Trong khi đàn voi Vân Nam vẫn đang đi lang thang, các nhà khoa học cảnh báo việc mất không gian sinh tồn cũng đe dọa nhiều loài động vật hoang dã khác, như hổ và chó sói.
Cuối tuần qua, một con voi đực trong đàn voi đi lang thang tại Trung Quốc đã được đưa trở lại khu bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Vân Nam.
Trong khi đó, những cá thể còn lại của đàn voi vẫn đang di chuyển, chưa rõ điểm đến cuối cùng của chúng sẽ là đâu. Cuối tuần qua, đàn voi đi qua khu vực thị trấn Ngọc Khê, phía tây nam tỉnh Vân Nam.
Đàn voi trở thành tâm điểm chú ý tại Trung Quốc hồi tháng trước. Hàng nghìn người theo dõi trực tiếp hành trình mỗi ngày của bầy voi nhờ hình ảnh gửi về từ máy bay không người lái.
Người ta lo lắng khi chứng kiến đàn voi giẫm đạp mùa màng, xông vào nhà xưởng bao nhiêu, thì lại thích thú bấy nhiêu khi đàn voi quây quần bên nhau ngủ ngay trên nền đất.
Đàn voi Vân Nam vẫn đang đi lang thang. Ảnh: SIPA. |
Dẫu vậy, cũng giống như bao hiện tượng mạng xã hội khác, sự quan tâm dành cho bầy voi cũng dần vơi đi. Ngày càng ít người nhắc đến đàn voi lang thang trên Internet.
Nhưng trong khi số phận của đàn voi dần trôi ra khỏi thảo luận thường nhật của công chúng, những vấn đề môi trường hé lộ qua hành trình bất thường của đàn voi giờ mới bắt đầu.
Đàn voi vẫn lang thang
Con voi đực mới đưa về Vân Nam tách đàn khoảng 1 tháng trước. Nó đã đi một mình suốt quãng đường hơn 190 km trước khi bị nhà chức trách bắt lại. Nhờ vào thức ăn do nhà chức trách chuẩn bị sẵn trên đường đi, con voi đã có thể trở về nhà.
Nhà chức trách cho biết con voi đực nặng 1,8 tấn đã lảng vảng gần những khu vực đông dân cư, gây ra nguy hiểm cho cuộc sống của con người. Vì vậy, họ quyết định đánh thuốc mê để đưa con voi về nơi sinh sống ban đầu sớm nhất có thể.
Các bác sĩ thú y không tìm thấy vết thương ngoài da nào trên cơ thể con voi. Sau khi được thả ra, con voi đi vào rừng và dầm mình dưới lòng sông, nhà chức trách Vân Nam cho biết.
Lúc này, đàn voi Vân Nam đang được giám sát chặt chẽ thông qua hàng chục máy bay không người lái. Nhà chức trách Trung Quốc cũng triển khai hàng trăm cảnh sát và nhân viên cứu hộ để ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Nhà chức trách dùng xe tải hạng nặng để ngăn đàn voi đi vào khu vực đông dân cư. Ảnh: AP. |
Một số chuyên gia cho rằng đàn voi rời khỏi nơi cư trú ban đầu ở Vân Nam bởi nhu cầu tìm kiếm nguồn sống tốt hơn.
Voi châu Á là loài được bảo vệ ở Trung Quốc, Nhờ các nỗ lực bảo tồn, số lượng loài voi đã tăng gấp đôi sau 40 năm, và hiện có khoảng 300 cá thể.
Nhưng trong vòng 20 năm qua, gần 40% không gian sinh tồn của loài voi ở miền nam Vân Nam đã biến mất, nhường chỗ cho các hoạt động phát triển kinh tế của con người, theo một nghiên cứu khoa học đăng tải trên tạp chí Nature tuần trước.
Cơn sốt phát triển kinh tế đã biến những diện tích rừng già rộng lớn vốn là môi trường sống của các loài động vật ở Vân Nam trở thành đồn điền trồng cao su và chè. Trong khi đó, các dự án đường cao tốc, đường sắt, thủy điện cắt đứt con đường di cư của các loài.
Tại Vân Nam, bầy voi bị cô lập trong một diện tích đất ngày càng bị thu hẹp, nhiều con buộc phải kiếm ăn trong các vùng đất canh tác nông nghiệp của con người.
Bài toán chung sống hòa bình
Việc đàn voi phải kiếm ăn trong lãnh thổ của con người làm gia tăng số vụ xung đột giữa người và voi. Trong các năm 2014-2020, chính quyền Vân Nam đã trả 26 triệu USD bồi thường do các thiệt hại mà loài voi gây ra, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.
Va chạm giữa người và voi đôi khi dẫn tới thiệt hại nhân mạng. Trong giai đoạn 2013-2019, 41 người đã thiệt mạng, 32 người khác bị thương vì voi châu Á tại Vân Nam.
Ít người biết rằng đàn voi lang thang được cả thế giới quan tâm từng khiến một người thiệt mạng mùa hè năm ngoái gần thành phố Phổ Nhĩ tại phía nam tỉnh Vân Nam.
Lúc này, nhà chức trách đang sử dụng thức ăn và chướng ngại vật để tìm cách dẫn dụ bầy voi tránh xa các khu vực đông dân cư.
Mỗi ngày, đàn voi ăn hàng tấn thực phẩm từ ngô, chuối, dứa. Trong khi đó, nhà chức trách dùng xe tải hạng nặng chặn đường không để voi đi vào các làng mạc, thị trấn.
Voi không phải loài động vật hoang dã duy nhất đối mặt nguy cơ không gian sinh tồn bị thu hẹp. Ảnh: SIPA. |
Nhưng để bảo đảm an toàn, chính quyền các địa phương vẫn sơ tán hàng nghìn người sống trên đường di chuyển của bầy voi mỗi ngày.
Về lâu dài, các nhà khoa học cho biết cách duy nhất để ngăn loài voi di cư không kiểm soát là khôi phục, mở rộng và tái kết nối các khu vực sinh sống của loài voi.
“Chúng tôi kêu gọi xây dựng một hệ thống khu bảo tồn quốc gia cho loài voi của Trung Quốc. Loài voi cần được bảo vệ, chúng ta cần tính tới tập tính kiếm ăn, đặc điểm di cư và các hoạt động khác trong từng giai đoạn của loài voi”, các nhà khoa học Trung Quốc viết trong nghiên cứu đang trên tạp chí Nature.
Xung đột trong quá trình chung sống giữa con người và các loài động vật hoang dã là vấn đề không chỉ ở Vân Nam – một trong các khu vực có sự đa dạng sinh học lớn nhất Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, các loài động vật ở nhiều khu vực khác trên cả nước cũng rơi vào cảnh mất không gian sinh tồn.
Một số loài có số lượng cá thể gia tăng trở lại nhờ các nỗ lực bảo tồn thời gian qua, như loài voi ở Vân Nam, đặc biệt dễ bị tổn thương.
Hồi tháng 4, một con hổ Siberia đi lạc vào một ngôi làng ở đông bắc Trung Quốc, tấn công người dân và một chiếc ôtô chở khách tại đây.
Tuần trước, ba con sói đã tấn công dân làng ở tỉnh Hắc Long Giang. Nhà chức trách bắn chết hai con sói, con còn lại bị bắt và đưa vào sở thú.
Nguồn: News.zing.vn