Nhiều người lao động xứ kim chi, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi, lo lắng khi trở lại công ty đồng nghĩa với những cuộc nhậu nhẹt ép buộc sau giờ làm và mất đi thời gian riêng tư.
Trong cuộc thăm dò ý kiến 1.460 nhân viên văn phòng vào tháng 10 của cổng thông tin việc làm Saramin, 53,3% người được hỏi bày tỏ lo lắng về việc nối lại các cuộc tụ tập sau giờ làm việc, thường bao gồm uống rượu và buộc phải ở lại cho đến khi sếp cho phép về nhà, theo Chosun Ilbo.
Sự miễn cưỡng đặc biệt rõ rệt ở những người thuộc độ tuổi 20 (59,4%) và 30 (60,7%). Trong khi đó, những người ở độ tuổi 40 là 41,5% và chỉ có 26,4% nhân viên độ tuổi 50 tỏ ra ác cảm.
“Thế hệ Millennials không thích tụ tập sau giờ làm việc và giờ đang lo lắng rằng mình sẽ lại bị tước đi thời gian riêng tư. Tuy nhiên, nhóm người ở độ tuổi 40, 50 lại tin rằng sẽ rất tốt khi có thể trở lại giao lưu với đồng nghiệp sau gần 2 năm gián đoạn”, Lim Min-wook, làm việc tại Saramin, cho biết.
Ngoài ra, 68,9% số người được hỏi cũng cho biết họ lo lắng khi đất nước đang cho các hoạt động trở lại bình thường quá sớm, chủ yếu vẫn là lo ngại nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.
Nhiều nhân viên văn phòng xứ kim chi sợ phải đi nhậu với sếp sau giờ làm hậu đại dịch. Ảnh: Getty. |
Tại Hàn Quốc, tình trạng tụ tập nhậu nhẹt, ăn uống sau giờ làm còn được biết tới với tên gọi “hwaesik” (nhậu cùng đồng nghiệp). Trong xã hội vốn coi trọng thứ bậc như Hàn Quốc, việc này từ lâu đã trở thành một văn hóa, thậm chí bị biến tướng, ép nhân viên phải tham gia.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng này tạm thời biến mất khi các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà, mọi người phải giữ khoảng cách phòng Covid-19. Nhờ đó, không ít người lao động có nhiều thời gian hơn dành cho các sở thích cá nhân.
Từ ngày 1/11, các nhà hàng, quán cà phê và bar tại Hàn Quốc đã hoạt động trở lại 24/24 theo chiến dịch sống chung với Covid-19 của chính phủ. Nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đã cho phép nhân viên bắt đầu tới văn phòng trở lại sau thời gian làm việc online.
Nguồn: News.zing.vn