Do ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu xe đã qua sử dụng tăng mạnh khi nhiều người trẻ muốn chuyển từ phương tiện giao thông công cộng sang ôtô.
Theo Bloomberg, chỉ vài năm trước, thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) và gen Z (những người sinh từ năm 1996 đến 2012) không mấy hứng thú với việc sở hữu ôtô.
Nhiều người trong số họ chuyển đến các thành phố với vô số lựa chọn giao thông công cộng và dịch vụ gọi xe như Uber. Một số khác lo ngại về tác động xấu đến môi trường.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, giá ôtô đã qua sử dụng tăng vọt. Một cuộc khảo sát của EY, được thực hiện với 3.300 người tiêu dùng ở 9 quốc gia, chỉ ra 32% người không sở hữu xe hơi cho biết có ý định mua xe trong vòng 6 tháng tới.
Khoảng 50% những người mua tiềm năng này thuộc thế hệ Millennials. Anh Georgios Basdanis, một bác sĩ 32 tuổi ở London, vừa mua một chiếc xe hãng Mini đã qua sử dụng với giá 11.250 GBP, trả trong 2 năm.
Anh Georgios Basdanis với chiếc Mini đã qua sử dụng mới mua. Ảnh: Bloomberg. |
Nhu cầu tăng mạnh
“Nếu không có đại dịch, tôi đã không nghĩ đến chuyện mua ôtô”, anh Basdanis thừa nhận. Anh sống ở một chung cư từng có chính sách cấm ôtô trước đại dịch. Những chỗ để xe đắt đỏ, khan hiếm ở lề đường là lựa chọn duy nhất.
Ngoài ra, tại London, di chuyển bằng Tube – hệ thống tàu điện ngầm của Anh – thường nhanh chóng hơn nhiều. Nhưng tình thế đã thay đổi sau đại dịch. Hành khách không dám sử dụng các phương tiện giao thông công cộng vì lo ngại lây nhiễm virus. Việc tự lái xe trở nên an toàn hơn.
Anh Basdanis thích một chiếc ôtô điện có giá mua và chi phí bảo hiểm hợp lý. Không giống ở Trung Quốc, nơi khách hàng có thể mua một chiếc xe điện mới với giá khoảng 4.500 USD, xe điện ở phương Tây thường đắt đỏ hơn xe chạy xăng.
Giờ đây, sau khi đã được tiêm phòng và nhận thấy tình trạng tắc nghẽn giao thông đang gia tăng, anh Basdanis cho biết có thể sớm trở lại đi làm bằng Tube. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh sẽ bán xe.
Nếu không có đại dịch, tôi đã không nghĩ đến chuyện mua ôtô
– Anh Georgios Basdanis, một bác sĩ 32 tuổi ở London
“Chiếc xe có thể hữu ích cho việc di chuyển ngoài giờ làm việc hoặc lái xe đến phòng tập thể dục vào cuối tuần. Tôi còn có thể lái xe về vùng ngoại ô”, anh chia sẻ.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà chức trách trên khắp thế giới đã nỗ lực khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, vừa giải quyết tình trạng cư dân thành phố tăng nhanh, vừa giảm ô nhiễm không khí.
“Các thành phố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc hạn chế và giảm số lượng ôtô. Họ đã đầu tư mạnh tay vào giao thông công cộng và sẽ không từ bỏ hệ thống vận tải khổng lồ”, ông Eric Zayer tại Bain & Co (có trụ sở ở Munich) bình luận.
Thái độ đã thay đổi không chỉ ở phương Tây. Tại Nhật Bản, trước đại dịch, hơn 10 triệu người chen chúc trên các chuyến tàu điện ngầm ở Tokyo mỗi ngày. Giờ đây, mối quan tâm đối với ôtô đang tăng lên.
Thay đổi thái độ
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, vào năm 2020, số lượng giấy phép lái xe mới được cấp tăng lần đầu tiên sau 8 năm. Phần lớn sự gia tăng đến từ những người ở độ tuổi 20, 30. Thời gian chờ đợi để làm các bài thi lấy bằng lái xe cũng tăng gấp đôi.
Cô Gypsy Byrne, một sinh viên 19 tuổi ở Melbourne, đã suy nghĩ lại về phương tiện di chuyển sau khi chiếc xe bus gần nhà cô trở thành điểm nóng lây nhiễm. Trước đó, cô Byrne coi giấy phép lái xe chỉ là một mục tiêu mơ hồ.
“Các bạn không thể tin vào những phương tiện giao thông công cộng nữa. Tôi đã tăng giờ học lái xe từ 1 lên 5 tiếng mỗi buổi để kịp lấy bằng lái”, cô chia sẻ.
Cô Byrne sẽ thi lấy bằng lái vào ngày 31/7. Nếu đỗ, cô có thể sử dụng chiếc Toyota Aurion thừa hưởng từ ông bà mình.
Các hãng ôtô đang cố gắng xoa dịu nỗi lo của người tiêu dùng về rủi ro lây nhiễm virus và tác động xấu đến môi trường. Họ cũng cố gắng nâng cao “chứng chỉ xanh”.
Nhu cầu mua ôtô tăng lên sau đại dịch do lo ngại về các phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: Bloomberg. |
Ngay từ trước dịch Covid-19, những người trẻ tuổi đã muốn chuyển ra xa trung tâm thành phố lớn để mua các ngôi nhà giá phải chăng. Xu hướng đó được đẩy mạnh trong thời kỳ đại dịch, khi người lao động có thể làm việc từ xa.
Ở vùng ngoại ô và các thành phố nhỏ hơn, việc sở hữu một chiếc ôtô được coi là bình thường.
Ngay cả khi xu hướng làm việc từ xa vẫn được duy trì và thêm nhiều người mua ôtô, điều đó không có nghĩa là tình trạng tắc nghẽn giao thông trở nên trầm trọng hơn.
“Nhiều người mua ôtô hơn không có nghĩa là việc sử dụng ôtô tăng lên. Khách hàng muốn có thể di chuyển hoặc du lịch ngắn ngày, nhưng tôi không cho rằng họ sẽ lái nhiều hơn”, ông Michael Brisson, nhà kinh tế cấp cao của Moody’s Analytics, nhận định.
Nguồn: News.zing.vn