Nằm ở phía đông Địa Trung Hải là quốc đảo Cyprus lộng gió. Do vị trí địa lý của đảo thuộc vào nơi có vị trí giao thông đông – tây trọng yếu, trong thời kỳ đầu lịch sử văn minh nhân loại, nơi đây đã là nơi tập trung của hai nền văn hoá Đông – Tây và là nơi phát sinh truyền thuyết về thần Vệ Nữ – thần Ái tình.
Hòn đá to nhất tương truyền là nơi thần Vệ Nữ ra đời. |
Tên thần Ái Tình Aphrodite có nghĩa là “Sinh ra từ bọt biển”. Thần là con của thần Zeus (Chúa tể của các vị thần) và con gái của thần biển. Thần Vệ Nữ theo những con sóng đến bờ biển phía tây Cyprus, trong ánh sáng lấp lánh của những cơn sóng, thần Vệ Nữ như một đoá hoa từ trong sóng mọc lên. Ngọn gió thần tung đôi cánh đưa Ái Thần đến bên bờ. Nữ thần núi mang áo gấm ra đón nàng, mừng nàng đã mang sắc đẹp và tình yêu đến cho nhân gian. Phía đông nam bờ biển thuộc Cyprus, giữa trời biển mênh mông bỗng mọc lên 3 hòn đá lớn. Hòn đá ở giữa to nhất, đẹp nhất như một búp măng nhô lên khỏi mặt biển. Theo truyền thuyết, đó là nơi Ái Thần được sinh ra nên được gọi là ngọn Ái Thần. Bên bờ phía tây biển Cyprus còn có tượng Ái Thần làm bằng đồng, chân nàng đạp lên sóng, hai vai nhô cao như vừa từ lòng biển bước lên. Mọi người tôn xưng nàng là thần bảo vệ tình yêu.
Những cô gái đến đây dâng lên cho nàng những vật phẩm quý giá như vòng xuyến và những dải lụa sặc sỡ do chính mình dệt nên. Họ rửa mặt bằng nước biển nơi nàng đứng, tin rằng như thế sẽ làm họ đẹp hẳn lên và sẽ có một tình yêu như ý muốn. Còn những chàng trai dâng lên cho nàng những đoá hoa và trái cây, cầu mong nàng đoái thương, ban cho họ một tình yêu vĩnh hằng.
Đảo Cyprus chụp từ vệ tinh. |
Đảo Cyprus có lịch sử lâu đời. Thế kỷ 16 TCN, nơi đây đã là trung tâm mậu dịch của miền đông Địa Trung Hải. Trong khoảng năm 1500-1400 TCN, người Hy Lạp bắt đầu di cư đến đây, biến hòn đảo này thành nơi có văn hoá và học thuật phát triển. Sau đó, Cyprus bị người Ai Cập, Phoenicia và người Ba Tư chiếm lĩnh. Năm 58 TCN, Cyprus bị sáp nhập vào bản đồ La Mã. Giai đoạn 1571-1874, Cyprus bị đế quốc Osman thống trị. Năm 1878 bị Anh đô hộ, 1925 tuyên bố độc lập và trở thành nước Cộng hoà Cyprus. Dân cư trên đảo chủ yếu là người Hy Lạp. Trên 80% sử dụng tiếng Hy Lạp. Người Thổ chiếm 18%. Cyprus là nơi có khí hậu mang tính điển hình của vùng Địa Trung Hải, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, khai thác mỏ. Thủ đô của Cyprus là Nicosia.
Với một lịch sử lâu đời và là nơi giao lưu của văn hoá Đông – Tây, ngày nay Cyprus còn lưu lại nhiều dấu vết lịch sử. Vùng đất ở phía đông nam Nicosia còn giữ lại hoàn toàn vết tích của thời kỳ đồ đá mới. Ở phía nam gần thành phố cảng Limassol còn lưu lại vết tích đền thờ thần Apolo và có nhà hát lộ thiên, hồ tắm… đã được trùng tu ở một vùng núi thuộc Cyprus, có những thành phố nhỏ dựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, đã nghìn năm mà không bị đổ. Trong những khu rừng đẹp, còn thấp thoáng những tu viện. Ở phía đông nam gần bờ biển Lanaca, có đền thờ kế mẫu của Muhammad.
Năm 1962, tại gần nơi thờ thần Aphrodite phát hiện một bức tranh có diện tích 15 m2. Bức tranh này được “vẽ” bằng cách dùng những viên đá nhỏ có màu sắc khác nhau ghép lại. Hoàn thành cách đây 2.000 năm, bức tranh được coi là quốc bảo và hiện được trưng bày tại Viện bảo tàng Koockelia. Cyprus là một hòn đảo có diện tích 9.215 km2, có nhiều danh lam thắng cảnh nên được mệnh danh là “Đảo bảo tàng lịch sử” và là trung tâm khảo cổ của thế giới.
Bán cam trong vườn. |
Đảo Cyprus bốn bề là biển, phong cảnh tuyệt đẹp với khí hậu điển hình của Địa Trung Hải, mùa đông ấm áp, ẩm ướt; mùa hè khô hanh và mát mẻ, thích hợp cho hoa quả sinh trưởng, phát triển. Những vườn cam, ôliu, nho nằm khắp nơi trên đảo. Mỗi độ cam chín, trên đảo sực nức hương cam làm du khách quyến luyến không muốn rời bước.
Hoạ sĩ Leonardo da Vanci thời Phục hưng đã có những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi đây. Nhà thơ Homerus và nhà soạn kịch Euribides nổi tiếng thời cổ Hy Lạp cũng đã miêu tả vẻ đẹp của Cyprus. Thống soái cổ La Mã Antonius từng dâng tặng hòn đảo thơ mộng này cho Nữ hoàng Ai Cập làm lễ vật tình yêu. Ông vua phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ Walt Disney đã dựng tác phẩm Công chúa Bạch Tuyết ở phía đông bắc một dãy núi trên đảo này. Ngày nay, Cyprus đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Lợi nhuận từ du lịch mỗi năm ngày một tăng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nguồn thu của đảo này.
Từ năm 1982 trở lại đây, mỗi năm nơi đây đều tổ chức lễ hội nghệ thuật một lần. Vào ngày hội, du khách khắp nơi trở về đây, tìm lại dấu vết cả Nữ thần tình yêu, du lịch, thăm viếng thân nhân…
(Theo sách Những nền văn minh thế giới)
Nguồn: Vnexpress.net