Đại biểu đặt câu hỏi có hay không bong bóng chứng khoán, bất động sản

0
Đại biểu đặt câu hỏi có hay không bong bóng chứng khoán, bất động sản

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đặt câu hỏi có hay không việc nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng, rồi lại quay vòng đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản.

Quốc hội tiếp tục thảo luận kinh tế – xã hội tại hội trường Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; kế hoạch 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
  • Kiến nghị mở rộng nhà máy thủy điện Sơn La

    Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) đánh giá cao sự quyết tâm của
    Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020-2021. Nhận
    định địa phương Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn trong kinh tế, hạ tầng đặc biệt
    do tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bà Đôi kiến nghị một số giải
    pháp.

    Theo đó, nữ đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm
    chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đã được Thủ tướng
    phê duyệt và tiến tới thực hiện cao tốc TP Sơn La – Điện Biên. Từ đó tăng cường
    liên kết vùng, tạo ra nguồn phát triển động lực mới phía tây bắc đất nước.

    Đồng thời, đại biểu Hoàng Thị Đôi Sớm kiến nghị cần sớm chỉ
    đạo nghiên cứu mở rộng quy mô thủy điện Sơn La. Bà Đôi cho biết theo báo cáo của
    EVN, hiện tổng công suất năng lượng tái tạo được phê duyệt đã đạt gần 34.720
    MW. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo có đặc tính bất định trong cấp phát nên cần
    có các nguồn dự phòng, có khả năng điều chỉnh công suất nhanh.

    Hiện tại, các vị trí có thể xây dựng nhà máy thủy điện trên
    100 MW đã khai thác hết, do đó bà Đôi đánh giá việc mở rộng nhà máy thủy điện
    Sơn La (một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực) là cấp thiết, đảm
    bảo an ninh năng lượng quốc gia.

    Ngoài ra, nữ đại biểu tỉnh Sơn La cũng kiến nghị cho phép địa
    phương sử dụng 100% nguồn cải cách tiền lương còn dư để phục vụ chống dịch
    Covid-19 trong trường hợp địa phương tiếp tục bùng phát dịch.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi va cong tac chong dich anh 1
  • Kiến nghị thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác xã

    Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) kiến nghị đẩy mạnh kinh
    tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã dựa
    trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể; liên kết rộng rãi những người
    lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế và thích ứng với
    tình hình mới.

    Dù số lượng lớn, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn
    chế. Chất lượng các hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các vùng, các địa
    phương, quy mô hợp tác xã đa số còn nhỏ, năng lực nội tại còn yếu kém, tính
    liên kết chưa chặt chẽ, sức cạnh tranh còn yếu.

    “Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến khu vực
    hợp tác xã, trong đó thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, nhất là
    các chính sách liên quan đến nâng cao nguồn nhân lực cho hợp tác xã, các chính
    sách về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư nguồn lực, kết cấu hạ tầng
    trong sản xuất nông nghiệp, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách bền
    vững”, ông Nam nói.

    Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Phú Thọ cho rằng cần tháo gỡ cơ
    chế trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư
    xã hội ở địa phương.

  • Đại biểu đặt câu hỏi có hay không bong bóng chứng khoán, bất động sản

    Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) bàn luận về kết quả thu
    chi ngân sách năm nay vẫn đạt dự toán. Tuy nhiên, xét về cơ cấu thu thì bà cho
    rằng còn một số vấn đề.

    Bà cho biết thu ngân sách Trung ương hụt thu hơn 29.000 tỷ,
    nhưng trong tổng thu ngân sách lại tăng trưởng. Bà đặt câu hỏi ngân sách tăng
    trưởng ở đâu?

    “Thực tế cho thấy một trong những nội dung tăng trưởng đột
    biến năm nay là là hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Có hay không nhiều
    nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi
    lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động
    sản?”, đại biểu đặt câu hỏi.

    Theo đại biểu, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài
    chính này không bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Bà đề nghị
    Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.

  • Đề nghị Chính phủ quan tâm công tác dự báo

    Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ có những
    chính sách thu hút người có năng lực về công tác tại cơ sở và tinh giản cán bộ
    cấp trung gian.

    Nhắc đến công tác dự báo, vị đại biểu nhấn mạnh vai trò đặc
    biệt quan trọng. Đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng xu hướng, theo ông, là
    nhu cầu tiền đề, là cơ sở cho hoạch định chính sách đúng cũng như đảm bảo cho
    công tác điều hành của Chính phủ được linh hoạt.

    “Từ những sai sót rất nhỏ trong khâu thống kê cũng có thể dẫn
    đến dự báo sai, và dự báo sai thì chính sách sẽ thất bại”, đại biểu nhận định.

    Ông dẫn bài học kinh nghiệm vừa qua trong ứng phó với dịch,
    nhiều quyết sách của một số bộ ngành, địa phương còn bất cập, chưa toàn diện do
    việc thu thập thông tin chưa chính xác. Vì thế, việc ban hành chính sách chưa đầy
    đủ, sâu sát và khả thi.

    “Hiện nay dịch bệnh đang tác động mạnh mẽ đến từng ngóc
    ngách của đời sống xã hội, việc định hình bức tranh kinh tế – xã hội đòi hỏi mức
    độ chuẩn xác, khoa học của ngành thống kê, bởi mỗi phút giây trôi qua đều có thể
    làm thay đổi kịch bản kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Phước nói và đề
    nghị Chính phủ quan tâm lĩnh vực này.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi va cong tac chong dich anh 2
  • Xem xét tại sao nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học

    Phát biểu về nội dung dạy và học trong bối cảnh dịch bùng
    phát, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đánh giá việc học online không thể thay
    thể việc học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu để đảm bảo cung cấp
    kiến thức và an toàn cho người học.

    Về những tồn tại, bà Hà kể ra việc đường truyền không ổn định,
    thầy cô giáo lớn tuổi gặp khó khi sử dụng công nghệ, thiết bị còn hạn chế cả về
    chất và lượng, việc quản lý học sinh chưa hiệu quả.

    Theo đại biểu, việc học trực tuyến kéo dài còn gây nên những
    tác động tiêu cực tới sức khỏe của cả người dạy và người học. Học sinh nảy sinh
    tâm lý lo lắng do bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi va cong tac chong dich anh 3

    “Đặc biệt, giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy,
    trăm mắt nhìn, khán thính giả không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh, dư luận
    và cả mạng xã hội”, bà Hà nhấn mạnh.

    Nữ đại biểu cũng kiến nghị cơ quan chuyên môn cần xem xét lại
    tình trạng nhiều thí sinh điểm rất cao, điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt đại học
    do một số trường có điểm chuẩn tăng mạnh.

  • Đề xuất hạ tỷ lệ điều tiết nguồn vượt thu xuống 50%

    Đại biểu Lê Văn Dũng (tỉnh Quảng Nam) đề nghị Chính phủ quan
    tâm, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất
    và tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng
    có điều kiện đặc biệt khó khăn.

    Thứ hai, Chính phủ cần tập trung quyết liệt hơn nữa công tác
    phòng chống dịch trong tình hình mới. Các giải pháp phải kịp thời, đồng bộ,
    tránh mỗi địa phương làm một kiểu, dẫn đến lúng túng, bị động.

    Theo ông Dũng, hiện nay, nhiều tỉnh sau khi cân đối nguồn cải
    cách tiền lương vẫn còn dư khá lớn ngân sách nhưng không thể chi cho đầu tư
    phát triển, gây lãng phí nguồn lực. Đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị hạ tỷ lệ điều
    tiết nguồn vượt thu từ 70% xuống 50% nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tăng
    thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

  • Thông tin xấu, độc trên mạng ảnh hưởng đến giới trẻ

    Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) bày tỏ lo ngại với việc dịch
    bệnh tiếp tục phức tạp khiến học sinh ở nhiều địa phương không được đến trường,
    phải học trực tuyến trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều em học sinh không
    thể tiếp cận với điều kiện học tập trực tuyến do nhiều nguyên nhân khác nhau.

    Ông đề nghị ngành giáo dục có chính sách đảm bảo sự đồng đều,
    chất lượng dạy và học trong điều kiện hiện nay; sớm có hỗ trợ đối với tổ chức,
    cá nhân khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao.

    Một vấn đề nữa được đại biểu thủ đô đề cập là vệ sinh an
    toàn thực phẩm tiếp tục nhức nhối khi dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật
    trong thực phẩm. Các giải pháp ngăn chặn chưa thực sự triệt để, hiệu quả thấp.
    Ông đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm.

    Ông Chính cũng nêu lên thực trạng thông tin xấu, độc trên
    không gian mạng. Ông cho rằng đây là khởi nguồn của hành vi vi phạm pháp luật
    và tội phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt là giới trẻ. Ông đề
    nghị cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện hơn nữa biện pháp xử lý, nâng cao
    hiệu quả công tác quản lý không gian mạng.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi va cong tac chong dich anh 4
  • Đề nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới

    Nhận định các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt là Đắk Lắk đang là điểm
    nóng dịch Covid-19, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) cảm ơn Chính phủ, Quân
    khu 5 và các tỉnh bạn đã có những hỗ trợ kịp thời trong phòng, chống dịch.

    Nữ đại biểu kiến nghị cần có đánh giá đầy đủ những tác động
    của dịch Covid-19 trên các khía cạnh thể chất, tâm lý, tinh thần, lao động việc
    làm, thu nhập, cơ hội tiếp cận bình đẳng với giáo dục, cơ hội tiếp cận những
    gói hỗ trợ… nhất là đối với những đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số,
    phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.

    Bà đề nghị khắc phục tình trạng chính sách ban hành nhiều
    nhưng không đủ về nguồn lực, chậm hướng dẫn thực hiện, thiếu sự phối hợp của cơ
    quan quản lý trong quá trình thực hiện. Đồng thời cần có cơ chế điều phối liên
    vùng để hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lưu thông hàng hóa khi dịch
    bệnh kéo dài.

    Nữ đại biểu kiến nghị cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm đầu
    tư khu kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế khu vực biên giới, tăng sức chống
    chịu và khắc phục những khó khăn của khu vực Tây Nguyên về vị trí địa lý, cách
    xa cảng biển…

  • 3 yếu tố lớn để sống thích ứng với dịch

    Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) góp ý 3 yếu tố lớn Chính
    phủ cần quan tâm để sống thích ứng với dịch.

    Một là nhanh chóng có đủ vaccine để tiêm cho toàn dân, kể cả
    trẻ nhỏ. Việc này giúp mọi người nếu có mắc vẫn ở thể nhẹ, giảm tử vong.

    Hai là sớm phổ biến một số thuốc đặc trị đang được thử nghiệm
    và có đánh giá tốt. “Có 2 yếu tố này thì chúng ta khá yên tâm sống chung với dịch”,
    bà Luyến nói.

    Yếu tố thứ ba nữ đại biểu đề cập là Chính phủ cần chủ động để
    từ 2022 có thể có vacine trong nước, không phải vất vả ngược xuôi lo vaccing
    như thời gian qua.

    Ngoài ra, bà Luyến cũng truyền tải đến Quốc hội ý kiến của cử
    tri Điện Biên về việc đẩy mạnh chương trình cấp điện nông thôn, miền núi để
    100% người dân tỉnh này được sử dụng điện. Bên cạnh đó,cần đầu tư hạ tầng giao
    thông để địa phương có thể kế nối với Hà Nội và các tỉnh khác nhằm khai thác hiệu
    quả sân bay Điện Biên.

    Bà Luyến cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung 2 dự án
    vào chương trình dự án quan trọng, cấp bách, gồm dự án Hầm đường bộ qua đèo Pha
    Đin và dự án cải tạo QL279, nằm trong chương trình hợp tác sông Mê Kông mở rộng.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi va cong tac chong dich anh 5
  • Đề nghị Chính phủ cắt giảm các khoản chi không cần thiết

    Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng công tác quy hoạch
    đóng vai trò cốt lõi trong phát triển kinh tế – xã hội và đô thị ở nước ta.
    Song, thời gian qua ông cho rằng việc triển khai, áp dụng Luật Quy hoạch vẫn rất
    chậm, không đủ cơ sở, hoặc gây khó khăn cho việc kết hợp các quy hoạch chung,
    quy hoạch nông thôn, đô thị, quy hoạch rừng…

    Ông đề nghị sớm ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm
    kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng gắn với khai thác hiệu quả tài nguyên thiên
    nhiên, các nguồn lực.

    Về cân đối thu chi ngân sách, đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho rằng
    do diễn biến dịch bệnh phức tạp kéo dài, nguồn lực cho doanh nghiệp, nhân dân
    phục hồi, phát triển sản xuất cũng như tăng cường hệ thống y tế cơ sở tiếp tục
    yếu và thiếu.

    Ông đề nghị Chính phủ rà soát, cắt giảm chi các nhiệm vụ
    chưa cần thiết, điều tiết kịp thời dự án chậm triển khai, phấn đấu tăng thu
    ngân sách qua các nguồn còn dư địa.

    Ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục
    hành chính, tránh nhiêu khê làm phiền doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng dự án hạ
    tầng, giao thông trọng điểm; cho phép chính quyền địa phương làm chủ đầu tư dự
    án trên địa bàn mình để tăng tính tự chủ, chịu trách nhiệm.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi va cong tac chong dich anh 6
  • Lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được

    Phát biểu trực tuyến từ TP.HCM, đại biểu Quốc hội Tô Thị
    Bích Châu (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM) chia sẻ đợt dịch vừa qua tại
    TP làm hơn 400.000 người nhiễm và gần 17.000 người tử vong. Bà thay mặt nhân
    dân TP.HCM cảm ơn sự giúp đỡ từ các nơi giúp TP vượt qua cơn đại dịch.

    Góp ý vào báo cáo phòng chống dịch và việc thực hiện mục
    tiêu năm tới, bà Châu cho rằng chưa thấy giải pháp thấy thúc đẩy sự mạnh dạn, ý
    thức của các bộ ngành, địa phương, nhất là các đơn vị tham mưu, để thấy được
    trách nhiệm của các cơ quan này trong việc tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng
    dẫn.

    “Không phải cứ khó thì về địa phương, dễ và đúng quy định
    thì Trung ương làm”, bà Châu nói.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi va cong tac chong dich anh 7

    Với những việc mà địa phương cần xin ý kiến trong tình cảnh
    “nước sôi lửa bỏng”, nữ đại biểu cho rằng cần cơ chế cho sự đột phá.

    Bà dẫn chứng câu chuyện lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng
    bào ta ở Australia ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại
    TP.HCM. MTTQ TP đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Trong khi Cục
    Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị
    TP.HCM hỏi Chính phủ.

    “Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về cho Cục
    An toàn thực phẩm trả lời, vậy tại sao không tham mưu luôn nêu chính kiến của
    mình?”, bà Châu nói và cho rằng cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy
    trình nhưng không đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

    Bà cũng đặt câu hỏi “Lô hàng cứu trợ TP.HCM về gần 1 tháng
    chưa lấy ra được là lỗi do ai?”.

    Từ đó, nữ đại biểu mong Chính phủ tạo ra cơ chế hành chính
    thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của từng bộ ngành và từng cán bộ
    trong việc tham mưu, để “không cần nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy”.

    “Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng
    trong những tình huống như thế này”, nữ đại biểu TP.HCM nhấn mạnh.

  • Đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ trẻ mồ côi

    Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) chia sẻ về những tác
    động tiêu cực của đại dịch Covid-19 với người dân, doanh nghiệp cũng như những
    chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự đồng hành nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ
    trong phòng chống dịch.

    Đánh giá dịch bệnh đến nay đã cơ bản được kiểm soát, chiến dịch
    tiêm chủng đã đạt những thành công bước đầu, vị đại biểu nêu một số giải pháp
    căn cơ trong giai đoạn bình thường mới.

    Ông kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách cả ngắn hạn
    và dài hạn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Trong khi nguy
    cơ chậm phục hồi nền kinh tế và suy giảm tăng trưởng vẫn còn hiện hữu nếu không
    kiểm soát tốt dịch bệnh.

    Ông cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có những biện pháp lấp lỗ
    hổng về kiến thức cho học sinh giữa các vùng học sinh học trực tiếp và trực tuyến,
    giảm tải một số chương trình không cần thiết.

    Đại biểu Thích Thanh Quyết cũng nêu vấn đề sau đợt dịch đợt
    dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam khiến hàng chục nghìn người tử vong, nhiều
    trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, tác động tiêu cực tới tâm, sinh lý của các em.
    Do đó, ông kiến nghị Chính phủ cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực để hỗ
    trợ các em.

  • Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm

    Đại biểu Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) bày tỏ ý kiến về các
    chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ông nhấn mạnh đây là các nội
    dung chiến lược hướng đến phát triển kinh tế – xã hội các vùng miền một cách bền
    vững, song triển khai còn rất chậm, đặc biệt là chương trình đối với vùng đồng
    bào dân tộc thiểu số.

    Để đảm bảo mục tiêu đã đề ra, ông Tuấn Anh đề nghị Chính phủ
    chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện ngay các chương trình, sớm quyết định đầu tư,
    ban hành các quy tắc thống nhất triển khai chương trình cũng như tiêu chí xác định
    các dân tộc còn khó khăn; nguyên tắc phân bổ ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng
    của ngân sách địa phương.

    Ông bày tỏ thống nhất với việc Quốc hội ủy quyền cho Chính
    phủ phân bổ chi tiết và chịu trách nhiệm cho việc phân bổ vốn cho các chương
    trình mục tiêu quốc gia. Quốc hội và các cơ quan liên quan sẽ giám sát, kiểm
    tra sau.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi va cong tac chong dich anh 8
  • Nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tăng cấp độ dịch

    Đại biểu Thái Thu Xương (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) chia sẻ về sự bào mòn của dịch với người dân, doanh nghiệp cũng như những hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch.

    Nêu dự báo dịch diễn biến khó lường, bà Xương cho biết tình hình dịch trong nước phức tạp, những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gần đây số ca mắc tăng nhanh, có tỉnh phải tăng cấp độ dịch. Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn khi kinh tế có nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp, đời sống nhân dân khó khăn.

    Nữ đại biểu tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ giải pháp căn cơ hơn trong phòng chống dịch để đất nước chuyển trạng thái bình thường mới.

    “Chính phủ cần xây dựng chương trình tổng thể, chuẩn bị nguồn lực và con người để phòng dịch”, bà Xương nói.

    Bên cạnh đó, bà cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về công tác phòng chống dịch; kiểm tra, giám sát, xử nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.
    Chính phủ cũng cần giảm bớt thủ tục hành chính, hỗ trợ cho lao động tự do từ nguồn ngân sách Trung ương.

    Ngoài ra, đại biểu Xương đề nghị có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em bằng việc tiêm vaccine cho trẻ; tích cực nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và huy động y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.

Nguồn: News.zing.vn