
Nhiều du khách khi tới Đà Lạt trong mùa mưa thích thú với trải nghiệm đi bộ xuyên rừng thông để săn tìm, tự tay hái đặc sản có hương vị thơm ngon.
Trung tuần tháng 5, khi tới Đà Lạt (Lâm Đồng) “trốn nóng”, một hoạt động được nhiều du khách ưa thích, đó là trải nghiệm hái nấm trong rừng thông.
Trải nghiệm này chỉ diễn ra vào mùa mưa từ tháng 5 đến cuối tháng 9, đầu tháng 10. Nấm mọc nhiều dưới những gốc cây thông với đủ chủng loại, kích cỡ. Trên các hội nhóm du lịch Đà Lạt xuất hiện hàng loạt bài viết chia sẻ trải nghiệm “săn” nấm.
Trải nghiệm hái nấm hấp dẫn du khách. Ảnh: Ngọc Lệ
“Từ TPHCM đến Đà Lạt, bước vào rừng thông, mình cảm giác như vào chiếc điều hòa không khí khổng lồ. Theo chỉ dẫn của hướng dẫn người địa phương, mình tìm thấy những cây nấm béo ú, rất to, đẹp mắt và không có độc.
Trải nghiệm này hết sức thú vị, du khách được hòa mình vào thiên nhiên lại có thành quả là giỏ đặc sản tươi ngon”, Ngọc Lệ (du khách từ TPHCM) chia sẻ.
Ngọc Lệ rất thích thú với trải nghiệm hái nấm rừng thông. Ảnh: Ngọc Lệ
Anh Nguyễn Tiến Đạt đã có 5 năm kinh nghiệm dẫn khách đi trải nghiệm hái nấm.
Anh Đạt cho biết, khi đi trekking trong rừng thông mùa mưa, anh hay gặp đồng bào lên núi hái nấm. Anh đã xin đi cùng để trải nghiệm, chụp ảnh và học hỏi kinh nghiệm nhận diện những loại nấm ăn được và không ăn được.
“Trước đây mình chủ yếu đưa bạn bè đi bộ trong rừng thông và hái nấm về lấu nẩu, làm quà. Vài năm gần đây, hoạt động này được nhiều du khách ưa thích”, anh kể.
Anh Đạt có 5 năm dẫn khách trải nghiệm hái nấm rừng thông. Ảnh: Tiến Đạt
Theo anh Đạt, hầu như các rừng thông thiên nhiên ở Đà Lạt đều có nấm ăn được như nấm gan bò, kaki đỏ, kaki vàng, nấm cối, nấm hương…, nhiều nhất phải kể đến là đồi thông bên hồ Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm, hay khu vực Cầu Đất, đèo Prenn.
“Một buổi đi săn nấm thường diễn ra 3 đến 4 giờ. Du khách phải đi bộ trong rừng, băng qua các ngọn đồi, đòi hỏi sức khỏe tốt, dẻo dai. Thông thường, trước khi đưa khách vào rừng, mình sẽ đi khảo sát để biết các khu vực có nấm”, anh Đạt nói.
Để đi săn nấm trong rừng, du khách phải có sức khỏe tốt
Du khách sẽ được hướng dẫn viên phổ biến kiến thức cơ bản về các loại nấm trong rừng thông, cách nhận biết nấm ăn được và cách sơ chế nấm sau khi thu hoạch.
Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ. Một đặc điểm nhận dạng khá dễ, cây nấm nào không thu hút kiến, không thu hút côn trùng xung quanh thì đa số sẽ có độc tính.
Tuy nhiên, không phải loại nấm sặc sỡ nào cũng độc, vẫn có một số ngoại lệ như nấm trứng gà với màu vàng tươi, nấm dẻ với màu đỏ, xanh và tím hay nấm gan bò với màu đỏ thẫm.
![]() |
![]() |
Nấm dẻ đỏ có màu đỏ bắt mắt. Ảnh: Ngọc Lệ/Tiến Đạt
Khi tham gia, du khách nên mặc trang phục thoải mái cho việc vận động và kín đáo để tránh côn trùng, không nên mang quá nhiều đồ đạc. Mùa hái nấm cũng là mùa mưa nên du khách cần mang theo áo mưa, giày chống trơn trượt.
“Để dễ bảo quản nấm trong quá trình thu hoạch, mình hướng dẫn du khách gọt bỏ đất và vệ sinh sạch sẽ nấm trước khi bỏ vào giỏ mây tre. Nếu để nấm vào túi bóng kín sẽ rất dễ bị hỏng.
Với những cây nấm không chắc chắn ăn được, khách không nên chạm tay trực tiếp vào nấm. Nên dùng một cành cây để lật mặt dưới nấm lên quan sát. Sau khi chắc chắn đây là loại nấm ăn được thì mới dùng tay hái”, anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm.
Nấm đựng trong giỏ mây tre sẽ bảo quản được tốt hơn. Ảnh: Tiến Đạt
Du khách có thể sơ chế nấm, ngâm muối trên 30 phút và rửa nước sạch rồi chế biến, ăn trong rừng.
Nấm rừng thông có hương thơm đặc biệt, vị ngọt. một số loại có vị hơi đắng nhẹ. Những cây nấm búp chắc, ăn dai, giòn, còn một số cây đã nở ăn như thạch rau câu. Nấm có thể nấu cháo, nấu lẩu, nướng hoặc xào.
“Khi ăn nấm rừng thông vừa hái, mình mới hiểu tại sao nhiều người Đà Lạt truyền tai nhau, sẵn sàng đổi vài cân thịt bò lấy nấm về ăn”, du khách Ngọc Lệ chia sẻ.
![]() |
![]() |
Du khách có thể kết hợp các tour hái nấm, cắm trại trong rừng nếu thời tiết đẹp. Ảnh: Tiến Đạt
Chi phí tour hái nấm từ 200.000-500.000 đồng/khách tùy theo số lượng thành viên tham gia. Có những tour thiết kế riêng lên tới 2 triệu đồng/khách.
Theo anh Đạt, du khách nên đi hái nấm cùng người dân địa phương hoặc hướng dẫn viên bản địa, bởi trải nghiệm này cũng tiềm ẩn rủi ro như lạc đường, hái nhầm nấm có độc.
Nếu không quen ăn nấm rừng, du khách không nên ăn nhiều vì có thể dẫn đến tình trạng choáng váng, chóng mặt. Ảnh: Ngọc Lệ
Hiện hoạt động hái nấm rừng không phải là sản phẩm tour du lịch chính thức của Đà Lạt, do còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. Đây là trải nghiệm hấp dẫn, mới lạ nhưng du khách nên tìm hiểu các thông tin thật kỹ trước khi tham gia.
Nguồn: Vietnamnet