Nhiều khách sạn tại Đà Lạt, Vũng Tàu đã kín chỗ dù có nơi giá tăng 2 – 5 lần.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày. Để tránh tình trạng đông đúc và chặt chém, nhiều gia đình chọn đi nghỉ dưỡng thay vì đi tour. Anh Huy Hoàng (TP HCM) cho biết, kỳ nghỉ dài ngày không chỉ là thời gian lý tưởng để nạp năng lượng, mà còn giúp các thành viên trong gia đình có dịp đi chơi cùng nhau.
Tuy nhiên, hiện du khách khó đặt được chỗ nghỉ như ý muốn tại các điểm đến hot. Để trốn cái nóng của Sài Gòn, anh Hoàng chọn du lịch Đà Lạt. Nhưng những ngày qua, anh gọi điện liên tục cho nhiều điểm lưu trú đều được thông báo không còn phòng.
“Kế hoạch đặt phòng ở Đà Lạt đêm 29 và 30/4 cho gia đình tôi vẫn còn dang dở. Tôi đang chuyển hướng sang các khách sạn xa trung tâm thành phố”, anh cho biết.
Ngày nay, homestay là loại hình lưu trú được đông đảo du khách yêu thích bởi không gian thoải mái và gần gũi. |
Ghi nhận ở trung tâm Đà Lạt của VnExpress, hầu hết khách sạn đều đã kín phòng.
Chị Trường An, quản lý Nomad Home Dalat cho biết, homestay đã không còn chỗ nghỉ từ cách đây hai tuần. “Đà Lạt luôn là điểm đến được nhiều du khách yêu mến nên tình trạng ‘cháy’ phòng luôn diễn ra vào các kỳ nghỉ và đợt cao điểm”, chị nói. Chủ một homestay khác nằm ở ngoại ô Đà Lạt cho hay, hầu như các điểm lưu trú đều tăng giá phòng trong đợt lễ từ 10 đến 15% so với ngày thường để bù lại cho mùa thấp điểm.
Tại các thành phố biển như Vũng Tàu, Phan Thiết và Phú Quốc, càng sát ngày lễ, lượng phòng trống càng khan hiếm.
Khu khách sạn ở Bãi Sau (Vũng Tàu) đang trong tình trạng “cháy” phòng. Khách có thể tìm các khách sạn tầm trung ở xa bãi biển. Đi vào hoạt động từ tháng 3, công suất phòng tại Meliá Hồ Tràm ở mức khoảng 70% trong 5 ngày nghỉ. “Hiện các ngày đều còn phòng nhưng dự báo sẽ hết rất sớm”, đại diện resort này nói. Phòng Deluxe (view biển) cho giai đoạn cao điểm có giá từ 4,5 triệu đồng một đêm.
Ở Nha Trang, phòng có hướng biển tuy có giá cao hơn, vẫn được nhiều du khách lựa chọn. Giá phòng tại các khu gần biển tăng 20 – 30 % so với ngày thường. Giá phòng dịp này dao động 600.000 – 1,7 triệu đồng một đêm. Một hostel chuyên đón khách nước ngoài trên đường Trần Phú cho biết phải ngưng nhận khách vì lượng người đặt qua mạng quá nhiều.
Ở Phan Thiết (Bình Thuận), các khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né hầu như đều đã kín phòng. Khách vẫn có thể tìm phòng tại khu khách sạn trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Đại diện Allezboo, một resort ở Phan Thiết cho biết, công suất phòng đạt 100% vào ngày 28/4. Mức thấp nhất là 70%, rơi vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ.
Bên cạnh những điểm lưu trú cao cấp, các nhà nghỉ, homestay vẫn được du khách lựa chọn, chủ yếu là khách đi lẻ, người thích đi du lịch bụi. |
Ghi nhận tại Đà Nẵng, nhiều khách sạn lớn đã kín phòng từ trước, một vài nơi vẫn còn phòng nhưng giá cao. Công suất phòng của Meliá Đà Nẵng hiện đạt 85%. Đại diện khách sạn này cho hay, khách sạn nhận được booking từ khá sớm, ngày 29/4 hiện không còn phòng. Giá phòng tại đây dao động từ 4,2 đến 10,2 triệu đồng một đêm.
Ở phân khúc khách sạn bình dân, giá phòng đôi ngày 1/5 khoảng 500.000 đồng, sang ngày 2/5 sẽ quay về mức thường ngày 300.000 đồng. Khách chưa có kế hoạch du lịch Đà Nẵng vẫn có thể tìm được chỗ ở.
Tại Huế, đại diện Azerai La Residence cho hay vẫn giữ giá niêm yết như ngày thường để thu hút khách. Giá phòng tại đây dao động từ 5,5 triệu đồng cho 2 khách một đêm.”Nhiều khách đặt phòng khá sớm, đa phần nghỉ lại 2 đêm. Hiện chúng tôi không nhận thêm khách trong ngày 27/4 , tuy nhiên những ngày còn lại vẫn còn phòng”, đại diện khu nghỉ này nói.
Vào các dịp lễ lớn, hầu hết cơ sở lưu trú tại những điểm đến hot đều đăng ký nâng giá không quá 50% so với ngày thường. Nhưng thực tế, giá tại nhiều cơ sở tăng cao hơn so với mức đăng ký, nhiều nơi còn giữ phòng để bán cho khách vãng lai.
Nguồn: Vnexpress.net