“Đại lễ Vesak 2019 đã thành công viên mãn”

0
“Đại lễ Vesak 2019 đã thành công viên mãn”

Ngày 14/5 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc diễn ra lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ) Vesak 2019 và ra Tuyên bố chung Hà Nam. Trong diễn văn bế mạc, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2019 khẳng định, “Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 16 đã thành công viên mãn”.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã nói lên tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn, cùng với sự khẳng định giá trị cốt lõi về hòa bình và trí tuệ trong giáo lý của Đức Phật càng cần được phổ biến trong xã hội ngày nay để xây dựng sự phát triển bền vững và hòa bình đích thực cho nhân loại. Hội thảo khoa học quốc tế Đại lễ Vesak 2019 kết tinh trí tuệ và niềm hứng khởi của hơn 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 3.000 Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được đúc kết trong Tuyên bố Hà Nam 2019, sẽ là cam kết của cộng đồng Phật giáo thế giới góp phần xây dựng hòa bình cho nhân loại.

 

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu

 

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đại lễ Vesak LHQ đã trở thành ngày hội văn hóa chan hòa tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, đoàn kết và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật – Bậc minh triết được LHQ và nhân loại suy tôn, là nơi gặp gỡ của Phật tử và những người yêu mến đạo Phật.

 

Tại lễ bế mạc, các đại biểu tham dự Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 16 – năm 2019 đã thông qua Tuyên bố Hà Nam. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2019 đã tuyên đọc 9 điều trong Tuyên bố Hà Nam. Trong đó, cam kết chung hướng tới việc đảm nhận vai trò ngày càng tích cực, ở địa phương và trên toàn cầu; chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa với xã hội nhằm ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển các xã hội bền vững trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, và văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp. Tiếp sức sống với khái niệm “Phật giáo nhập thế” bằng cách hướng tới các hoạt động mang tính toàn cầu và tham gia tích cực hơn vào các tổ chức quốc tế. Hỗ trợ, tăng cường việc tiếp cận tư tưởng, triết lý, đạo đức và tư duy của Phật giáo cho các thành phần khác nhau trong xã hội, đặc biệt đối với các chính trị gia, nhà trí thức, khoa học gia, nhà văn hóa, tư tưởng, kinh tế … để giúp họ hướng giải quyết một cách tối ưu và cân bằng các thách thức đặt ra của thời đại. Đặc biệt khuyến khích việc tìm hiểu và thực hành các triết lý Phật giáo đối với giới trẻ, chủ nhân tương lai của thế giới…

 

 

Các đại biểu tham dự Đại lễ Vesak 2019 nghe Tuyên bố Hà Nam 

 

Tuyên bố Hà Nam cũng đưa ra những nội dung về việc hồi đáp của Phật giáo về trách nhiệm cùng chia sẻ, cách tiếp cận của Phật giáo về xã hội bền vững, gia đình hài hòa, y tế và xã hội, đối với giáo dục toàn cầu về đạo đức, Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cách tiếp cận Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững… Hòa thượng Brahmapundit  – Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ bày tỏ mong muốn các đại biểu, cộng đồng Phật giáo quốc tế hãy cùng thực hiện những dự án với mục đích sẻ chia, chung sức thực hiện những cam kết trong Tuyên bố Hà Nam.   

 

 

Các hoạt động văn hóa, du lịch chào mừng Đại lễ Vesak 2019

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn