Trong suốt quá trình cai trị, vua Philip II đã dốc hết tâm trí để đào tạo cho người thừa kế là Alexander, con trai của ông. Nhà vua đã đào tạo ra một minh tinh vĩ đại để đóng vai chính cho vở kịch lịch sử được trình diễn lúc bấy giờ.
Tượng đại đế Alexander. |
Thành phố Alexander mang tên vị đại đế của vương triều Marcedon là thành phố thứ hai và là hải cảng lớn nhất của Ai Cập. Tọa lạc về phía Tây của khu đồng bằng sông Nile, sát bờ biển Địa Trung Hải với phong cảnh xinh đẹp, lúc nào người ta cũng nghe tiếng rì rầm của những đợt sóng biển vỗ vào bờ ở thành phố này. Thành phố này có di chỉ của ngọn đèn biển trên đảo Faros mà thời bấy giờ được xem là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Ngoài ra, nó còn có rất nhiều cổ thích và những khu phong cảnh đẹp nổi tiếng.
Mặc dù thành phố tọa lạc tại bờ biển Phi châu, nhưng nó lại có danh xưng và quốc dáng của một thành phố kiểu Âu châu. Chính nó được đại đế Alexander của nước Macedon – Greece dựng lên cách nay hơn 2.000 năm.
Đại đế Alexander là vị Quốc vương thứ 14 của vương triều Argad nước Macedon cổ đại. Ông là một nhà quân sự đồng thời cũng là một nhà chính trị kiệt xuất trong thời đại đó. Năm 356 trước công nguyên, Alexander sinh ra tại Pella (nay nằm về phía tây bắc Thessaloniki thuộc vùng phía bắc của Hy Lạp). Ông là một thanh niên đẹp trai, có thân hình vạm vỡ, có ý chí kiên cường, trí tuệ và lòng dũng cảm hơn hẳn mọi người. Cha ông là Philip II (tại vị từ năm 359 đến 336 trước công nguyên) là một nhà vua hùng tài đại lược, hăng hái tiến hành việc đổi mới, trở thành một nhà vua có nhiều công trạng trong lịch sử của Macedon. Mẹ ông là Olympias, nguyên là công chúa của người Epirus Molossian. Trong thời thơ ấu, Alexander đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của cả cha lẫn mẹ.
Từ lâu Macedon vẫn là một địa phương thuộc vùng biên cương hẻo lánh của Hy Lạp, nằm về phía bắc của bán đảo Hy Lạp, nơi có nhiều đồi núi. Người Macedon nguyên là đồng tộc với người Hy Lạp. Trong thời cổ đại, khi các chi của người Hy Lạp cùng kéo nhau tiến xuống phía nam của bán đảo, thì người Macedon vẫn ở yên tại khu vực phía bắc. Do trình độ phát triển xã hội tương đối thấp, nên họ bị người Hy Lạp xem là “man tộc”.
Khoảng 700 năm trước Công nguyên, gia tộc Agread bắt đầu xây dựng vương quốc Macedon. Đến thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, Macedon ngày càng tích cực tham gia vào những sự vụ tại bản thổ Hy Lạp, gia nhập đại hội tranh tài thể thao Olympia khai diễn bốn năm một lần, và cùng ký kết liên minh chính trị với các thành bang của Hy Lạp. Trong thời kỳ chiến tranh giữa Ba Tư và Hy Lạp (khoảng từ năm 500 đến năm 449 TCN) người Macedon từ chối không chịu gia nhập vào đội ngũ của người Ba Tư để đánh người Hy Lạp, đồng thời đem những tin tức tình báo bí mật về quân sự của Ba Tư cung cấp cho người Hy Lạp. Theo đà tăng trưởng này ngày càng mật thiết giữa người Macedon đã hấp thu được nhiều yếu tố văn hóa tiên tiến của các thành bang tại Hy Lạp. Sau khi vua Philip II cha của Alexander lên chấp chính, thì Macedon đã phát triển lên một bước, đạt đến thời kỳ toàn thịnh. Vua Philip II từng tiến hành hàng loạt những cuộc cải cách. Về mặt chính trị, ông khống chế lực lượng của các thủ lĩnh ở các bộ lạc, khống chế quyền lực của các hội nghị quí tộc, tập trung quyền lực quân sự của quốc gia vào một tay mình. Về mặt kinh tế, ông cho áp dụng chế độ bản vị kép, vừa dùng vàng vừa dùng bạc để từ đó đặt mối quan hệ mậu dịch mật thiết giữa Macedon với Hy Lạp và Ba Tư. Về mặt quân sự, ông ra sức xây dựng một đạo quân thường trực, và đã cải tiến chiến thuật “Phương trận” (Phalax) mà ông đã học được từ Epaminodas lúc còn làm con tin ở Thebes thuộc Hy Lạp, để cải tiến thành “phương trận Macedon”, có sức chiến đấu rất mạnh. Phương trận này chủ yếu được phối hợp giữa các đơn vị bộ binh trang bị nặng, gồm có giáo dài và những tấm mộc chắc chắn. Bộ binh xếp thành hàng ngũ chặt chẽ, mỗi phương trận được xếp từ 16 đến 20 hàng bộ binh. Những bộ binh đứng ở phía sau, sử dụng giáo dài thọc qua các khe trống của những bộ binh cầm mộc che chở đứng ở phía trước, để tấn công quân địch ở trung tâm, còn kỵ binh thì từ hai bên hông tiến lên đánh bọc hậu quân địch. Do vậy, phương trận của Macedon có sức chiến đấu rất ngoan cường, đối phương khó chống trả, nổi tiếng khắp xa gần , tạo thành một sức uy hiếp mạnh mẽ đối với quân địch.
Dựa vào ưu thế quân sự, vua Philip II đã liên tiếp trong nhiều năm bành trướng, mở rộng bờ cõi, từng bước thống nhất các bộ lạc của Macedon, đồng thời, cũng đánh chiếm được vùng Thrace của người Illyrian, thế lực mở rộng tới hạ du sông Danube và eo biển Hellespont (nay là eo biển Dardanelles). Chẳng bao lâu, thế lực quân sự của nhà vua đã đén những thành bang của Hy Lạp. Năm 348 trước công nguyên, vua Philip II đánh chiếm Olymthus và thôn tín Chalcidice. Năm 338 TCN, vua Philip II lại xua đại quân Macedon đánh bại liên quân Hy Lạp tại Chaerona. Qua năm sau, vua Philip II triệu tập hội nghị toàn Hy Lạp tại Corinth, thành lập liên minh do chính ông giữ chức thống soái tối cao, đồng thời, đề xuất kế hoạch hưng binh thảo phạt Ba Tư. Kể từ đó, bán đảo Hy Lạp đại thể đã được thống nhất dưới ngọn cờ quân chủ của Macedon. Tình trạng cát cứ của các thành bang diễn ra trong nhiều năm qua đến đây kết thúc.
Rõ ràng người đặt nền tảng cho địa vị bá quyền của Macedon ở Hy Lạp nói cho cùng chính là vua Philip II. Những cuộc viễn chinh sau này của Alexander, chẳng qua là một hành động thể hiện sự nghiệp của cha ông mà thôi. Một học giả, ông H.G.Wells từng nói: nếu bảo người anh hùng thật sự trong câu chuyện về Alexander là chính bản thân Alexander, thì chi bằng bảo đó là người cha của ông tức vua Philip II thì đúng hơn. Vì “tác giả của một kịch bản không bao giờ được mọi người chú ý bằng những diễn viên đang diễn xuất dưới ánh đèn sân khấu”. Vua Philip II là người đã quy hoạch một phần lớn thành tựu trong sự nghiệp vĩ đại của Alexander, đặt nền tảng thực sự cho quốc, chuẩn bị sẵn những công cụ để phát động những cuộc chinh chiến.
(Theo 10 vị đại đế nổi tiếng trên thế giới)
Còn tiếp
Nguồn: Vnexpress.net