Đại biểu QH: Có tình trạng run rẩy, sợ trách nhiệm khi chống dịch

0
Đại biểu QH: Có tình trạng run rẩy, sợ trách nhiệm khi chống dịch

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng một số vấn đề trong công tác chống dịch vừa qua, Bộ Y tế đã không làm tốt trách nhiệm.

Tại buổi họp tổ về kinh tế – xã hội tại Quốc hội sáng 21/10, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) thẳng thắn tỏ ra băn khoăn với vai trò “tư lệnh” của ngành y tế trong việc chống dịch vừa qua.

Tổ thảo luận này gồm các đoàn Cần Thơ, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Định, Hà Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc… là đại biểu thuộc các tổ này.

Ông An nói đến việc phát huy nguồn lực y tế tư nhân còn hạn chế, việc điều hành hướng dẫn cho địa phương cũng nhiều bất cập, đặc biệt là việc để loạn giá kit xét nghiệm. Như vậy, vai trò của Bộ Y tế đã không làm tốt trách nhiệm điều hành.

Lo lắng, sợ trách nhiệm

Đại biểu Trịnh Xuân An nhắc đến thực trạng các bệnh viện lớn sợ trách nhiệm do không dám đấu thầu trang thiết bị, sinh phẩm chống dịch, phải đi xin tài trợ. “Họ chỉ vận động qua kênh tài trợ thôi, như vậy vai trò của người điều hành trong lĩnh vực y tế thế nào?”, ông An đặt câu hỏi.

Về vấn đề vaccine, ông An cho rằng Bộ Y tế đã không thực sự nỗ lực giúp đỡ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn nhập vaccine về cho đất nước.

thao luan to anh 1

Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Hiếu Công.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhắc đến tình trạng có một phận cán bộ các cấp lo lắng quá dẫn đến run rẩy, dẫn đến sợ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân. “Tất nhiên, ai cũng lo cho người dân, nhưng sợ quá mà đưa ra các chính sách không phù hợp là không được”, ông An nhấn mạnh.

Đại biểu cũng ủng hộ Chính phủ chuyển trạng thái chống dịch, nhưng ông cho rằng chuyển trạng thái thì phải linh hoạt, an toàn và hiệu quả. Đại biểu đề xuất Chính phủ nhấn mạnh chuyển trạng thái về mặt tinh thần, điều hành từ lo sợ sang tự tin chiến thắng.

“Phải có sự chấn chỉnh nghiêm khắc với cá nhân không làm tốt bổn phận trách nhiệm, nhưng cũng phải động viên kịp thời những cá nhân có thành tích xuất sắc”, đại biểu khẳng định.

Đồng tình, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng trong việc chống dịch vừa qua, công tác chỉ đạo, điều hành ở nhiều nơi còn rất chậm. Điều đó gây ra những ảnh hưởng lớn đến người dân và doanh nghiệp.

Bài toán ngân sách

Buổi họp tổ cũng sôi nổi tranh luận về việc làm thế nào để có nguồn lực phục hồi kinh tế, khi mà thu ngân sách khó khăn. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (đại biểu đoàn Bình Định) đã làm rõ hơn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về tính khả thi của dự toán ngân sách năm 2022.

Trong đó, Chính phủ dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn ngân sách Nhà nước được khoảng 30.000 tỷ đồng. Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng con số này cần tính lại tính khả thi.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong năm tới, Trung ương dự kiến thu khoảng 20.000 tỷ đồng từ thoái vốn ở một số doanh nghiệp như FPT, Nhựa tiền Phong, Habeco… Với vốn địa phương, riêng số nộp giai đoạn trước mà các địa phương đang giữ lại khoảng 12.000 tỷ đồng.

“Con số dự toán năm nay là hoàn toàn khả thi”, ông Phớc nói.

thao luan to anh 2

Vấn đề khởi động lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách được nhiều đại biểu quan tâm. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói rằng việc cổ phần hóa doanh nghiệp hiện tại để tăng thu là rất khó khăn. Ông cho biết vướng mắc lớn nhất là vấn đề định giá đất. Ví dụ như tại khách sạn REX ở TP.HCM ở vị trí đắc địa nhất thành phố, nhưng làm sao định giá cho phù hợp thì rất khó.

Hay tại Công ty cao su Đồng Nai (thuộc Tâp đoàn Cao su Việt Nam) đang quản lý 35.000 ha đất thì vấn đề tính giá cổ phần hóa, định giá là rất khó. Vướng mắc cổ phần hóa là phê duyệt phương án cổ phần hóa. Vướng mắc nhất vẫn là phần đất đai.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói rằng để giải quyết tận gốc thì không nên tính giá trị đất đai vào giá trị cổ phần hóa, nhưng phải quản lý để không thất thoát. Ông cho rằng khi cổ phần hóa, chỉ đấu giá cổ phần giá trị trên đất. Đất sử dụng mục đích nào thì giữ nguyên, nếu chuyển mục đích thì đấu giá.

“Chúng ta làm vậy sẽ giúp tăng năng lực cho nền kinh tế. Doanh nghiệp không phải cứ chăm chăm cổ phần hóa doanh nghiệp để nhắm đến đất đai xây đô thị”, ông nói.

Cũng về vấn đề tăng thu, ông Nguyễn Phú Cường nói rằng giá dầu thô trên thế giới hiện tại lên cao. Nếu có thể tăng sản lượng thì đây là một nguồn hỗ trợ ngân sách rất lớn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đã nhiều lần làm việc với PVN. Công ty này cho rằng khả năng tăng sản lượng khai thác trong năm 2022 là khó. Tài nguyên các mỏ suy giảm, gia tăng sản lượng tác động đến sự an toàn, nên sản lượng 7 triệu tấn là phù hợp.

Nguồn: News.zing.vn