Đặc sắc du lịch tâm linh ở Đông Triều (Quảng Ninh)

0
Đặc sắc du lịch tâm linh ở Đông Triều (Quảng Ninh)

UBND tỉnh vừa công nhận tuyến, điểm du lịch trên địa bàn TX Đông Triều. Trong đó, tuyến du lịch tâm linh trong Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần có các điểm đến bao gồm đền An Sinh, đền Thái (xã An Sinh), chùa Quỳnh Lâm (xã Tràng An), chùa, am Ngọa Vân và chùa Hồ Thiên (xã Bình Khê).

Tháp Phật hoàng, nơi lưu giữ một phần xá lỵ Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa, am Ngọa Vân

Chùa, am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài (còn gọi núi Vây Rồng)-Thánh địa Trúc Lâm, nơi Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đêm 1/11/1308. Lên chùa, du khách được chiêm bái tượng Phật hoàng trong tư thế nhập niết bàn trong am Ngọa Vân, kính cẩn trước Phật hoàng tháp, nơi lưu giữ xá lỵ Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông và chiêm ngưỡng cổ vật từ thời Trần, Lê, Nguyễn để lại. Du khách tĩnh tâm trong khu am, tháp, chùa Ngọa Vân tựa vào ngọn núi Bảo Đài, ngắm dãy núi “tả thanh long” trùng điệp chầu về, dãy núi “hữu bạch hổ” hùng vĩ phục xuống cùng ngọn núi có tên Ngọn Bút làm tiền án chùa Ngọa Vân quanh năm mờ ảo mây mù bao phủ.

Chùa Hồ Thiên trên núi Phật Sơn, ngôi chùa đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia từ năm 2006. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hồ Thiên huy hoàng trong lịch sử đến nay chỉ còn là phế tích, nhưng khu thánh địa linh thiêng nguyên sơ này đang được tích cực tôn tạo, nhằm trả lại những giá trị vốn có.

Ngôi chùa toạ lạc nơi mà theo các nhà phong thuỷ là có địa thế “long chầu, hổ phục” rất đắc địa. Theo nhà sư Thích Đạt ma Trí Thông trụ trì chùa Hồ Thiên: Chữ “hồ” trong Hồ Thiên tự không phải là ao, mà mang nghĩa “quần tụ”. Hồ Thiên là sự quần tụ trên trời…”. Ấn tượng nhất hiện còn ở ngôi chùa cổ là tấm bia đá lớn ở trong một nhà bia mới dựng, được ghép mộng đá thay nhà bia cũ xây bằng gạch. Sau gần 300 năm tồn tại, đến nay những nét chữ, chạm khắc trên bia vẫn rất rõ nét. Bên cạnh những giá trị về nghệ thuật, tấm bia còn ẩn chứa giá trị về mặt lịch sử, văn học, đó là bài văn khắc trên bia ca ngợi cảnh đẹp Hồ Thiên và ca ngợi công đức của chúa Trịnh. Bia dựng ngày tốt tháng 3 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).

Chùa, am Ngọa Vân và chùa Hồ Thiên hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá, tâm linh. Du khách đến đây sẽ gặp những trầm tích văn hóa từ thuở sơ khai của Thiền phái Trúc Lâm từ mấy thế kỷ trước để tìm hiểu về văn hoá Phật giáo. Ở đó, du khách thanh tĩnh tâm hơn, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống và hướng tới một đời sống cao thượng, tốt đẹp hơn, với cái tâm trong sáng, an lành, chân – thiện – mỹ…

Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm luôn đồng hành với dân tộc, là “điểm tựa tinh thần”, góp phần củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập tự chủ của nước Việt trước mọi thử thách cam go của lịch sử. Trải qua hơn 700 năm nhưng những giá trị văn hoá mà Thiền phái Trúc Lâm để lại vẫn đang và sẽ lan toả mạnh, được các thế hệ nối tiếp, kế thừa và truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới với những tư tưởng mang đậm giá trị nhân văn.

Nguyễn Xuân

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn