Khi cung thủ Hàn Quốc An San giành 3 huy chương vàng tại Olympic Tokyo, điều chào đón cô ở quê nhà không chỉ là những lời khen ngợi mà cũng có rất nhiều chỉ trích.
Tất cả lời lăng mạ, chỉ trích đó hướng về phía một vận động viên chiến thắng trở về nước chỉ vì cô ấy có mái tóc cắt ngắn “như con trai.
An San bị gán cho là nhà nữ quyền – một thuật ngữ nặng nề ở Hàn Quốc, thường được gắn với việc là một người ghét đàn ông.
Một người đàn ông để lại bình luận trên mạng: “Thật tốt khi cô ấy thắng huy chương vàng, nhưng mái tóc ngắn khiến cô ấy như một nhà nữ quyền. Nếu đúng như vậy, tôi rút lại sự ủng hộ của mình. Tất cả người ủng hộ nữ quyền nên chết”.
Song, khi những lời chỉ trích An San ngày càng nhiều, một chiến dịch ủng hộ cô cũng phát triển. Hàng nghìn phụ nữ trên khắp đất nước bắt đầu đăng tải hình ảnh họ với mái tóc ngắn.
Phụ nữ ở Hàn Quốc từ lâu đã phải chiến đấu với sự phân biệt giới tính và sự coi thường. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, họ đã đạt được nhiều bước tiến trên con đường đấu tranh của mình, từ chiến dịch #MeToo cho đến việc bãi bỏ lệnh cấm phá thai.
Cung thủ Hàn Quốc An San giành ba huy chương vàng Olympic tại Tokyo. Ảnh: BBC. |
Mở đầu phong trào tóc ngắn cho nữ
Han Jiyong là người phụ nữ tiên phong chiến dịch ủng hộ phụ nữ cắt tóc ngắn trên Twitter. Cô đã tạo ra nó với hashtag #women_shortcut_campaign.
Trong chia sẻ với BBC, cô ấy cho biết đã cảm thấy khó chịu khi đọc được “không phải một hoặc hai, mà là rất nhiều bình luận sai lầm về An San trên mọi cộng đồng trực tuyến chủ yếu dành cho nam giới”.
Những người chống nữ quyền này phần lớn là nam giới trẻ tuổi, nhưng cũng bao gồm cả đàn ông lớn tuổi và thậm chí một số phụ nữ.
“Kiểu tấn công này thể hiện thông điệp rằng đàn ông có thể kiểm soát cơ thể phụ nữ và phụ nữ cần phải che giấu nếu họ ủng hộ nữ quyền”, Han cho biết. “Tôi nghĩ rằng bắt đầu một chiến dịch để phụ nữ khoe mái tóc ngắn của họ và thể hiện sự ủng hộ với các nữ vận động viên Olympic sẽ có hiệu quả trong việc giải quyết cả hai vấn đề”.
Hàng chục nghìn bức ảnh được đăng tải sau đó – nhiều phụ nữ khoe ảnh trước và sau khi cắt tóc ngắn của mình. Nhiều người khác cho biết mái tóc của An San đã truyền cảm hứng cho họ đi cắt tóc.
Sự phản đối nữ quyền ở Hàn Quốc
Chiến dịch tóc ngắn diễn ra chỉ vài tuần sau một chiến dịch khác chống lại “những người ủng hộ nữ quyền”.
Cuộc tranh cãi này xoay quanh một cử chỉ tay, mà theo một số nam giới Hàn Quốc, mô phỏng ký hiệu bàn tay của nhà nữ quyền khi coi thường kích thước dương vật của họ.
Cử chỉ – gồm ngón cái và ngón trỏ chụm lại gần nhau – là logo của Megalia, cộng đồng trực tuyến của những người nữ quyền cấp tiến được nhiều người coi là chống nam giới. Nền tảng trên hiện không còn tồn tại.
Những thương hiệu bao gồm cửa hàng tiện lợi GS 25, chuỗi gà rán BBQ Genesis và Kyochon đã buộc phải gỡ bỏ các tờ quảng cáo có cử chỉ này vào đầu năm 2021 sau khi bị kêu gọi tẩy chay.
Mặc dù các công ty không bao giờ có ý định đưa ra bất kỳ tuyên bố chính trị nào, song nó đã tạo ra một “cuộc đua” giữa những người đàn ông để tìm những hình ảnh tương tự và yêu cầu xóa bỏ chúng.
Tiến sĩ Judy Han, giáo sư nghiên cứu về giới tại Đại học California, Los Angeles, cho biết: “Một số đàn ông chú ý vào hình ảnh vì họ liên kết nó với nữ quyền mà họ cho là hạ thấp phẩm giá và coi thường họ”.
Đôi khi, sự phẫn nộ của những người đàn ông lớn đến mức các công ty buộc phải xin lỗi. Song, các chuyên gia cho rằng lời xin lỗi như vậy chỉ làm cho những người đàn ông giận dữ thêm nặng nề.
Hàn Quốc đã chứng kiến số lượng ngày càng tăng các chiến dịch do phụ nữ lãnh đạo trong những năm gần đây, như chiến dịch chống lại nội dung khiêu dâm và các camera quay lén phụ nữ. Ảnh: BBC. |
“Họ chuyển sang mục tiêu tiếp theo – An San, một vận động viên Olympic trẻ tuổi dường như là hình ảnh thu nhỏ của nhiều điều họ ghét”, bà Jung Hawon, tác giả một cuốn sách về phong trào #MeToo ở Hàn Quốc, cho biết. “Cô ấy cắt tóc ngắn và học trường đại học nữ. Cô ấy sử dụng các biểu hiện mà đám đông trên mạng xác định là ‘những biểu hiện căm ghét nam giới’ dù chẳng có lý do rõ ràng”.
Tiến về phía trước
Sự tức giận của đám đông trực tuyến này – chủ yếu là những người đàn ông trẻ tuổi – phần lớn bắt nguồn từ việc họ tin rằng thành công của phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến thành công của họ.
Bà Han cho biết: “Các cộng đồng trực tuyến do nam giới thống trị dạy cho nhiều nam thanh niên rằng tất cả sự đàn áp của họ đều đến từ phụ nữ – chẳng hạn như phụ nữ sẽ cướp mất vị thế của đàn ông bằng cách thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra”.
Cạnh tranh để được vào đại học và có việc làm ở Hàn Quốc rất khốc liệt, và một số nam giới tin rằng họ đã bị thiệt thòi một cách bất công.
Ví dụ, tất cả nam giới phải trải qua 18 tháng nghĩa vụ quân sự bắt buộc mà họ cho rằng làm chậm cơ hội thăng tiến của họ. Ngoài ra, hơn chục trường đại học chỉ dành cho nữ – một số trường cung cấp các khóa học “hot” – và không có trường nào tương đương dành cho nam.
Tuy nhiên, thực tế rằng phụ nữ Hàn Quốc chỉ kiếm được bằng 63% lương của nam giới – một trong những mức chênh lệch lương cao nhất trong các quốc gia phát triển. Chỉ số trần kính của Economist, thể hiện những rào cản vô hình ngăn phụ nữ thăng tiến, cũng xếp quốc gia này là quốc gia phát triển tệ nhất dành cho phụ nữ đi làm.
Song, theo bà Jung: “Tôi nghĩ đã có sự thay đổi thực tế trong vài năm qua”.
Phụ nữ Hàn Quốc đang cố gắng vạch ra những con đường mới cho cuộc sống của họ và tiến về phía trước. Việc bất chấp áp lực xã hội – phải có ngoại hình giống một “phụ nữ” thông thường – để có quyền tự do chọn bất kỳ kiểu tóc nào mà họ cảm thấy thoải mái nhất chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đấu tranh đó.
Nguồn: News.zing.vn