Đàn voi Sumatra đang sống trong điều kiện nuôi nhốt và phụ thuộc vào khách du lịch, ngay cả khi môi trường này không đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt cho chúng.
Theo Al Jazeera, hơn chục con voi Sumatra chết đói và nhân viên không được trả lương khi doanh thu bán vé giảm mạnh vì đại dịch Covid-19, khiến trại voi Bali (BEC) phải đóng cửa.
Trước đó, 14 con voi Sumatra đã được chuyển đến hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng theo chương trình bảo tồn “ủy thác các vườn thú và safari thuộc sở hữu tư nhân” do chính phủ Indonesia điều hành nhằm chăm sóc loài động vật này.
Voi Sumatra là loài động vật được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp. Ảnh: dreamstime. |
Voi Sumatra là một phân loài của voi châu Á, đang được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp vì số lượng cá thể đã giảm đến 80% trong 3 thế hệ gần nhất, tương đương với 75 năm.
Hiện nay, ước tính có 2.400-2.800 con voi Sumatra trên thế giới, trong đó còn sót lại khoảng 200 cá thể trong môi trường tự nhiên.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), nguyên nhân của sự suy giảm này là do mất môi trường sống và xung đột giữa người với voi. Đồng thời, báo cáo của WWF cho biết tỷ lệ phá rừng cao trên đảo Sumatra dẫn đến sự tuyệt chủng của loài voi ở nhiều khu vực.
Diện tích rừng rậm của hòn đảo lớn nhất Indonesia chỉ còn 473.000 km2, con số quá nhỏ để đảm bảo sự tồn tại cho loài voi Sumatra.
Những con voi ở BEC có nguồn gốc từ các trung tâm nhân giống được thành lập cách đây 30 năm nhằm ổn định số lượng cá thể voi Sumatra. Đổi lại, các doanh nghiệp được phép sử dụng những con voi này trong các dịch vụ du lịch, mang lại lợi nhuận khổng lồ trước đại dịch. Tại BEC, một chuyến cưỡi voi kéo dài 2 giờ cho hai người có phí 230 USD, theo South China Morning Post.
Dịch vụ du lịch từ voi Sumatra mang lại nguồn lợi khổng lồ cho trại voi Bali. Ảnh: ticbali. |
“Nhiều doanh nghiệp ở Bali đã phá sản do hậu quả của đại dịch Covid-19. Những đơn vị nhỏ như trại voi Bali lại càng chịu tác động nghiêm trọng. Khu du lịch ngừng hoạt động khiến họ không còn đủ khả năng trang trải chi phí, đặc biệt là chăm sóc đàn voi”, Agus Budi Santosa, giám đốc cơ quan chính phủ giám sát sức khỏe voi Sumatra đã được thuần dưỡng, tiết lộ.
Femke Den Haas, bác sĩ thú y đến thăm BEC vào tháng 5 đã chụp ảnh đàn voi gầy gò, chỉ còn da và xương.
Sau đó, 14 con voi Sumatra đã được đưa ra khỏi BEC, trong đó 3 con chuyển đến “vườn thú không xác định trên đảo Java”, và 11 cá thể còn lại đến Công viên Động vật Hoang dã Tasta ở trung tâm Bali.
Giống như trại voi Bali, Tasta cũng cung cấp dịch vụ cưỡi voi tính phí cho du khách. Nhiều tổ chức bảo tồn động vật lớn đã lên án hành động mang tính bóc lột và có thể cấu thành hành vi ngược đãi này. Đồng thời, họ cho rằng cách duy nhất để tương tác với voi Sumatra là quan sát chúng từ xa.
Những khu du lịch ở Bali không mang lại điều kiện sống tốt cho loài voi Sumatra. Ảnh: nypost. |
Tệ hơn nữa, trong một cuộc điều tra 26 địa điểm du lịch hoang dã ở Bali vào năm 2018, Tổ chức Động vật Thế giới phát hiện không một nơi nào đáp ứng “ngay cả những nhu cầu cơ bản của động vật”.
Những quần thể như voi Sumatra sống trong điều kiện nuôi nhốt vì con người đã tàn phá môi trường tự nhiên của chúng. Các loài động vật này được đưa vào điểm tham quan du lịch như một phần của nỗ lực phục hồi quần thể, ngay cả khi điều đó mang lại chất lượng sống cực kỳ thấp cho chúng, theo South China Morning Post.
Nguồn: News.zing.vn