô cũng bị kẹt lại Hà Nội gần 2 tháng nay. Quê gốc Hà Giang, Duyên vẫn thường xuyên về thăm bố mẹ vào những đợt nghỉ. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Duyên quyết định không về vì lo cho an toàn của gia đình, phần ở lại vì muốn tiếp tục công việc làm thêm. Thế nhưng cô sinh viên không ngờ tới đợt dịch này lại kéo dài tới vậy.

Sống một mình trong căn phòng trọ chừng 15 m2, những ngày giãn cách Duyên cũng không có nhiều việc để làm. “Chủ yếu em học online rồi cố kiếm thêm một vài công việc qua mạng để có thêm thu nhập. Nhưng đến nay kinh doanh đóng cửa gần hết nên em cũng nghỉ việc rồi”.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 31

Cách đây một tuần, sau khi đọc được thông báo của thầy phó hiệu trưởng về việc triển khai hỗ trợ sinh viên, Duyên không ngần ngại đăng ký. “Em thấy khi gặp khó khăn, mình lên tiếng nhờ mọi người hỗ trợ thì không có gì xấu hay sai trái cả. Đôi lúc em còn nghĩ đó là sự dũng cảm vì mình dám nói ra hoàn cảnh của mình”, cô sinh viên cười nói.

Hoàn thành xong việc học buổi chiều, Duyên chuẩn bị đồ đạc để nấu ăn. Thực phẩm Duyên có là trứng, khoai tây, lạc… tất cả đều là đồ cứu trợ đoàn trường tặng. Phía khoa Du lịch, thầy cô cũng vận động quyên góp và chuyển cho mỗi sinh viên số tiền 300.000 đồng.

Sinh vien mac ket,  Ha Noi gian cach,  cuu tro sinh vien,  cuu tro mua dich anh 34

“Em thấy mình nhận được nhiều nhất không phải tiền bạc hay số thực phẩm này mà là tình cảm từ thầy cô và các anh chị sinh viên khác. Em không có gì để đáp lại sự quan tâm ấy, chỉ biết nói lời cảm ơn mọi người. Hy vọng không chỉ sinh viên của trường mà tất cả các bạn đang mắc kẹt sẽ sớm nhận được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn”, Duyên vui vẻ chia sẻ tâm tư của mình.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn