
Không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh trở nên ấm áp và sống động hơn khi 10 tác phẩm điêu khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh trao tặng trưng bày tại đây.
Khi nghệ thuật trở thành ngôn ngữ của lịch sử
Vừa qua, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hai chuyên đề trưng bày “Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975” và “Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ngôn ngữ điêu khắc” đã được khai mạc, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Điểm đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng là việc Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh trao tặng 10 tác phẩm điêu khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, do chính các nghệ sĩ hội viên sáng tác và tuyển chọn. Mỗi tác phẩm là một lát cắt lịch sử, một câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ điêu khắc, từ những ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trọn vẹn.
Tiến sĩ, Nhà điêu khắc Trần Thanh Nam, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Điêu khắc là nghệ thuật của không gian và thời gian nên có khả năng lưu giữ những khoảnh khắc “bất tử”, giúp người xem hình dung về những hình tượng đã thuộc về quá khứ. Chính vì thế, điêu khắc có thể trở thành chất xúc tác để người trẻ thêm yêu lịch sử, thêm tự hào về cội nguồn dân tộc”.
Một sĩ quan Quân đội chăm chú quan sát bức tượng điêu khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại Bảo tàng.
Là tác giả bức tượng “Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 19 tuổi”, Tiến sĩ, Nhà điêu khắc Trần Thanh Nam cho biết đã đặt trọn tâm huyết để khắc họa hình ảnh một người thanh niên yêu nước với ánh mắt rực sáng, như một lời hiệu triệu thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước cha ông, cống hiến cho Tổ quốc.
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề, nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ trưng bày chuyên đề, mà muốn khơi gợi tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân. Giáo dục lịch sử không thể chỉ nằm trong sách vở, mà phải đến từ trải nghiệm, từ xúc động chân thành. Những nỗ lực này không chỉ góp phần lan tỏa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn khơi gợi niềm tự hào dân tộc, vun đắp lý tưởng cách mạng và trách nhiệm công dân trong mỗi người trẻ”.
Công chúng tham quan, tìm hiểu các nội dung lịch sử được trưng bày trong chuyên đề.
Không khí bảo tàng những ngày này rộn ràng hơn thường lệ. Đông đảo học sinh, sinh viên, cựu chiến binh và du khách đã đến chiêm ngưỡng, ghi chép, chụp ảnh, lặng lẽ lắng nghe từng câu chuyện bên mỗi bức tượng Bác.
Cùng với dòng người tham quan, bạn Hồ Thị Ái My (ngụ tại Quận 8, TP Hồ Chí Minh), chăm chú dừng lại thật lâu trước bức ảnh tư liệu ghi lại khoảnh khắc chiến thắng tại Điện Biên Phủ, rồi lặng lẽ ghi chép điều gì đó vào sổ tay. Ái My chia sẻ: “Em từng học về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sách giáo khoa, nhưng khi được nhìn tận mắt các tư liệu, bản đồ tác chiến, những bức ảnh đầy cảm xúc và nhất là các tác phẩm điêu khắc chân dung Bác Hồ, em như được “chạm” vào lịch sử một cách sống động. Mỗi góc trưng bày là một lát cắt quá khứ, nhưng không hề cũ kỹ mà rất gần gũi, như một lời nhắn gửi với thế hệ trẻ chúng em hôm nay phải biết trân trọng và tiếp nối. Em tin nếu lịch sử được kể bằng nghệ thuật như thế này, nó sẽ tự nhiên đi vào tâm trí người trẻ mà không cần phải nhồi nhét hay ép buộc”.
Còn với chị Phan Thị Thu An, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 15, Quận 4, TP Hồ Chí Minh, buổi tham quan là chuyến trở về quá khứ: “Nhìn những bức ảnh tư liệu, bản đồ chiến dịch, tôi như được sống lại trong không khí hào hùng từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, tôi càng thấm thía vai trò của phụ nữ trong lịch sử, vừa là hậu phương, vừa trực tiếp chiến đấu. Đây là bài học quý để tôi kể lại cho con cháu, giúp các em hiểu rằng độc lập hôm nay được đánh đổi bằng biết bao máu xương. Các chuyên đề nên được quảng bá thêm trên mạng xã hội để người dân trong và ngoài nước có thể tiếp cận, tìm hiểu, qua đó lan tỏa tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc rộng rãi hơn nữa”.
Không gian trưng bày chuyên đề sẽ kết thúc vào ngày 12-5.
Bài và ảnh: Kiều Oanh
Nguồn: Dulichvn