Dân New York tiệc tùng như thể mọi ngày đều là cuối tuần

0
47

Sau nhiều tháng bức bối vì làm việc tại nhà, người dân New York (Mỹ) đang dành nhiều tiền hơn cho hoạt động ăn chơi, tiệc tùng tới bến cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Đêm cuối tuần của tháng 10, Christina Eng, Harry Pellicoro và 4 đồng nghiệp thưởng thức bữa tối gồm mì ống, cá bơn và thịt vịt tại nhà hàng Portale ở Chelsea, khu dân cư của thành phố New York.

Khi đồng hồ điểm 23h, nhóm bạn – tất cả đều làm việc trong lĩnh vực công nghệ dịch vụ – vẫn đang thưởng thức rượu vang Chianti. Không ai có ý định về nhà.

Pellicoro (28 tuổi), sống ở Kips Bay, nói với New York Post rằng anh không còn sợ những bữa tối như vậy nữa. Các cuộc tụ họp cùng đồng nghiệp đã trở nên vui vẻ và hòa đồng hơn kể từ khi mọi người hiếm khi gặp nhau ở nơi làm việc.

“Thay vì kết thúc lúc 22h30, bữa ăn kéo dài đến 23h30 hoặc nửa đêm. Làm việc ở nhà giúp tôi thoải mái hơn. Nếu có cuộc họp lúc 11h, tôi cũng không cần phải ngồi trước máy tính từ lúc 8h”.

dan new york tiec tung anh 1

Nhà hàng Kyma kín bàn vào tối thứ 2.

Ngày nào cũng là cuối tuần

Eng (28 tuổi), sống ở quận Flatiron, thường dậy lúc 7h30 để trang điểm và thay quần áo.

“Bây giờ tôi có thể ngủ và thức dậy lúc 11h, cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Nếu tình cờ gặp ai đó và muốn đi uống rượu, tôi không còn áp lực phải về nhà sớm nữa”.

Trên khắp thành phố New York, các nhà hàng, những nơi từng phải đóng cửa sớm vào mùa xuân năm ngoái vì lệnh giới nghiêm, nay đang trải qua sự bùng nổ về ăn uống vào đêm khuya.

dan new york tiec tung anh 2

Christina Eng thưởng thức đồ uống tại Isabelle’s Osteria vào buổi tối trong tuần.

Nhân viên làm việc tại nhà hoặc bán thời gian tại văn phòng đang khao khát tái hòa nhập hơn bao giờ hết. Đó là hệ quả của khoảng thời gian dài phải “chôn chân” ở nhà.

Tỷ lệ tiêm chủng cao giúp dân New York thoải mái hơn khi đi ăn ngoài. Ngoài ra, vì chưa thể đi nghỉ và đang mua những đôi giày thể thao thoải mái thay vì hàng xa xỉ của Prada và Manolo Blahniks, nhiều người cũng có thêm tiền mặt cho ăn chơi, tiệc tùng.

Joe Ragonese, tổng giám đốc của nhà hàng Kyma Flatiron, cho biết: “Có một số người tôi thường chỉ gặp vào cuối tuần, nhưng khi bắt đầu làm việc tại nhà, họ sẽ đến đây vào cả thứ 3, thứ 4.

Bây giờ, mỗi đêm đều giống như đêm thứ 6! Tôi đã phải thuê thêm phục vụ. Nhân viên làm việc các ngày trong tuần giờ gấp đôi so với trước đại dịch”.

Tiệc rượu đến nửa đêm

Khung cảnh nhộn nhịp đêm khuya không chỉ giới hạn ở trung tâm thành phố hoặc những địa điểm mới. Midtown East, nơi được biết đến với các hoạt động ban ngày, cũng đang đóng cửa muộn hơn.

Thomas Makkos, chủ sở hữu của cửa hàng Nello, cho biết: “Chỉ vài tháng trước, tôi vẫn còn ngồi không với những con thú nhồi bông. Nhưng những ngày gần đây, mọi người tràn ra đại lộ Madison. Bây giờ tôi thường phải mở cửa đến tận 1 giờ sáng”.

Vào một ngày thứ 3 tại Avra ​​Madison Estiatorio, các bàn đã kín chỗ lúc 23h. Quán bar chật ních với những phụ nữ đi giày thể thao Golden Goose, diện áo len ngắn và những người đàn ông mặc áo khoác cài cúc vừa vặn.

dan new york tiec tung anh 3

Nhân viên pha chế Luna Maria Fece và Uriel Rodriguez tại nhà hàng Avra ​​Madison vào tối thứ 2.

“Sau đại dịch, giờ cao điểm của chúng tôi là 18h nhưng bây giờ là 19h30”, Stelios Tsappas, quản lý của nhà hàng, cho biết.

“Tuần trước, chúng tôi đóng cửa lúc 23h các ngày trong tuần, nhưng bây giờ vẫn nhận đặt chỗ lúc nửa đêm”.

Thực khách hiện cũng tiêu nhiều tiền hơn cho đồ uống có cồn. Tại nhà hàng Fresco by Scotto, chủ sở hữu đã quyết định chuyển đổi không gian phục vụ ăn trưa của họ thành quầy rượu buổi tối có tên là Sunset Lounge.

“Những người mắc kẹt ở nhà cần xả hơi, vì vậy họ đang uống nhiều hơn bao giờ hết”, đồng chủ sở hữu Elaina Scotto cho biết.

Vladimir Kolotyan, chủ nhà hàng Isabelle’s and Barbounia ở quận Flatiron, nói: “Mọi người chắc chắn đang chi tiêu nhiều hơn cho rượu vang. Hóa đơn trung bình của chúng tôi đã tăng gần 20%”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn