Từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, Đài Loan đã áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, xét nghiệm diện rộng, bao gồm cả việc bán bộ xét nghiệm tại nhà và đẩy mạnh tiêm chủng.
Ngày 17/5, Đài Loan lần đầu tiên ghi nhận hơn 100 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhiều hãng truyền thông phương Tây như BBC hay Time lập tức đưa tin rằng hình mẫu chống dịch của Đài Loan đã thất bại.
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Đài Loan lập đỉnh với 597 trường hợp được ghi nhận vào ngày 28/5, theo số liệu từ Our World in Data.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, có vẻ hòn đảo hơn 23 triệu dân này đã một lần nữa khống chế được làn sóng dịch bệnh.
Sau 41 ngày bùng dịch, vào ngày 26/6, số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới ở Đài Loan được đưa về mức dưới 100 ca mỗi ngày. Dịch Covid-19 ở Đài Loan lập đỉnh trong vòng chưa đầy hai tuần nhưng đảo này chỉ mất một tháng để dập dịch.
Dù số ca đã giảm, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung hồi đầu tháng 7 nói rằng việc này có thể do người dân đã giảm đi xét nghiệm. Ông yêu cầu mọi người tiếp tục cảnh giác, hạn chế ra ngoài và gặp gỡ người khác.
Đài Loan khống chế đợt bùng dịch mới nhất chỉ trong 40 ngày. Ảnh: Lê Ý. |
Tại Việt Nam, TP.HCM hiện là tâm dịch có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước với 6.000 ca bệnh được ghi nhận cũng trong khoảng thời gian xấp xỉ 40 ngày bùng dịch.
Tuy nhiên, việc so sánh công tác chống dịch của hai nơi trên là khập khiễng. Bởi lẽ, dù dân số Đài Loan đông gấp 2,7 lần so với TP.HCM, mật độ dân số của đảo này chỉ bằng 16% so với TP.HCM, theo thống kê của Worldometers dẫn từ báo cáo của Liên Hợp Quốc.
“Đừng đến bệnh viện nếu bạn không sốt”
Chương trình xét nghiệm của Đài Loan trước đó đã bị đánh giá chậm chạp và quy mô nhỏ, hoàn toàn phụ thuộc vào xét nghiệm PCR do các đợt bùng phát trước thường được khống chế trước khi lan rộng.
Khi dịch bùng trở lại, các tỉnh thành của Đài Loan cũng thiết lập trung tâm xét nghiệm miễn phí. Tuy nhiên, chỉ những người đã tiếp xúc với ca nhiễm hoặc có triệu chứng được khuyến cáo đi xét nghiệm. Những người không tiếp xúc ca nhiễm, không sốt cao hoặc không có triệu chứng đáng chú ý được khuyên tránh đi xét nghiệm. Các trung tâm xét nghiệm này sử dụng cả hai loại xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh (thường cho kết quả trong 10-15 phút).
Hồi cuối tháng 5, chính quyền thành phố Đài Bắc đã mua 250.000 kit xét nghiệm nhanh. Dù thị trưởng nói rằng thành phố vẫn phụ thuộc xét nghiệm PCR để thống kê số ca thực tế, việc xét nghiệm nhanh cho biết ông theo sát tình hình thực địa.
Bộ kiểm tra Covid-19 nhanh tại nhà do công ty TaiDoc Technology sản xuất. Ảnh: TaiDoc Technology. |
Bên cạnh việc xét nghiệm ribonucleic acid của virus (PCR), Đài Loan đồng thời phê duyệt cho bộ kiểm tra Covid-19 nhanh tại nhà do công ty TaiDoc Technology sản xuất.
Sản phẩm này vận hành dựa trên cơ chế sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh, với tỷ lệ chính xác lên đến 94% so với những trường hợp xét nghiệm PCR. Loại công cụ hỗ trợ kiểm tra nhanh này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan phê chuẩn, theo Taiwan News.
Đến cuối tháng 6, đã có 5 loại kit xét nghiệm tại nhà được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan phê chuẩn, có thể mua được tại các hiệu thuốc, siêu thị tiện lợi với giá hơn 10 USD.
Việc triển khai thêm các bộ kiểm tra Covid-19 tại nhà nói trên được cho là giúp đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trong cộng đồng.
Tuy vậy, những người có kết quả dương tính khi xét nghiệm nhanh vẫn được khuyến khích đến xét nghiệm lại tại các điểm xét nghiệm của chính quyền, hoặc thông báo cho đường dây nóng. Trên cơ sở này, giới chức Đài Loan có thể khoanh vùng, cách ly và truy vết những người được cho là đã nhiễm virus corona hoặc nghi từng tiếp xúc với người mắc Covid-19.
Đối với những người có kết quả dương tính, Đài Loan không điều trị tập trung bắt buộc. Trung tâm Chỉ huy Chống dịch Đài Loan hồi giữa tháng 5 đã kêu gọi những người nhiễm Covid-19 với triệu chứng nhẹ ở nhà và hạn chế đến bệnh viện do số buồng cách ly tại Đài Bắc, Tân Đài Bắc đang hạn chế vì số ca tăng nhanh.
CDC Đài Loan khuyên người bệnh khi ở nhà tự cách ly với gia đình mình, đeo khẩu trang và ở trong phòng riêng, sử dụng thuốc hạ sốt nếu cần. Người dân được khuyên gọi cấp cứu nếu có các triệu chứng khó thở, đau ngực hoặc bất tỉnh.
Hạn chế đi lại, thắt chặt biên giới
Theo South China Morning Post, kể từ khi dịch bệnh chuyển biến xấu vào giữa tháng 5, giới chức Đài Loan đã ban hành lệnh hạn chế cấp 3/4, đóng cửa các địa điểm giải trí và quy định nhà hàng chỉ bán thực phẩm đem đi.
Bên cạnh đó, người dân Đài Loan cũng được yêu cầu đeo khẩu trang khi ra ngoài và giãn cách 2 m ở nơi công cộng. Số người được tụ tập trong nhà không quá 5, ngoài trời không quá 10.
Dù không phong tỏa hoàn toàn, Đài Loan đã đóng cửa biên giới với khách quốc tế, trừ công dân hồi hương và người nước ngoài lưu trú dài hạn.
Tuy nhiên, ngay cả những người được phép nhập cảnh vẫn phải trải qua 14 ngày cách ly nghiêm ngặt. Trong khoảng thời gian hai tuần này, người nhập cảnh được xét nghiệm Covid-19 ba lần, trong đó lần đầu tiên và lần cuối cùng là xét nghiệm PCR, theo Taiwan News.
Đẩy nhanh tiêm vaccine
Trong gần một năm dịch hầu như không bùng phát, nhiều người Đài Loan đã không ý thức được sự cấp thiết của việc tiêm vaccine. Chỉ đến khi dịch bùng phát, họ mới nhận ra tỷ lệ tiêm vaccine đang ở mức thấp báo động. Cho đến cuối tháng 5, chính quyền Đài Loan mới nhận được hơn 700.000 liều vaccine cho hơn 23 triệu dân. Những nỗ lực triển khai vaccine chỉ được triển khai mạnh mẽ từ cuối tháng 5.
Ngày 20/6, lô hàng gồm 2,5 triệu liều vaccine do công ty Moderna sản xuất được chuyển đến sân bay quốc tế Đài Loan. Đây là số vaccine Covid-19 được Mỹ cam kết hỗ trợ Đài Loan nhằm đẩy lùi đại dịch.
Ban đầu, Mỹ cam kết tặng 750.000 liều vaccine ngừa Covid-19 cho Đài Loan. Song con số này đã tăng lên 2,5 triệu liều, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng mức hỗ trợ vaccine toàn cầu lên 80 triệu liều, theo Reuters.
Vào ngày 5/6, Nhật Bản đã tặng 1,24 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 do AstraZeneca sản xuất cho Đài Loan. Ngày 25/6, Nhật Bản tăng cường viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine cho Đài Loan, theo Reuters.
Hãng dược Mỹ Novavax hôm 2/7 cho biết Đài Loan đã chọn mua vaccine Covid-19 của họ thông qua chương trình chia sẻ vaccine Covid-19 toàn cầu COVAX.
Lô vaccine Covid-19 do Moderna sản xuất được Mỹ viện trợ sang Đài Loan. Ảnh: Reuters. |
Tính đến ngày 4/7, hơn 2,47 triệu người dân Đài Loan đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và khoảng 46.500 người nhận đầy đủ phác đồ hai mũi vaccine Covid-19, theo Our World in Data.
Bên cạnh lượng vaccine do Mỹ viện trợ, người dân Đài Loan còn sang Trung Quốc đại lục để tham gia tiêm chủng. Theo Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của chính phủ Bắc Kinh, tính đến ngày 11/6, khoảng 62.000 cư dân Đài Loan đã được tiêm chủng Covid-19 ở Trung Quốc đại lục.
Nguồn: News.zing.vn