“Trong khi đội ngũ HDV thành phố đang thiếu trầm trọng thì mỗi năm, từ các trường đào tạo chỉ có khoảng 100 sinh viên là HDV ra trường. Rõ ràng nguồn cung quá ít”.
Quang cảnh buổi đối thoại nhịp cầu HDV tương lai
Đó là chia sẻ của thầy Lê Đức Trung, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch thành phố Đà Nẵng tại chương trình “Đối thoại nhịp cầu hướng dẫn viên tương lai” được Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch Đà Nẵng tổ chức vào chiều 20/6.
Chương trình với mục đích kết nối các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp lữ hành nhằm tạo ra tiếng nói chung để nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên (HDV);
Trao đổi các thông tin giữa các doanh nghiệp lữ hành, các trường đào tạo và sinh viên đang có mong muốn trở thành nghề HDV nhằm tìm ra các định hướng và tiếng nói chung để có đội ngũ HDV có chất lượng trong thời gian đến.
Tại buổi đối thoại, các đơn vị lữ hành, HDV cũng như các trường Đại học Duy Tân, Sư Phạm, trường Cao đẳng Du lịch…đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến những bất cập trong hoạt động của đội ngũ HDV du lịch, công tác đào tạo.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, số lượng HDV du lịch của Đà Nẵng hiện đứng thứ 3 cả nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các hãng lữ hành, kinh doanh du lịch. Số lượng HDV đông nhất là tiếng Anh, Trung, Nhật, Nga…
Hiện Đà Nẵng có hơn 15 cơ sở đào tạo liên quan đến hoạt động HDV du lịch. Tuy nhiên, chỉ có 3 đơn vị có đào tạo chuyên ngành về HDV du lịch.
Số HDV được đào tạo chuyên ngành ở bậc đại học hầu như không có, chủ yếu ở trình độ cao đẳng, trung cấp. Phần lớn HDV ở Đà Nẵng có bằng đại học là sinh viên ngoại ngữ của các trường Đại học.
Thành phố hiện có 7 trung tâm đào tạo tiếng Nhật, 7 trung tâm đào tạo tiếng Trung và 6 trung tâm đào tạo tiếng Hàn.
“Trong khi đội ngũ HDV thành phố đang thiếu trầm trọng thì mỗi năm, từ các trường đào tạo chỉ có khoảng 100 sinh viên là HDV ra trường. Rõ ràng nguồn cung quá ít”, thầy Lê Đức Trung, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch thành phố Đà Nẵng nhìn nhận.
Trong lúc đó, theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội lữ hành TP Đà Nẵng, Đà Nẵng hiện thiếu trầm trọng, từ 400-500 HDV tiếng Hàn. Đây là định hướng để các bạn sinh viên chuyên ngành HDV có cơ sở để lựa chọn cho mình công việc phù hợp.
Đối với công tác đào tạo ở các trường hiện nay, ông Cao Trí Dũng đề xuất nên thay đổi hình thức đào tạo, cần trang bị cho sinh viên nhiều hơn nữa kiến thức về địa lý, văn hóa – lịch sử không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Nhất là các kỹ năng về tổ chức đoàn, xử lý tình huống khi khách đau ốm, mất hộ chiếu…
Theo ông Trần Trà, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch thì thực trạng nghề HDV hiện nay gặp không ít bất trắc, thậm chí bị đe dọa, hành hung. Riêng với HDV là nữ giới, còn phải đối diện với nguy cơ bị khách quấy rối, gạ tình…
Hạn chế lớn nhất của đội ngũ HDV du lịch Đà Nẵng hiện nay là thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống; khả năng ngoại ngữ chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu trao đổi trong thực tế…
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ HDV đã hành nghề còn hạn chế, hàng năm Sở Du lịch tổ chức những buổi đào tạo, sinh hoạt chuyên đề, mời chuyên gia về tập huấn kỹ năng giới thiệu mua sắm… nhưng chỉ dành cho đối tượng HDV đã được cấp thẻ…
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn