Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ban tổ chức Olympic Tokyo áp dụng những biện pháp hạn chế và đề ra những quy định nghiêm ngặt.
Tokyo 2020 sẽ là kỳ Thế vận hội khác lạ nhất trong lịch sử, khi được tổ chức trong thời kỳ đại dịch với hầu hết địa điểm cấm khán giả đến sân cổ vũ. Các nghi lễ xa hoa được thay thế bằng việc tổ chức đơn giản, nhanh chóng.
Khoảnh khắc ăn mừng này sẽ không thể lặp lại ở Olympic Tokyo. Ảnh: Getty Images. |
Hạn chế nghi lễ
Lễ khai mạc Olympic ở Rio 2016, London 2012 hay Bắc Kinh 2008 đã làm mãn nhãn người hâm mộ trên khắp thế giới với những hiệu ứng xa hoa và vũ đạo ngoạn mục, với sự tham gia của hàng nghìn nghệ sĩ biểu biễn trong các sân vận động chật cứng khán giả.
Tuy nhiên, tại lễ khai mạc Tokyo 2020 vào ngày 23/7, sẽ “đơn giản và hạn chế hơn” để giảm nguy cơ lây nhiễm và luôn “phù hợp với tình hình”, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở thủ đô của Nhật Bản.
Hồi tháng 1, các quan chức Olympic cho biết sẽ hạn chế vận động viên tham dự lễ khai mạc và bế mạc. Các báo cáo cho thấy chỉ 6.000 trong số 11.000 vận động viên tham dự lễ khai mạc.
Các nghi thức, nghi lễ tại Olympic Tokyo cũng được cho là sẽ có hướng lắng đọng, để tưởng nhớ hàng triệu người thiệt mạng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như các nạn nhân của trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản năm 2011.
Các vận động viên sẽ phải tự đeo huy chương của chính mình, và không thể hôn huy chương vì phải đeo khẩu trang trên bục nhận giải. Điều này làm cho những khoảnh khắc ăn mừng trở nên hạn chế.
“Huy chương sẽ được trao cho VĐV trên một cái khay và sau đó họ tự đeo cho mình. Người đặt huy chương lên khay sẽ đeo găng tay đã khử trùng để giữ an toàn y tế cho VĐV”, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach nói.
VĐV tự đeo huy chương trong lễ trao giải. Ảnh: Olympics. |
Theo truyền thống, huy chương Olympic thường được trao bởi một thành viên của IOC hoặc quan chức hàng đầu của một môn thể thao. Tokyo 2020 sẽ trở thành sự kiện thể thao đặc biệt nhất khi VĐV tự đeo huy chương. Chủ tịch Bach cho rằng đây là sự thay đổi rất đáng nhớ trong lịch sử Olympic.
Các hoạt động chụp ảnh ăn mừng tập thể cũng sẽ khó lặp lại ở Tokyo, nơi các VĐV được yêu cầu giữ khoảng cách 2 mét với những người tham gia khác.
Tại Rio 2016, bức ảnh chụp VĐV thể dục dụng cụ Mỹ Ragan Smith, người chỉ cao 1,37 m, đứng cạnh cầu thủ bóng rổ DeAndrew Jordan cao 2,11 m đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Bức ảnh kỷ niệm của cặp VĐV thể dục dụng cụ Hong Un-jong của CHDCND Triều Tiên và Lee Eun Ju (Hàn Quốc) tạo nên hình ảnh đẹp, tinh thần thể thao Olympic.
Vắng khán giả
Chủ nhà Nhật Bản đã hy vọng có một lượng lớn du khách tới vào mùa hè này để thúc đẩy kinh doanh của các khách sạn, công ty lữ hành và nhiều quán cà phê ở Tokyo. Tuy nhiên, khán giả nước ngoài đã bị cấm tới Nhật Bản để theo dõi Olympic. Giờ đây, hầu hết sự kiện sẽ diễn ra sau những cánh cửa đóng kín.
Thủ đô Tokyo đang ở trong tình trạng khẩn cấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính phủ yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, và theo dõi Olympic qua tivi ở nhà. Những địa điểm tổ chức ở Tokyo đã cấm khán giả tới sân.
Số lượng người đến Nhật Bản tham dự Olympic và Paralympic cũng giảm hơn một nửa, với khoảng 68.500 vận động viên, huấn luyện viên, quan chức, đội ngũ hậu cần, truyền thông, so với ước tính ban đầu khoảng 200.000 người.
Những người tham gia cũng bị giới hạn về đi lại, cấm đi tham quan. Các vận động viên được yêu cầu rời khỏi Làng Olympic 48h sau khi thi đấu xong.
Tại Rio 2016, đội bóng bầu dục của Fiji đã hát vang sau khi giành HCV, tấm huy chương Olympic đầu tiên của Đoàn thể thao Fiji. Nhưng mùa hè này, ca hát là điều cần tránh cùng với việc hò hét và cổ vũ. Thay vào đó, những người tham gia được khuyến khích vỗ tay hoặc tìm cách khác để ăn mừng, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Pháo hoa, biểu ngữ, linh vật và các cảnh tượng hào nhoáng khác cũng được thu hẹp quy mô, để cắt giảm chi phí, vốn đã tăng cao kể từ khi Thế vận hội bị hoãn lại một năm.
Làng Olympic có nguy cơ vỡ “bong bóng”. Ảnh: Getty Images. |
Các vận động viên sẽ được kiểm tra xét nghiệm hàng ngày và được khuyên giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên điều này dường như không làm giảm nguy cơ lây nhiễm trong Làng Olympic. Trưa 21/7, ban tổ chức đã thông báo có tổng cộng 75 ca nhiễm nCoV trong Làng, thêm 8 ca so với số liệu công bố ngày 20/7.
Những cái ôm, bắt tay đều không được khuyến kích, nhằm làm giảm khả năng xảy ra tranh cãi giống như vụ việc của võ sĩ judo El Shehaby (Ai Cập) từ chối bắt tay Os Sasson (Israel) tại Rio sau khi thua cuộc. El Shehaby đã bị đám đông la ó sau đó.
Tại Tokyo 2020, các vận động viên, giới truyền thông và quan chức vi phạm các quy tắc về Covid-19 có thể bị truất quyền thi đấu, hoặc trục xuất khỏi Nhật Bản.
Nguồn: News.zing.vn