Cuộc chạy đua với thời gian của đoàn chó husky này đã trở thành huyền thoại ở thị trấn Nome (Alaska, Mỹ).
Người dân ở Nome nói chó là bạn tốt nhất của họ. Đôi khi, chó còn là vị cứu tinh.
Tình yêu của người dân Nome với chó bắt nguồn từ năm 1925. Thị trấn nhỏ bé của Alaska phải trải qua dịch bạch hầu chết người. Để giành giật sinh mạng của những người dân nơi đây, 20 đội xe chó husky kéo đã được thành lập.
Chuyến đi thần kỳ năm đó đã được sử sách ghi chép lại. Họ gọi đó là “cuộc chạy đua vĩ đại” hay “chuyến vận chuyển huyết thanh thần kỳ”…
Quyết định dùng xe chó kéo
Vào năm 1925, bạch hầu là căn bệnh gây ám ảnh – không giống ngày nay khi đa số người dân đều được tiêm phòng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến mũi và họng. Người mắc sẽ tử vong nếu không được tiêm huyết thanh.
Tuy nhiên, Nome không có nguồn dự trữ huyết thanh. Bác sĩ ở thị trấn dự đoán tỷ lệ tử vong là 100% nếu không mang kịp huyết thanh về. Nơi gần nhất huyết thanh có thể vận chuyển bằng tàu là Nenana, cách Nome 1.085 km.
Bản đồ hành trình giao huyết thanh. Ảnh: Blendspace. |
Để vận chuyển lô huyết thanh về Nome, họ có một số lựa chọn như tàu hỏa hay máy bay. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khi đó quá khắc nghiệt. Người ta ước tính tàu hỏa sẽ phải mất một tháng để tới nơi.
Trong khi đó, thị trưởng Maynard đề xuất sử dụng máy bay. Tháng 2/1924, Carl Eielson đã thử thực hiện chuyến bay trong mùa đông ở Alaska. Lần bay xa nhất cũng chỉ được khoảng 420 km trong điều kiện thời tiết mới xuống âm 23 độ C. Cần nhớ, máy bay sẽ phải hạ cánh khẩn cấp nhiều lần.
Cả 2 phương án đường sắt lẫn hàng không đều bị bỏ qua vì người bệnh sẽ chẳng thể chờ lâu như thế. Họ quyết định chọn chó kéo xe cho nhiệm vụ lần này.
Thời gian tối đa là 6 ngày để giao lô huyết thanh đến Nome. Tình thế thực sự cấp bách bởi trong mùa đông lạnh giá ở Alaska, huyết thanh chỉ có thể bảo quản trong khoảng 6 ngày. Để tiết kiệm thời gian, họ chia ra làm nhiều nhóm để vận chuyển huyết thanh. Điểm xuất phát là Anchorage tới Nenana và đi tiếp đến Nome.
Leonhard Seppala – thành viên của mỏ vàng Hammon – được giao trọng trách này. Tay lái xe chó người Na Uy có nhiều kinh nghiệm khi từng 3 lần giành quán quân toàn Alaska về đua xe chó kéo. Seppala sẽ đi chặng áp chót, từ Shatoolik đến Golovin.
Chiến công của đàn husky
Trước khi nhận nhiệm vụ, Seppala cũng như các tay lái xe chó khác đều phải sẵn sàng tinh thần đối diện với cái lạnh mùa đông ở Alaska. Thời gian gấp rút có thể khiến họ sẽ chết cóng trên đường. Thực tế là sau hành trình thần kỳ này, các tay lái xe chó đều bị tê cóng ở tay và mặt.
Tuy nhiên, những con chó husky lại khác. Nhà nghiên cứu bệnh học thú y Kelly Credille cho biết giống Siberian Husky có rất nhiều lông thứ cấp mịn và xoắn cao so với các giống chó khác. Những sợi lông này tạo thành một lớp đặc biệt. Chúng giúp giữ không khí ấm áp bên trong cơ thể – tựa một chiếc áo khoác ngoài.
Togo trong một lần dẫn đầu đoàn kéo xe năm 1921. Ảnh: AKC. |
Mặt khác, chân loài chó này cũng được phủ lớp lông làm hạn chế sự mất nhiệt do tiếp xúc với tuyết lạnh.
Trở lại hành trình giao huyết thanh, vào 31/1/1925, đội từ Nome của Seppala đã di chuyển được khoảng 274 km đến Shatoolik. Tuy nhiên, ông chỉ còn 2 ngày để giao huyết thanh đến điểm hẹn (Golovin) trước khi chúng hết hạn. Khoảng cách từ Shatoolik đến Golovin khoảng 146 km. Dự kiến, họ sẽ gặp đội của Charlie Olsen tại đây.
Để rút ngắn thời gian, tay lái này đưa ra quyết định mạo hiểm: đi qua sông băng ở Norton Sound. Tuy nhiên, đây được biết đến là khu vực băng không ổn định và thời tiết xấu, dễ gây nguy hiểm cho người lái.
Niềm tin của Seppala đặt trọn vào Togo – con husky đầu đàn. Nó có nhiệm vụ điều hướng đoàn chó phía sau băng qua chặng đường đầy rẫy những hố nước chết người.
Theo BBC, những người Alaska có thể tin vào con chó của họ. Râu của chó cảm nhận tốt những thay đổi trong không khí. Chìa khóa nằm ở các cảm biến ở gốc râu, gọi là đệm tylotrich. Và husky sở hữu nhiều đệm tylotrich hơn những loài khác.
Đây cũng là giống chó khá thông minh do được lai tạo chọn lọc hàng thế kỷ. Những người lái xe cần con chó có thể đưa ra quyết định trong tích tắc để đưa họ vượt quãng đường băng tuyết theo cách an toàn nhất.
Tuy nhiên, dù có xuất sắc, Togo cũng không thể tránh được mọi nguy hiểm cho cả đoàn. Tờ Medium viết: “Suốt chặng đường băng qua Norton Sound, Togo và Seppala đã ‘đánh lừa thần chết’ liên tục. Tuy nhiên, cuối cùng, họ cũng bị mắc kẹt trên một tảng băng trôi”.
Seppala cùng 6 con chó của mình, Togo ở ngoài cùng bên trái. Ảnh: AKC. |
Câu chuyện sau đó đã được dựng thành phim dù gặp nhiều ý kiến tranh cãi về tính xác thực. Trong khoảnh khắc sinh tử, Seppala đã buộc Togo bằng sợi dây và ra lệnh con chó kéo cả đội vào bờ. Togo dũng cảm làm theo nhưng dây bị đứt giữa chừng. Dù vậy, bằng trí thông minh, Togo đã giật sợi dây từ mặt nước, cuốn quanh cổ và kéo cả đội đến điểm an toàn.
“Không con chó nào tốt hơn Togo. Lòng trung thành, trí thông minh và khả năng chịu đựng của nó đơn giản là không thể vượt qua”, Seppala nói.
Khoảng 15h ngày 1/2/1925, huyết thanh đã được chuyển về Golovin. Seppala, Togo cùng những con chó trong đoàn đã làm nên kỳ tích giữa nhiệt độ âm 30 độ C. Họ vượt qua hơn 270 km chỉ trong 3 ngày. Seppala giao huyết thanh cho Charlie Olsen để hoàn thành nốt chặng cuối về Nome.
Charlie Olsen tiếp tục chuyển huyết thanh về Bluff vào 19h cùng ngày. Gunnar Kaasen cùng con chó husky đầu đàn tên Balto nhận trọng trách cuối cùng: đưa huyết thanh về Nome. Họ đi mất nửa ngày và được chào đón như những anh hùng đã cứu 10.000 người dân.
Người hùng không tên
Nhiều tài liệu ghi lại chiến tích của Seppala cùng Togo. Họ nói đó mới thực sự là người hùng trong cuộc chạy đua huyết thanh này. Tuy nhiên, Kaasen và Balto lại nhận được hết vinh quang do họ là đội thực hiện chặng cuối.
Một bức tượng Balto đươc đặt tại công viên trung tâm thành phố New York (Mỹ) để vinh danh nó. Theo BBC, điều này tương đối bất công bởi Balto chỉ là con chó đã chạy chặng cuối của hành trình. Nhiều năm sau đó, một làn sóng đấu tranh đòi chiến công cho Togo đã xuất hiện và đạt được kết quả.
Câu chuyện của cả Togo lẫn Balto đều được kể lại bằng phim. Ảnh: Rover. |
Togo qua đời năm 1929 khi được 16 tuổi. Ngay hôm sau, tờ New York Times đăng bài báo với tiêu đề: “Chú chó anh hùng qua đời”. Ngày nay, Togo được biết đến là chú chó anh hùng, thông minh, bền bỉ và dũng cảm.
Walt Disney Pictures cũng tôn vinh Togo bằng bộ phim năm 2019. Bộ phim tái hiện những sự kiện có thật Togo đã trải qua trong hành trình giao huyết thanh năm 1925.
Chủ nhân của Togo qua đời năm 1967 ở tuổi 89. Trong cuốn sách chưa được xuất bản về Togo và cuộc chạy đua vĩ đại của nó, Seppala đã viết: “Tôi nhớ đến băng, bóng đêm và gió giật. Thật trớ trêu khi con người có thể tạo ra máy bay, tàu thủy. Tuy nhiên, khi Nome trên lằn ranh sinh tử, những con chó đã mang huyết thanh đến”.
Nguồn: News.zing.vn