Những câu chuyện xung quanh “nam giới ẻo lả” hay “đàn ông nữ tính” được đem ra bàn luận cùng thời điểm với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Trung Quốc.
Feng Xiaoyi, một blogger Trung Quốc sở hữu hơn 600.000 người theo dõi, quay video để nói về những miếng đào chín đóng hộp.
Trong video, Feng mặc một bộ đồ ngủ dễ thương, đồng thời sử dụng bộ lọc làm đẹp để có làn da trắng như sứ, đôi mắt to tròn long lanh và đôi môi hồng căng mọng.
Sau đó, anh cầm một miếng đào, chia sẻ cảm nhận của mình về món hoa quả đóng hộp này bằng giọng điệu nữ tính và quyến rũ, Global Times đưa tin.
Tài khoản của Feng hiện đã bị gỡ khỏi mạng xã hội. Ảnh: Douyin. |
Tuy nhiên, một số người dùng mạng xã hội không cảm thấy ấn tượng trước gương mặt hay giọng nói như thiếu nữ của Feng. Họ gọi chàng trai là “đồ ẻo lả” và bấm nút báo cáo video.
Trước áp lực quá lớn từ dư luận, tài khoản của Feng bị xóa khỏi nền tảng vào tối 24/8.
“Cuối cùng thì tài khoản đó cũng bị chặn. Sau khi xem video ăn đào của cậu thanh niên ấy, tôi muốn đi thay nhãn cầu. Chuyện gì đang xảy ra với đàn ông hiện nay vậy?”, một tài khoản bình luận trên Weibo.
Tuy nhiên, thực tế là nhiều nam giới chỉ đang trở nên thoải mái hơn với việc thể hiện bản thân, thách thức những tiêu chí, chuẩn mực hạn hẹp về độ nam tính. Và điều đó khiến cho nhiều cá nhân, chủ yếu là những người bảo thủ, cảm thấy không thoải mái, theo Sixth Tone.
Phản đối đàn ông nữ tính
Những câu chuyện xung quanh “nam giới ẻo lả” hay “đàn ông nữ tính” hiện được đem ra bàn luận cùng thời điểm với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Trung Quốc.
Nhiều tuyên bố đến từ cả chính phủ lẫn công chúng cho rằng xứ tỷ dân đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng nam tính” ngày càng phát triển.
Từ năm 2017, giới chức cho biết tăng cường hoạt động thể chất có thể là một trong những biện pháp đầu tiên giúp ngăn chặn quá trình “nữ tính hóa” ở nam thanh niên.
Lập trường này cũng sớm được một số người nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc tán thành.
Ngô Kinh, ngôi sao của loạt phim bom tấn nội địa Chiến Lang, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng nếu con trai anh là một kẻ ẻo lả, anh sẽ “tát vào mặt nó”.
Nam diễn viên Ngô Kinh là một trong nhiều ngôi sao phản đối xu hướng nữ tính hóa đàn ông. Ảnh: Chiến Lang. |
Cui Le, một nghiên cứu sinh tại Khoa Giáo dục và Công tác xã hội của Đại học Auckland (New Zealand), người nghiên cứu các vấn đề queer trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc, cho biết: “Tôi lặng đi khi đọc được những tin tức như vậy”.
“Đây chỉ là một ví dụ khác cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc củng cố tư tưởng giới truyền thống, nhấn mạnh rằng đàn ông phải thật ‘nam tính’ và sẵn sàng hạ thấp giá trị con người của họ nếu tỏ ra mềm mại, nữ tính”, ông nói thêm.
Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, một người đàn ông lý tưởng sẽ có đủ hai phẩm chất “văn” và “võ”. Tuy nhiên, quan niệm đó dần thay đổi theo thời gian.
Trong những năm trở lại đây, những ngôi sao được mệnh danh là “tiểu thịt tươi” và các blogger làm đẹp nam đã phá vỡ quan niệm truyền thống của xứ tỷ dân về đàn ông.
Với gương mặt điển trai, vẻ ngoài được chăm chút và thân hình đẹp như tạc tượng, họ khuyến khích người hâm mộ nổi dậy chống lại khuôn mẫu nam giới.
Hiện nam giới được diện các phụ kiện như khuyên tai, dù một số vẫn bị làm xóa trên truyền hình, đồng thời không ngần ngại dùng đồ trang điểm và son môi. Song, nhiều người coi những hành động tưởng chừng vô hại này là mối đe dọa.
Sợ ảnh hưởng tương lai đất nước
Tiffany Yu, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, người nghiên cứu về giới và truyền thông ở Trung Quốc tại Đại học Bách khoa Hong Kong, cho biết nỗi ám ảnh về độ nam tính của xứ tỷ dân đã phản ánh sự lo lắng rằng thế hệ tương lai không thể bảo vệ được quốc gia.
Xu hướng “tiểu thịt tươi” trở nên mạnh mẽ hơn ở ngành giải trí Trung Quốc trong những năm gần đây. Ảnh: wantubizhi. |
Ngoài ra, một thuyết âm mưu được lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc rằng việc nữ tính hóa nam giới là phương thức mà “thế lực nước ngoài” sử dụng để làm suy yếu khả năng phòng thủ của quốc gia này.
“Trung Quốc sợ rằng nếu thần tượng của các cậu bé, chàng trai trẻ là những ‘tiểu thịt tươi’ ẻo lả, họ sẽ không thể bảo vệ quốc gia”, Yu nói với Sixth Tone.
Cùng thời điểm video của blogger Feng bị gỡ bỏ, tờ Guangming Daily đăng bài chỉ trích, đổ lỗi cho ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc vì “đã tạo ra các vấn đề xã hội”.
Bài viết phàn nàn rằng nhiều nam nghệ sĩ “trang điểm đậm, ăn mặc sexy, rất khó phân biệt họ là nam hay nữ”.
Nói về lý do khiến các cơ quan ban ngành Trung Quốc muốn giới hạn đàn ông trong khuôn khổ nam tính truyền thống, nghiên cứu sinh Cui tin rằng nó có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc.
Vào thời điểm Trung Quốc đang có mối quan hệ căng thẳng với một số quốc gia, nhiều người cho rằng quan niệm đa dạng giới sẽ “càng định hình một hệ tư tưởng phương Tây” ở xứ tỷ dân. Do đó, giới chức cần cảnh giác và phản kháng.
“Trớ trêu thay, hình ảnh đàn ông đích thực của Trung Quốc lại đồng nghĩa với nam tính bá quyền và sự bất bình đẳng giới”, Cui nói.
Nguồn: News.zing.vn