“The Matrix” (1999) ngập tràn các pha hành động ấn tượng đã đi vào lịch sử. Đặc sắc hơn cả là các pha đấu súng được sử dụng hiệu ứng đông cứng thời gian.
Cho đến nay, The Matrix vẫn là một tượng đài của điện ảnh thế giới. Phim không chỉ đưa tên tuổi bộ ba diễn viên chính Keanu Reeves, Carrie-Anne Moss và Lawrence Fishburne đến gần hơn với công chúng, nó còn đặt ra một tiêu chuẩn mới cho Hollywood về khái niệm “phim bom tấn”.
Ba phần đầu của loạt phim đã mang về cho nhà sản xuất hơn 1,6 tỷ USD từ phòng vé trên số vốn đầu tư 365 triệu USD. Về mặt nội dung, câu hỏi chọn viên thuốc đỏ hay xanh – tượng trưng cho ảo tưởng tươi đẹp và hiện thực tàn khốc – trong The Matrix đã trở thành một dấu ấn của văn hóa đại chúng thế kỷ XXI.
Cảnh né đạn đi vào lịch sử điện ảnh của Keanu Reeves. |
Ngày 22/12, hậu truyện The Matrix Resurrection – phần thứ tư của thương hiệu – sẽ chính thức phát hành. Trong phim, Neo đang sa lầy trong “hiện thực” cô độc và khốn khổ. Morpheus (Yahya Abdul-Mateen II) đột ngột xuất hiện, giúp Neo thoát khỏi nhà tù ảo ảnh đang vây hãm mình. Cuộc kháng chiến của những con người bất khuất một lần nữa bùng lên.
Cảnh giao tranh độc đáo
Bullet Time là hiệu ứng hình ảnh “đóng băng thời gian”. Nó mang lại cho người xem cảm giác mọi yếu tố xuất hiện trong cảnh phim đều bất động hoặc chuyển động rất chậm, chỉ có máy quay di chuyển vòng quanh với vận tốc bình thường, bắt trọn khoảnh khắc từ nhiều góc độ. The Matrix (1999) là bộ phim đầu tiên sử dụng hiệu ứng này.
Cảnh phim nổi tiếng nhất The Matrix sử dụng hiệu ứng Bullet Time chính là màn tránh đạn của Neo (Keanu Reeves) trong một phân đoạn đánh nhau trên nóc nhà. Nhận ra mình không kịp chạy khỏi tầm sát thương, anh đã ngả người về sau, lưng song song với mặt đất, khéo léo tránh được những viên đạn Agent Smith (Hugo Weaving) bắn ra.
Kỹ thuật này cũng được sử dụng trong cảnh Neo và Trinity (Carrie-Anne Moss) đối đầu Agent Smith. Hiệu ứng Bullet Time bắt trọn trong cảnh Trinity tung cước đá Agent Smith. Tương tự, pha đấu súng giữa Neo và Smith trong sân ga tàu điện ngầm cũng được Bullet Time “phù phép”. Trong cả hai trường hợp, hiệu ứng đều tạo ra ấn tượng các nhân vật như đang đạp không khí bay lên.
Một pha hành động sử dụng hiệu ứng Bullet Time trong The Matrix. Trinity tung người, tư thế tựa chim săn mồi, tấn công Agent Smith. |
The Matrix là bộ phim khiến khán giả không ngừng nghi ngờ thực tại. Điều các nhân vật đang trải qua là hiện thực, hay một ảo ảnh tươi đẹp được “ghi đè” nhằm che giấu thế giới thực tàn khốc? Neo, Trinity và những người cùng chí hướng đang chiến đấu để thức tỉnh khỏi ảo ảnh ấy. Hiệu ứng Bullet Time mang lại cảm giác rõ nét các nhân vật đang sống ở một thực tại ảo. Họ có thể khiến thời gian trôi chậm lại, thực hiện những việc khó tin như gập đầu gối một góc 90 độ khi đang đứng thẳng hay vừa bắn súng vừa lấy đà bay lên như phim võ hiệp…
Kỹ thuật quay phim đặc biệt
Trong bộ phim tài liệu Making ‘Matrix’ (1999), một phần quá trình đoàn phim thực hiện các cảnh hành động sử dụng hiệu ứng Bullet Time đã được hé lộ. Giám sát việc dàn dựng và thực hiện các cảnh này là chuyên gia kỹ xảo hình ảnh John Gaeta.
Trên phim trường The Matrix, John Gaeta chia sẻ về hiệu ứng Bullet Time: “Nó được tạo ra nhằm phục vụ cho việc ghi hình The Matrix. Nhưng tôi nghĩ nó cũng thể hiện sự cấp tiến của hai vị đạo diễn. Họ nắm bắt công nghệ mới, đặt ra các câu hỏi mang tính đột phá với những người có khả năng cung cấp câu trả lời xác đáng”.
Trước khi bấm máy, mô hình giả lập các cảnh phim đã được thiết kế trên máy tính. Đây là cơ sở để bố trí máy móc cũng như chỉ đạo diễn xuất sau này. “Tôi có thể ghi hình một cách chính xác cùng một hành động hàng trăm lần. Tôi có thể tua nhanh các hành động, dừng lại hoặc tua ngược. Tôi có thể xây dựng mô hình 3D của mọi chuyển động. Mọi thứ bắt đầu từ bản giả lập trên máy tính và vận hành theo thiết kế ấy”, Gaeta cho hay.
Các đoàn phim bố trí 120 chiếc máy ảnh trên phim trường và hiệu quả hình ảnh mà nó mang lại. |
Phim trường được sử dụng cho các cảnh này là một căn phòng được dán phông xanh. Bên trong, ê-kíp lắp đặt 120 máy ảnh và hai máy quay thấp dần theo hình bậc thang thành một cung tròn. Họ cần hai nhà quay phim để vận hành số thiết bị. Khi hoạt động, dàn máy sẽ bắt trọn mọi chuyển động của diễn viên, làm tư liệu cho khâu xử lý kỹ xảo hình ảnh sau này.
Trong khâu hậu kỳ, dữ liệu từ các máy quay sẽ được tổng hợp thành chuyển động hoàn chỉnh trước khi ghép vào hậu cảnh. Kết quả thu được là những gì khán giả thưởng thức trên màn ảnh. Năm 2000, The Matrix đã mang về cho John Gaeta và ê-kíp một tượng vàng Oscar cho Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.
Sau thành công của The Matrix, hiệu ứng Bullet Time đã được các nhà làm phim sử dụng rộng rãi trong nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình. Cụm từ “bullet time” John Gaeta sử dụng trong bộ phim tài liệu cũng trở thành tên gọi chính thức cho hiệu ứng đóng băng thời gian độc đáo này.
Nguồn: News.zing.vn