Tân Đại sứ New Zealand Tredene Dobson lạc quan về triển vọng quan hệ song phương, khẳng định Việt Nam là điểm đến mong muốn hàng đầu của giới chức nước này khi điều kiện cho phép.
Đại sứ Tredene Dobson đón phóng viên của Zing tại nhà riêng trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam. Đây cũng là bộ áo dài mà bà đặc biệt chuẩn bị cho buổi trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 16/6.
Chia sẻ với Zing, tân đại sứ nói về kế hoạch thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian sắp tới trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến giáo dục.
Đại sứ Dobson cũng cho biết các bộ trưởng của New Zealand, bao gồm Ngoại trưởng Nanaia Mahuta, mong muốn sớm thăm Việt Nam ngay sau khi đại dịch bị đẩy lùi. Đại sứ Dobson bày tỏ nguyện vọng đưa người dân hai nước lại gần nhau hơn trong nhiệm kỳ của mình.
Xa nhà hơn 9.000 km, Đại sứ Dobson giữ kết nối với quê hương qua những bức tranh treo tường in họa tiết của người Maori – người bản địa New Zealand. Trên tà áo dài của bà cũng có họa tiết Maori và điểm xuyết thêm hoa sen – quốc hoa của Việt Nam.
“Cảm giác giống như tôi đang mặc một dải đất của quê hương bên mình”, Đại sứ Dobson nói.
Cuộc trao đổi giữa Đại sứ Dobson và Zing diễn ra trước thềm kỷ niệm 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và New Zealand (19/6/1975 – 19/6/2021). Chủ đề xuyên suốt là tính kết nối – yếu tố ngày càng quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa.
Đại sứ Tredene Dobson trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Tà áo dài nối liền Việt Nam và New Zealand
– Đại sứ hãy giới thiệu bản thân với người dân Việt Nam.
– Tôi muốn được tự giới thiệu bằng tiếng Maori – ngôn ngữ mẹ đẻ – bởi với tôi, điều này rất quan trọng. Tiếng Maori sẽ giúp độc giả hiểu được tôi là ai và tôi thuộc về đâu. Điều này còn là cách để tôi kết nối bản thân với cả Việt Nam lẫn New Zealand:
Đằng bên nội,
Manaia là núi của tôi
Cảng Whangarei là biển của tôi
Takahiwai là đất
Takahiwai là marae (nhà cộng đồng của người Maori)
Rangiora là quê quán tổ tiên
Patuharakeke là bộ tộc của tôi
Đằng bên ngoại,
Taupiri là núi của tôi
Waikato là sông của tôi
Ngāti Whāwhākia là bộ tộc nhánh
Te Kauri và te Ōhākī là marae của tôi
Tainui là bộ tộc
Tên tôi là Tredene Dobson
Tôi rất hân hạnh khi được bổ nhiệm làm đại sứ New Zealand tại Việt Nam vào thời điểm quan hệ hai nước đang rất tốt đẹp. Nhiệm vụ của tôi sẽ là xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt và vươn xa hơn nữa.
– Ấn tượng đầu tiên của đại sứ về Việt Nam là gì?
– Năm 2005, tôi từng du lịch đến Việt Nam. Ký ức trong tôi về Hà Nội lúc đó là một vẻ đẹp cổ kính, thanh lịch. Sau 16 năm, tôi rất ngạc nhiên vì chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, đã phát triển và thay đổi nhanh chóng.
Nhiều tòa cao ốc đã mọc lên, đường phố nhộn nhịp hơn. Tuy hiện đại, Hà Nội vẫn giữ được nét truyền thống – một vẻ đẹp rất riêng của thành phố này.
– Đại sứ đã chuẩn bị gì trước khi đến Việt Nam để hòa nhập với cuộc sống mới?
– Tôi có tham gia một khóa học tiếng Việt tại thủ đô Wellington, New Zealand với giáo viên bản xứ và đã biết một chút để có thể đi lại ở Việt Nam, như cách hỏi đường và gọi đồ ăn. Thật tiếc là tôi không có nhiều thời gian hơn để học tiếng Việt.
Đối với tôi, điều quan trọng khi học một ngôn ngữ mới là cơ hội tìm hiểu về nền văn hóa của đất nước đó. Giáo viên Việt Nam không chỉ dạy tôi cách giao tiếp mà còn giúp tôi hiểu thêm về nơi tôi sẽ sống trong những năm tiếp theo. Vì vậy, điều được tôi ưu tiên trong lúc chuẩn bị cho chuyến đi đến Việt Nam là tìm cách kết nối văn hóa hai nước.
– Người tiền nhiệm của bà nhắn nhủ những điều gì cần khám phá khi đến Việt Nam?
– Chị ấy nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Hãy thưởng thức đồ ăn Việt Nam”, rồi đưa tôi một danh sách dài các địa điểm ẩm thực đường phố. Ngay sau khi Covid-19 kết thúc, việc đầu tiên tôi làm chắc chắn sẽ là thử thật nhiều đồ ăn Việt Nam.
Ngoài ra, tôi còn có ý định đi du lịch. Việt Nam là một đất nước tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình, từ bờ biển cho đến núi đồi. Có quá nhiều điều để tôi tận hưởng sau khi Covid-19 kết thúc.
Người tiền nhiệm của tôi cũng đưa cho tôi danh sách những địa điểm bí mật mà chị ấy tìm được nhưng tôi sẽ không nói cho bạn biết đâu. Nếu nói ra, chúng sẽ trở nên nổi tiếng mất (cười lớn).
– Tôi muốn hỏi thêm về chiếc áo dài với họa tiết Maori kết hợp hoa sen mà bà đang mặc. Chiếc áo này có phải do bà tự thiết kế hay không?
– Thiết kế này là do một cô gái trẻ người Maori ở New Zealand tạo ra. Cô ấy có cùng quê hương với tôi ở vùng bắc New Zealand. Tôi gặp cô ấy trong lúc tìm kiếm người có thể tạo thiết kế đặc biệt theo chủ đề “giao thoa – kết nối”.
Với tôi, sự kết nối là khi tôi đang ở đây, tại Việt Nam, nhưng vẫn gắn kết với người thân ở New Zealand. Trên áo dài có 5 hình tam giác – tượng trưng 5 đỉnh trên núi Manaia ở quê hương tôi.
Một sự kết nối khác là giữa Việt Nam và New Zealand, được đại diện bởi bông hoa sen trong thiết kế. Kết nối này còn được thể hiện qua việc chiếc áo này có họa tiết Maori trên đó.
Điều quan trọng với tôi là chiếc áo không chỉ thể hiện được sự gắn kết giữa hai nước, mà còn là mối liên kết giữa tôi và quê hương.
5 hình tam giác trên áo dài của Đại sứ Tredene Dobson tượng trưng cho 5 đỉnh trong ngọn núi quê hương của bà ở New Zealand. Ảnh: Việt Linh. |
– Nhiệm kỳ trước của Đại sứ là tại Iraq. Đại sứ có nghĩ rằng nhiệm kỳ tại Việt Nam sẽ dễ dàng hơn?
– Tôi cho rằng công việc của một đại sứ không bao giờ dễ dàng và điều này sẽ không thay đổi khi tôi công tác tại Việt Nam. Tất cả đều xoay quanh việc làm thế nào để giúp thế giới trở thành nơi an toàn, thịnh vượng, và bền vững hơn. Điều này vẫn rất quan trọng dù vấn đề an toàn và an ninh ở Việt Nam khác so với Iraq.
– Quyết định khó khăn nhất bà từng đưa ra trong cương vị một nhà ngoại giao là gì?
– Là một đại sứ, điều khiến bạn trằn trọc giữa đêm không phải các cuộc đối thoại chính trị khó nhằn mà là những quyết định liên quan đến con người.
Khi Covid-19 đang hoành hành, thứ khiến tôi mất ngủ là (nỗi lo) làm sao để đảm bảo nhân viên sứ quán được an toàn sức khỏe. Về phương diện này, chúng tôi đã đặt ra một số biện pháp để giúp mọi người an toàn trước virus corona.
Quan trọng hơn với tôi là làm thế nào để giữ cho mọi người vui vẻ và khỏe mạnh, tức sức khỏe tinh thần. Nhiệm vụ của tôi là làm sao gắn kết cả tập thể để mọi người cảm thấy được kết nối, ngay cả khi hơn một nửa số nhân viên phải làm việc tại nhà và mỗi người lại có những thách thức riêng.
Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao và quản lý rủi ro
– Việt Nam và New Zealand có nền tảng quan hệ vững chãi. Đại sứ sẽ làm gì để duy trì mối quan hệ này và bà muốn xây dựng điều gì trên nền móng đó?
– Về thương mại và kinh tế, hai nước đặt ra mục tiêu rất tham vọng là giá trị trao đổi hàng hóa song phương đạt 2,8 tỷ NZD (khoảng 2 tỷ USD) cho tới năm 2024. Chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều để hiện thực hóa tham vọng ấy. Điều cần làm lúc này là khắc phục những rào cản tiềm tàng đối với tăng trưởng thương mại giữa hai bên.
Tôi sẽ nỗ lực xúc tiến thỏa thuận hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước trong những năm tới. Điều này không những sẽ thúc đẩy thương mại song phương mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, và giúp phát triển nông thôn.
Trong hợp tác nông nghiệp, tôi rất tự hào về chương trình phát triển giống trái cây chất lượng. Hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam, chúng tôi đã phát triển 3 giống thanh long mới với mục đích đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đây là cách tiếp cận nông nghiệp ở New Zealand và chúng tôi đang áp dụng chính những nguyên tắc này ở đây.
Là đại sứ, điều khiến bạn trằn trọc giữa đêm không phải các cuộc đối thoại chính trị khó nhằn mà là quyết định liên quan đến con người.
Tân Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson
Chúng tôi cũng sẽ đảm bảo các nhà sản xuất nắm giữ bằng sáng chế đối với 3 giống thanh long này. Đây sẽ là cách họ thu được lợi nhuận khi xuất khẩu giống trái cây mới ra thế giới.
Vì Việt Nam phải đối mặt với mối đe dọa từ lũ lụt, một phương diện hợp tác nữa giữa hai nước sẽ là lĩnh vực quản lý rủi ro nguy hiểm. Chúng tôi có thực hiện dự án với công ty New Zealand Damwatch nhằm tập trung nghiên cứu cơ sở hạ tầng đập và giảm rủi ro ngập lụt trong mùa mưa ở Việt Nam.
Giáo dục cũng là phương diện quan trọng trong chương trình phát triển của chúng tôi. Tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi đang tận dụng mạng lưới sinh viên và cựu du học sinh Việt Nam tại New Zealand – những người pha mang chất Kiwi (chỉ người New Zealand) trong mình – để duy trì sự gắn kết với Việt Nam.
Việt Nam kiểm soát dịch tốt không kém New Zealand
– Quan chức New Zealand có kế hoạch thăm Việt Nam để củng cố mối quan hệ hai nước hay không?
– Chắc chắn rồi. Một khi việc đi lại thuận tiện hơn, tôi biết rằng Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách các nước mà những nhà lãnh đạo New Zealand muốn đến thăm.
Cả hai nước đều đang có chế độ kiểm soát chặt biên giới lúc này do Covid-19. Nhưng theo tôi được biết, khi bộ trưởng Ngoại giao hai nước trao đổi vào đầu tháng 3 và khi bộ trưởng Thương mại hai bên nói chuyện vào tháng 5, đôi bên đều bày tỏ mong muốn đến thăm đất nước của nhau.
Vì thế, tôi tin rằng chúng ta sẽ có các chuyến thăm 2 chiều diễn ra trong thời gian sớm nhất có thể.
Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách các nước mà những nhà lãnh đạo New Zealand muốn đến thăm, một khi việc đi lại thuận tiện hơn.
Tân Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson.
– Tình hình Covid-19 tại New Zealand lúc này có thể nói là đã được kiểm soát. Theo bà, Việt Nam có thể học hỏi điều gì từ chính phủ New Zealand?
– Tôi nghĩ rằng công tác chống dịch của Việt Nam làm tốt không kém New Zealand.
Tôi nghĩ rằng điều 2 nước cần học hỏi lẫn nhau nằm ở giai đoạn tiếp theo. Vì vaccine là mấu chốt để kiểm soát Covid-19, chúng ta sẽ thấy Việt Nam và New Zealand phối hợp song phương và trên nhiều diễn đàn để đảm bảo vaccine không bị chặn lại ở biên giới và có thể lưu thông thuận lợi khắp thế giới.
Ngoài ra, 2 nước cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm về triển khai chương trình tiêm chủng, như cách đảm bảo chương trình diễn ra hiệu quả và cách tiếp cận nhóm người dễ tổn thương nhất.
Trách nhiệm chia sẻ với phụ nữ
– Bà ủng hộ bình đẳng giới. Theo bà, phụ nữ ở Việt Nam còn đối mặt những trở ngại gì?
– Tôi muốn chỉ ra rằng Việt Nam đã làm rất tốt trên phương diện nữ quyền và đặc biệt là về mức độ tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế. Chúng ta có thể thấy điều đó ở khắp nơi (tại Việt Nam).
Về trở ngại, khó khăn phụ nữ Việt phải đối mặt cũng là khó khăn phụ nữ mọi nơi trên thế giới gặp phải. Phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc và trong cộng đồng, và vẫn gặp bạo lực giới.
Chúng ta phải cùng nhận ra tầm quan trọng của những vấn đề này với xã hội, từ đó đặt ra các biện pháp cụ thể để đảm bảo phụ nữ được hưởng những quyền kinh tế, văn hóa, xã hội như mọi thành viên khác trong cộng đồng.
Ở Việt Nam cũng như ở New Zealand, phụ nữ đang ngày càng tham gia vào mọi lĩnh vực kinh tế. Nhưng xét đến cùng, họ vẫn đóng vai trò chính trong gia đình, kể cả trong lúc làm việc tại nhà. Đại đa số trường hợp, phụ nữ phải vừa giúp con học trực tuyến và vừa làm việc.
Vì thế, tôi nghĩ rằng ở cả 2 nước, chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về việc chia sẻ trách nhiệm gia đình để phụ nữ có thể tham gia một cách bình đẳng trong công việc và cộng đồng.
“Chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy bầu trời trong xanh của Hà Nội, tôi bỗng cảm thấy công việc của mình thật tuyệt vời”, Đại sứ Tredene Dobson chia sẻ. Ảnh: Việt Linh. |
– Bà có thể chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong quá trình đấu tranh vì quyền bình đẳng giới hay không?
– Vài năm trước, tôi đã học được một bài học thật sự sau khi đọc một nghiên cứu mới xuất bản khi ấy.
Theo nghiên cứu này, khi chuẩn bị trà nước hoặc ghi chép trong một cuộc họp, phụ nữ sẽ không được đồng nghiệp khen ngợi và thậm chí bị coi là năng lực kém cỏi nếu từ chối. Nhưng nếu đàn ông tình nguyện làm những việc trên, họ sẽ được đánh giá cao hơn.
Điều này khiến tôi thật sự sốc vì nhận ra rằng mình cũng có suy nghĩ như vậy – một dạng thiên kiến trong vô thức. Chính những điều này đang ngăn cản bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Là một phụ nữ và giữ cương vị lãnh đạo, tôi luôn cố gắng đảm bảo mình nhận thức rõ được những điều như vậy và chia sẻ chúng với mọi người trong đội. Tôi cũng sẽ nói rõ rằng mình kỳ vọng mọi người cùng đóng góp, bất kể giới tính.
Đối với tôi, điều quan trọng là cả 2 giới cần nhận thức được mình đang làm chưa đủ tốt trên những phương diện nào.
Đại sứ Tredene Dobson trong buổi lễ ngày 7/5 công bố dự án Trao quyền cho phụ nữ nghèo và yếu thế khắc phục tác động của Covid-19 tại Hải Dương. Ảnh: Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam. |
“Được làm việc ở Việt Nam là một đặc ân”
– Bà có kế hoạch gì để thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa người New Zealand và Việt Nam hay không?
– Cả người New Zealand và Việt Nam đều rất tự hào về văn hóa của mình. Tôi nghĩ rằng người Việt Nam rất gắn kết với mảnh đất của mình, cũng như người New Zealand. Người dân hai nước cũng cùng chung sở thích về thực phẩm.
Càng chia sẻ văn hóa, chúng ta càng thấy được những mối liên kết giữa hai nước. Chúng tôi đang làm rất nhiều điều trên mạng xã hội để làm nổi bật sự bổ trợ văn hóa giữa hai nước.
Cuộc phỏng vấn này diễn ra vào một ngày rất quan trọng với tôi trong cương vị Đại sứ New Zealand tại Việt Nam (bà Dobson trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào buổi chiều cùng ngày – PV). Tôi chỉ muốn nói rằng được làm việc tại đấy nước này là một đặc ân.
Tôi được sẽ tiếp tục phát huy thành quả mà các đại sứ Việt Nam và New Zealand đi trước đã đạt được và đưa quan hệ 2 nước tiến xa hơn. Trách nhiệm này đối với tôi rất nghiêm túc nhưng cũng chứa đựng niềm vui lớn vì tôi không thể nghĩ ra đất nước khác tuyệt vời hơn để công tác trong cương vị đại sứ.
Chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy bầu trời trong xanh của Hà Nội, tôi bỗng cảm thấy công việc của mình thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn.
– Xin cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: News.zing.vn