Đàm phán mức lương là cả một nghệ thuật và bạn hoàn toàn có thể áp dụng một số kỹ thuật để đạt được mục đích ấy.
Đàm phán mức lương là cả một nghệ thuật và bạn hoàn toàn có thể áp dụng một số kỹ thuật để đạt được mục đích ấy.
Ngoài việc nghiên cứu trước và soạn thảo bài phát biểu về lý do tại sao bạn là ứng viên xứng đáng nhất, các chuyên gia cho biết việc tạo ra một kết nối cá nhân, đồng cảm với nhà tuyển dụng cũng là chiến thuật hay, theo Wall Street Journal.
Hãy coi việc thương lượng mức lương như kỳ nghỉ tuần trăng mật vui vẻ giữa bạn và nhà tuyển dụng. Bởi nếu họ đã mời bạn vào vị trí này, có nhiều khả năng họ sẽ lắng nghe yêu cầu của bạn và đáp ứng chúng.
“Bạn sẽ không đạt được những gì mình muốn nếu không chủ động yêu cầu”, Tessa White, cố vấn định hướng nghề nghiệp và là người sáng lập của The Job Doctor, cho biết.
Ảnh: Adobe Stock. |
Tìm hiểu xem giá trị chuyên ngành của bạn trước khi bước vào cuộc đàm phán
Hãy nghiên cứu xem kinh nghiệm và kỹ năng của bạn được đánh giá như thế nào trong ngành nghề bạn đang làm việc.
Đồng thời, hãy tìm hiểu xem công ty và những doanh nghiệp tương tự đang trả bao nhiêu cho nhân viên thông qua thông tin có sẵn, công khai hoặc bằng cách kết nối với nhân sự khác, kể cả người đã nghỉ việc.
Thiết lập mối quan hệ với nhà tuyển dụng
Một chiến thuật đàm phán lương hiệu quả là tạo dựng mối quan hệ cá nhân với người xem xét yêu cầu của bạn.
“Với vốn thời gian có hạn, bạn cần phát triển mức độ đồng cảm cá nhân nào đó với đối phương, để họ nhìn nhận bạn hơn là chỉ một bánh răng bé nhỏ vận hành trong bộ máy công ty. Bạn phải để họ nhân hóa mình”, Luis Rueda, cựu đặc nhiệm Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã nghỉ hưu, chia sẻ.
Theo lời khuyên của ông Rueda, bạn nên tìm hiểu kỹ về đối phương trước khi cuộc đàm phán diễn ra, chẳng hạn điều gì tạo động lực cho anh/cô ấy.
Hãy thử xem nội dung được nêu bật trong tiểu sử của họ trên website công ty hoặc hồ sơ LinkedIn. Hoặc nhớ lại cá nhân này từng đề cập điều gì ở các cuộc trò chuyện trước đây.
Vào ngày thương lượng mức lương, hãy cố gắng xác định điều gì đó trong văn phòng, hoặc ảnh nền cuộc gọi video của nhà tuyển dụng mà bạn và đối phương có thể kết nối.
“Chẳng hạn, nếu họ trưng hình ảnh một đứa trẻ cùng tuổi với con bạn, bạn có thể cùng chia sẻ”, ông Rueda nói.
Có lẽ nhà quản lý tuyển dụng thường sẽ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến một môn thể thao hoặc sở thích du lịch. Hãy suy nghĩ về cách sử dụng chúng để phát triển kết nối cá nhân.
“Bạn có thể là người thứ 15 mà họ gặp, hoặc vấn đề thứ 30 họ giải quyết ngày hôm đó. Hãy cố gắng tạo ra kết nối gần gũi hơn, rằng ‘Hãy chú ý tôi này. Tôi là một con người’”, cựu nhân viên CIA chia sẻ.
Đừng vội nhắc đến mức lương
Nếu vội vàng đề cập con số ngay mở đầu cuộc trò chuyện, bạn đang đàm phán chống lại chính mình bởi nhà tuyển dụng có thể sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn đề xuất.
“Nếu muốn tối đa hóa mức lương, một quy tắc cơ bản cần nắm rõ là đừng nhắc đến mức lương. Thay vào đó, hãy khiến bản thân trở thành một nhân viên đầy thực lực mà họ khao khát. Khi ấy, mức lương sẽ cao hơn cả đề nghị của bạn”, cố vấn White cho biết.
Nếu nhà tuyển dụng hỏi trực tiếp xem bạn muốn mức lương thế nào, hãy trả lời bằng cách hỏi ngược xem ngân sách cho vị trí đó là bao nhiêu.
Trong mọi trường hợp, hãy đợi nhà tuyển dụng đưa ra con số trước. Nếu con số thấp hơn những gì bạn mong đợi, bạn có thể đưa ra đề nghị. Nếu chưa đạt được thỏa thuận, hãy cân nhắc đàm phán tăng lương sau 6 tháng, khi bạn đã hoàn thành mục tiêu mà đôi bên thống nhất.
Ảnh: Abode Stock. |
Đừng chỉ tập trung vào mức lương khi bạn đàm phán
Nhiều người chỉ đàm phán về lương và thưởng, nhưng đó là một sai lầm. Có nhiều yếu tố khác trong công việc có thể thương lượng, và chúng có thể tạo ra sự khác biệt giữa cảm giác được và không được đền bù xứng đáng cho công sức lao động.
Chẳng hạn, bạn có thể thương lượng có thể làm việc từ xa hoặc kéo dài ngày nghỉ nhằm cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đồng thời, hãy xem xét và cân nhắc thêm những điều khoản khác được đề cập trong đàm phán.
Đề cập cùng lúc tất cả yêu cầu của bạn khi đàm phán
Đừng mắc sai lầm khi thương lượng riêng lẻ từng lợi ích. Tốt nhất, bạn nên tránh đàm phán điều khoản một cách chắp vá, theo Tiến sĩ Hamaria Crockett, huấn luyện viên nghề nghiệp tại công ty tư vấn tổ chức Korn Ferry. Rất có thể đó sẽ là thứ làm “tụt cảm xúc” nhà tuyển dụng.
Nếu bạn định yêu cầu một số điều chỉnh cùng lời đề nghị mới, hãy phân loại chúng thành mục “cứng” và “mềm”, theo các chuyên gia đàm phán tiền lương.
Phần cứng sẽ bao gồm những thứ liên quan đến tiền lương, mức thưởng và lựa chọn cổ phiếu. Khi đã đạt được thỏa thuận ở đó, hãy chuyển sang phần mềm – những yêu cầu nhẹ nhàng như thời gian nghỉ phép, sự linh hoạt trong công việc và chức vụ.
Thuyết phục nhà tuyển dụng rằng thuê bạn sẽ tốt cho công ty
Cựu nhân viên CIA Rueda cho biết tại cục, họ gọi phương pháp này là “đặt lợi ích lên hàng đầu”. Cụ thể, khi đàm phán với ai đó, bạn nên bắt đầu bằng cách giải thích những gì có lợi cho đối phương.
Bạn nên trình bày chi tiết về việc tuyển dụng bạn sẽ mang lại lợi ích cho công ty tương lai như thế nào. Ông Rueda khuyến nghị rằng bạn nên nhấn mạnh vào những lợi ích này khi bắt đầu và kết thúc bằng việc đàm phán lương.
“Bạn muốn nhà tuyển dụng hiểu được lý do bạn đáng giá”, ông nói.
Đừng phóng đại
Một phần của nghệ thuật đàm phán tiền lương là xây dựng lòng tin. Nếu bạn thổi phồng trình độ của mình, rất có khả năng nhà tuyển dụng sẽ phát hiện ra. Và điều đó chỉ gây cản trở việc tạo dựng mối quan hệ giúp đạt được những gì bạn mong muốn.
Hãy thành thật, đồng thời cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc đề cao và hạ thấp mình.
“Hãy đưa ra một quan điểm thực tế về con người bạn và kèm theo một số dẫn chứng chân thực”, ông Rueda chia sẻ.
Đừng đưa ra “tối hậu thư”
Cuối cùng, khi lời mời làm việc bằng văn bản được gửi đến song lại thiếu vài đề nghị của bạn, hãy sử dụng câu trả lời “có, nhưng mà”.
Bằng giọng điệu chuyên nghiệp và thân thiện, hãy truyền đạt lòng biết ơn của bạn về lời đề nghị làm việc. Sau đó, hãy đề cập các lý do mà công việc cần những điều khoản tốt hơn vậy.
Cụ thể, hãy trình bày những đề nghị còn thiếu sót hoặc mức lương, lợi ích điển hình mà vị trí tương tự tại công ty khác sẽ cung cấp. Đừng quên cung cấp dẫn chứng.
Không nên đề xuất giải pháp kiểu “được ăn cả, ngã về không” trong đàm phán. Mỗi điểm tiếp xúc trong cuộc thảo luận là cơ hội để bạn phát triển mối quan hệ với lãnh đạo của công ty mới.
“Một khi nhận được lời mời làm việc, bạn không còn là ứng viên, mà trở thành nhân viên công ty ở một mức độ nào đó. Và danh tiếng của bạn được xây dựng từ cuộc đàm phán ấy”, Paolo Gallo, tác giả cuốn The Compass and the Radar: The Art of Building a Rewarding Career While Remaining True to Yourself, chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn