Đằng sau xu hướng ngại đẻ của phụ nữ Mỹ

0
53

Dù nền kinh tế quốc gia phát triển, ngày càng nhiều phụ nữ Mỹ ở mọi tầng lớp xã hội nhận thấy trì hoãn việc có con là điều cần thiết.

ty le sinh de giam manh o My anh 1

Luz Portillo (22 tuổi), cô con gái cả trong một gia đình nhập cư Mỹ từ Mexico, có nhiều dự định riêng. Nhưng sinh con chưa từng nằm trong kế hoạch của cô, theo New York Times.

Mẹ của Portillo sinh ra cô khi bà mới 16 tuổi. Cha cô làm thợ trang trí vườn trong nhiều năm.

Hiện Portillo đang học tập để trở thành một chuyên gia chăm sóc da, đồng thời nộp đơn vào trường đào tạo y tá. Cô còn là một trợ lý y tá toàn thời gian và làm thêm nghề nối mi – một công việc kinh doanh cô muốn phát triển sau này.

“Tôi không thể mang bầu lúc này. Tôi phải có một công việc và sự nghiệp vững chắc. Nếu không, những gì cha mẹ đã làm đều trở nên vô ích”, Portillo thường tự nhủ với bản thân.

Trong thập kỷ qua, tỷ lệ sinh ở phụ nữ trên 30 tuổi không thể bù đắp được sự sụt giảm ở phụ nữ độ tuổi 20, dẫn đến giảm tổng số ca sinh và bỏ ngỏ một câu hỏi: Liệu phụ nữ trẻ đang trì hoãn hay từ bỏ hoàn toàn việc sinh con?

ty le sinh de giam manh o My anh 2

Luz Portillo chưa vội tính đến việc sinh con. Ảnh: Adriana Zehbrauskas/New York Times.

Chủ động kiểm soát khả năng sinh sản

Trong nhiều thập kỷ, tầng lớp thượng lưu, trung lưu Mỹ trì hoãn việc làm cha mẹ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, ven biển. Những phụ nữ học thức cao tạm dừng việc sinh con đẻ cái cho đến khi sự nghiệp họ đi đúng hướng, thường là cho đến đầu những năm 30 tuổi.

Nhưng trong 10 năm trở lại đây, khi ngày càng có nhiều phụ nữ thuộc mọi tầng lớp đặt giáo dục và nghề nghiệp lên hàng ưu tiên. Theo đó, việc trì hoãn sinh con đã trở thành một hình mẫu phổ biến, không chỉ ở xứ cờ hoa mà còn hầu hết mọi nơi.

Kết quả là dân số Mỹ tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 30 và có sự thay đổi sâu sắc trong vai trò làm mẹ của người Mỹ.

Kể từ năm 2007, tỷ lệ sinh của phụ nữ ở độ tuổi 20 đã giảm 28%. Nhóm tuổi duy nhất có tỷ lệ sinh tăng trong cả thời kỳ đó là phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40 – nhưng ngay cả những nhóm tuổi này cũng bắt đầu giảm sinh trong 3 năm qua.

Giáo sư Caitlin Myers – một nhà kinh tế học tại ĐH Middlebury, cho biết: “Đột nhiên, 10 năm qua xảy ra sự thay đổi to lớn này”.

Một phân tích không gian địa lý về dữ liệu của giáo sư Myers chỉ ra rằng tỷ lệ sinh giảm nhanh nhất ở những nơi có tốc độ tăng việc làm lớn nhất, tức phụ nữ có nhiều động lực hơn để tạm hoãn việc có con.

Sau hơn 20 cuộc phỏng vấn với những phụ nữ trẻ ở thành phố Phoenix và Denver, một số người cho biết họ cảm thấy không đủ khả năng tài chính để sinh con, bao gồm nhà ở, chi phí chăm sóc trẻ và đôi khi là khoản nợ sinh viên.

Nhiều người cũng muốn đặt sự nghiệp lên hàng đầu, đồng thời bày tỏ sự hài lòng rằng họ đang tự kiểm soát khả năng sinh sản và cuộc sống của mình theo cách mà mẹ họ không thể làm.

ty le sinh de giam manh o My anh 3

Eboni McFadden hài lòng với quyết định chưa vội có con của mình. Ảnh: Adriana Zehbrauskas/New York Times.

“Tôi không có con và chẳng cảm thấy tồi tệ về điều đó”, Eboni McFadden (28 tuổi), người lớn lên ở vùng nông thôn bang Missouri và hiện chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp kỹ thuật viên y tế ở thành phố Phoenix (bang Arizona), cho biết.

“Tôi cảm thấy quyền lực, mạnh mẽ khi có thể đưa ra quyết định đó bằng chính cơ thể của mình. Tôi không cần phải có con để thành công hoặc trở thành một phụ nữ đúng nghĩa”, cô nói.

Tài chính là điều kiện tiên quyết

Vài năm trước, Kara Schoenherr chuyển đến hạt Maricopa (bang Arizona) từ một thị trấn nhỏ phía nam Seattle. Cô đã kết hôn năm 2020 nhưng hai vợ chồng vẫn trì hoãn việc có con.

Mùa hè này, cô gái 27 tuổi sẽ tốt nghiệp với tư cách là một chuyên gia thẩm mỹ, làm những công việc như chăm sóc da mặt và tẩy lông. Tuy nhiên, Schoenherr muốn có một lượng khách hàng ổn định trước khi quyết định mang bầu.

“Tôi vẫn không nghĩ rằng mình có đủ mọi thứ mong muốn để đạt được thành công. Tôi muốn có nhà và một sự nghiệp trước”, cô nói với New York Times.

ty le sinh de giam manh o My anh 4

Jakeisha Ezuma không muốn con cái chịu khổ như mình đã từng. Ảnh: Stephen Speranza/New York Times.

Chi phí sinh hoạt càng làm tăng thêm sự do dự của Schoenherr. Những ngôi nhà trong khu vực cô yêu thích đều được bán chỉ sau một đêm. Giá trông giữ trẻ ban ngày khiến cô bị sốc.

Một số phụ nữ khác cho biết họ muốn xây dựng sự nghiệp để tránh rơi vào tình cảnh khó khăn như tuổi thơ.

Jakeisha Ezuma là một trong 10 anh chị em lớn lên ở khu vực South Side, thành phố Chicago (bang Illinois). Các chị gái của cô đã có vài đứa con. Hồi còn ở độ tuổi vị thành niên, Ezuma cũng từng chẳng mong muốn gì ngoài việc mang bầu.

Hiện ở tuổi 26 và sống ở thành phố Denver, Ezuma muốn trì hoãn điều đó. Cô đang học lấy bằng chuyên viên vệ sinh răng miệng. Sau khi ra trường, cô sẽ kiếm được nhiều tiền hơn công việc hiện tại là trợ lý nha khoa.

“Tôi đang cố gắng học cao hơn nữa. Tuổi thơ tôi không mấy trọn vẹn. Vì vậy, tôi cảm thấy rằng nếu mình thành công, các con tôi sẽ không phải gặp tình cảnh tương tự. Tôi sẽ phá vỡ chu kỳ thế hệ”, cô cho biết.

Bên cạnh đó, Giáo sư Myers nhận thấy sự thay đổi lớn nhất về số ca sinh là các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và những người mẹ đơn thân giảm mạnh.

Thực chất, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn suy giảm lại là một tin đáng mừng cho phụ nữ, bất chấp những lời bán tán về việc nó gây ảnh hưởng cho lực lượng lao động và mạng lưới an toàn xã hội quốc gia.

Ưu tiên học hành, công việc

Các nhà nghiên cứu không thể nói chắc liệu giáo dục có phải là nguyên nhân gây ra sự suy giảm mức sinh hay không, nhưng dường như có một số mối liên hệ.

Tỷ lệ tốt nghiệp của nữ giới hiện tăng nhanh hơn nam giới. Cụ thể, năm 2019, 1/3 phụ nữ ở độ tuổi 20 có bằng đại học, tăng so với 1/4 của năm 2007.

Vị trí của nữ giới trong lực lượng lao động cũng đã thay đổi. 44% lao động nữ làm công việc chuyên môn hoặc quản lý, so với 38% của năm 2008. Số phụ nữ là những công việc không đòi hỏi trình độ học vấn cao đã giảm xuống.

ty le sinh de giam manh o My anh 5

Hiện phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn nhiều so với những thế hệ trước. Ảnh: Endicott College.

Cùng thời điểm, nền văn hóa Mỹ tôn vinh công việc hơn. Nhiều doanh nghiệp mong đợi nhân viên sẵn sàng làm việc thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, có rất ít chính sách giúp cha mẹ kết hợp, cân bằng giữa công việc và gia đình.

Trong khi đó, việc nuôi dạy trẻ ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Phụ huynh Mỹ dành nhiều tiền và thời gian cho con cái hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây.

Đồng thời, nhiều người cảm thấy rất áp lực khi phải liên tục kèm cặp con, ghi danh cho chúng vào các lớp bồi dưỡng và dành cho chúng sự quan tâm trọn vẹn.

Đây từng chỉ là hiện tượng của tầng lớp thượng lưu. Hiện nó đang gia tăng nhanh chóng trên tất cả tầng lớp xã hội.

Một số khác muốn tránh lịch trình làm việc như thời phụ huynh của họ – những ông bố bà mẹ thuộc tầng lớp lao động bởi kém linh hoạt và không có thời gian sinh hoạt gia đình.

Kristal Wynn (36 tuổi) lớn lên ở vùng nông thôn bang Florida. Hồi 19 tuổi, bạn thân từ thời trung học của cô đã sinh 3 đứa con và Wynn không muốn điều tương tự xảy ra với mình. Cô trở thành một y tá.

Hiện ở thành phố Denver, Wynn đang trở lại trường học để lấy bằng cử nhân – một ước mơ của cô lâu nay và là điều chưa ai trong gia đình cô làm được.

Wynn vẫn muốn có con nhưng cũng “chẳng phải ngày tận thế nếu điều đó không xảy ra”. Cô ấy thích học tập, du lịch và sinh sống ở Denver.

“Tôi đang ở thời điểm mà có thể thỏa mãn bản thân bằng những thứ khác”, Wynn cho biết.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn