Đậm đà hương vị bánh in ngày tết

0
Đậm đà hương vị bánh in ngày tết

Cách đây gần 40 năm, hành trang mang theo về nhà chồng của bà Trần Thị Hai (ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là nghề làm bánh in được truyền dạy qua nhiều thế hệ trong gia đình. Và cũng ngần ấy năm, bà Hai vẫn gắn bó, thủy chung với nghề này, góp phần mang hương xuân cho các gia đình mỗi dịp tết đến.


Theo bà Trần Thị Hai (bên trái, ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức), để chiếc bánh in bảo đảm chất lượng, quan trọng nhất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và khâu nhào bột, khuấy đường

Vừa trò chuyện, bà Hai vừa nhanh tay nhào bột cho vào khuôn để ra lò những chiếc bánh in thơm ngon, kịp giao đến khách đặt hàng ngày tết.

Theo bà Hai, bánh in được làm theo mùa vụ chứ không liên tục quanh năm như những sản phẩm khác nên nhiều người đã bỏ nghề, kiếm công việc ổn định hơn. Để bánh in bảo đảm chất lượng, quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và chú ý khâu nhào bột, khuấy đường.

Ngoài ra, khâu in bánh cũng phải khéo léo để bánh in chặt, đẹp mắt nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của bột nếp. Chiếc bánh in thành phẩm bán giá 13.000 đồng. Nhân bánh thì tùy theo yêu cầu, sở thích mà khách hàng có thể lựa chọn như đậu xanh, chuối, đậu phộng, sầu riêng,… và có thể thêm chút gừng để bánh được thơm ngon hơn.

Bà Hai chia sẻ: Nghề làm bánh in là nghề gia truyền, đến thế hệ tôi không rõ là đời thứ mấy đã gắn bó. Chỉ biết trước đây, mẹ và bà ngoại tôi đều sống bằng nghề này.

Cũng chính nghề làm bánh in đã giúp tôi nuôi các con học hành đến nơi, đến chốn và có việc làm ổn định. 10 trở lại đây, dù nhu cầu làm bánh in hay các loại bánh, mứt cho đám tiệc, lễ, tết dần ít đi nhưng tôi chưa bao giờ suy nghĩ sẽ bỏ nghề.

Tôi mong tới đây, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ mở các lớp hướng dẫn, truyền dạy kinh nghiệm nghề làm bánh truyền thống, bánh dân gian để các chị em có thêm cơ hội phát triển kinh tế cũng như gìn giữ nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

Để bánh in chặt, đẹp mắt nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của bột nếp đòi hỏi người thợ làm bánh phải tỉ mỉ, khéo léo

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Đức – Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết: “Hội rất quan tâm, tạo điều kiện để nhiều hộ làm bánh, mứt có tay nghề tham gia trưng bày, bán bánh vào các dịp lễ, tết. Các dịp họp mặt, hội nghị, địa phương cũng ưu tiên đặt bánh dân gian đãi khách. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện để các hộ có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư, phát triển nghề bánh truyền thống”.

Ngày trước, các loại bánh truyền thống chủ yếu phục vụ gia đình, đãi bạn bè vào dịp lễ, tết hoặc làm quà biếu khách phương xa.

Ngày nay, thị trường đa dạng các loại bánh, mứt nhưng bánh truyền thống vẫn giữ hương vị đậm đà, đáp ứng nhu cầu của thực khách cũng như làm đẹp thêm bàn thờ tổ tiên mỗi khi tết đến, xuân về./.

Việt Hằng – Kim Phượng

Nguồn: Dulichvn.org.vn