Đặt phòng qua mạng, du khách khốn khổ vì ôm thêm ‘cục tức’

0
Đặt phòng qua mạng, du khách khốn khổ vì ôm thêm ‘cục tức’

Bên cạnh sự nhanh chóng, tiện lợi, các ứng dụng đặt tour, phòng trực tuyến cũng gây cho du khách nhiều rắc rối như không thỏa thuận với chủ nhà hay đến nơi thì chỗ ở “biến mất”…

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người cũng dần được cải thiện. Ngày nay, việc đi du lịch trở nên nhanh chóng, tiện lợi hơn khi chỉ cần xử lý qua bàn phím, bạn đã có ngay một chuyến trải nghiệm với đầy đủ lịch trình, nơi ăn ở. Vấn đề đặt tour, phòng ở, chỗ ăn uống, thuê xe…. trở nên dễ dàng nhờ có sự hỗ trợ của các ứng dụng du lịch. 

Tuy nhiên, việc đặt dịch vụ thông qua trung gian như vậy cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Nhiều du khách đã tá hỏa khi “đặt một đường nhưng lại nhận phòng một nẻo” hay bị yêu cầu hủy đơn từ phía khách sạn vì những lý do khó nói…

Ôm thêm “cục tức” khi đặt phòng qua trung gian

Mới đây, tài khoản Lê Minh Ngân Hồng đã chia sẻ những bức xúc về cách ứng xử của quản lý homestay Rooster (Hạ Long, Quảng Ninh) lên một diễn đàn du lịch. Qua loạt bằng chứng được công khai, quản lý khách sạn này được cho là đã có những lời lẽ không đúng đắn, thiếu tôn trọng khách đặt phòng.

Dat phong qua mang, du khach khon kho vi om them 'cuc tuc' hinh anh 1
Đoạn tin nhắn Hồng chụp lại khi nói chuyện với quản lý Rooster. Ảnh chụp màn hình.

Cụ thể, Hồng đã đặt một phòng của Rooster qua ứng dụng trực tuyến và được xác nhận thông tin. Tuy nhiên, khi liên hệ trực tiếp với homestay, cô bị quản lý yêu cầu hủy đơn đặt với lý do Rooster không còn làm việc với bên thứ ba.

Trả lời Zing.vn, Lê Minh Ngân Hồng, chủ nhân bài viết, cho biết cô rất thất vọng với cách hành xử của phía homestay Hạ Long. “Làm dịch vụ ai cũng phải biết cách tôn trọng khách hàng. Mình không đòi hỏi dịch vụ phải như khách sạn 5 sao hay đối xử với khách như thượng đế. Tuy nhiên, tôn trọng là điều tối thiểu mà người bỏ tiền ra cần nhận được. Mình đã cố nói chuyện lịch sự với bên homestay này nhưng họ lại dùng giọng bất chấp, thách thức như nhiều khách lắm nên không cần thêm”, cô chia sẻ.

Nữ khách hàng cũng tỏ ra bức xúc khi bài đăng của mình bị chủ diễn đàn xóa mất. Theo Hồng, khi được hỏi, chủ diễn đàn cho biết homestay có tên kể trên đã nhắn tin yêu cầu gỡ bài, đồng thời hứa sẽ xin lỗi nữ khách hàng. “Họ đăng bài xin lỗi lúc 5h nên mình cũng không đọc được. May có một người bạn nhìn thấy và chụp lại. Tuy nhiên, mình nghĩ họ chỉ xin lỗi cho xong chuyện”, cô chia sẻ.

Phóng viên Zing.vn cũng đã liên hệ tới homestay kể trên, quản lý cho biết: “Mình đã đọc được review trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hai bên đã giải quyết ổn thỏa”. Khi được hỏi về việc hợp tác với bên ứng dụng đặt phòng mà Lê Minh Ngân Hồng sử dụng, người này từ chối cung cấp thông tin.

Ngoài cách ứng xử “kém sang” của quản lý Rooster, nhiều người dùng cho rằng homestay này đang cố tình ép khách hàng hủy đơn với bên trung gian và đặt trực tiếp để tránh chia hoa hồng.

Lê Minh Ngân Hồng chia sẻ cô thấy may mắn khi chưa chuyển tiền. Người dùng này cho biết mình đã tìm được một homestay khác cho chuyến đi sắp tới.

“Trăm nghe không bằng một thấy”

Trước đó, nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi trót dại đặt phòng qua trung gian.

Khoảng giữa tháng 5/2018, cộng đồng mạng trong nước và quốc tế đã được phen bất bình trước sự việc một nữ du khách tên Jenny Kershaw đặt phòng khách sạn ở Việt Nam rồi bị dính “cú lừa”. 

Cụ thể, Jenny đã tìm phòng ở thông qua một trang web trực tuyến. Khi lướt qua bài quảng cáo của một khách sạn trên mạng, điều làm cô ấn tượng nhất là hồ bơi lớn trên tầng cao, có view nhìn ra thành phố. Hình dung tới khung cảnh xa hoa đó làm cô gái trẻ thích thú. Bởi vậy, Jenny đã không chần chừ chút nào khi ấn nút đặt phòng.

Dat phong qua mang, du khach khon kho vi om them 'cuc tuc' hinh anh 2
Bức ảnh “dối trá” trên quảng cáo và sự thật phũ phàng nữ du khách gặp phải. Ảnh chụp màn hình. 

Nữ du khách không hề biết rằng chính nút ấn định mệnh đó đã khiến kỳ nghỉ của cô lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Lúc đến nhận phòng, Jenny vỡ mộng khi tận mắt thấy hồ bơi ngoài đời thật chỉ bé xíu chứ không đẹp ảo diệu như quảng cáo. 

Để giải tỏa bức xúc, cô đã đăng tải bức ảnh hồ bơi “ảo” lên mạng xã hội cùng dòng caption: “Sự thật quá phũ phàng. Đây là hồ bơi ở Việt Nam mà chúng tôi đã đặt qua mạng”. 

Bài chia sẻ của Jenny ngay lập tức khiến nhiều người chú ý và tỏ ra đồng cảm. “Tôi nghĩ khách sạn này nên thưởng đậm cho người đã chụp những tấm ảnh như vậy. Nó đã đem lại cho họ quá nhiều cơ hội kinh doanh”, tài khoản có tên Mxchalla bình luận. 

“Nhìn giống cái hồ cá hơn hồ bơi” là lời nói của một cư dân mạng vui tính. “Đúng rồi, là cái hồ cá chứa đầy nước mắt của sự thất vọng đó”, một thành viên khác đồng tình. Tuy nhiên, Jenny đã không công khai tên cũng như thông tin khách sạn ở Việt Nam mà cô trót dại đặt. 

Sự việc ngay sau đó nhận được sự chú ý từ phía công ty cung cấp ứng dụng mà Jenny dùng để đặt phòng. Đại diện của họ đã liên hệ với nạn nhân, đồng thời đề nghị cô gửi các bức ảnh tới phòng chăm sóc khách hàng để giải quyết. Dù vậy, nữ du khách ngoại quốc lại tỏ ra thông cảm và không muốn làm to chuyện. Mọi thứ dần lắng xuống và phía khách sạn cũng gỡ bỏ ảnh quảng cáo hồ bơi. 

Du thuyền biến mất

Tháng 10/2018, cặp vợ chồng người Nam Phi đến Việt Nam hưởng tuần trăng mật rất bối rối khi không tìm thấy con tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) như trong hợp đồng đặt qua ứng dụng đặt phòng trung gian. Tuy nhiên, họ khá may mắn khi được chính quyền địa phương giúp đỡ.

Dat phong qua mang, du khach khon kho vi om them 'cuc tuc' hinh anh 3
Cặp vợ chồng người Nam Phi được chính quyền giúp đỡ khi trót đặt phải tour “ảo”. Ảnh: Dtinews.

Các cơ quan chức năng đã xử lý kịp thời, bố trí cho hai du khách này nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long miễn phí. Khi đó, một vị lãnh đạo đã cho biết Ban quản lý Vịnh Hạ Long cũng đưa ra nhiều biện pháp giải quyết tình trạng các đơn vị kinh doanh sử dụng hình ảnh sai sự thật. Tuy nhiên, vấn đề này còn gặp khó khăn bởi một số website mang yếu tố nước ngoài, cần có sự thống nhất của nhiều cơ quan để đưa ra giải pháp tối ưu.

“Lúc đầu, tôi nghĩ đây là ngày tồi tệ nhất. Tuy nhiên, sau đó, tôi lại thấy đó là trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi đã thấy một Hạ Long tuyệt đẹp với những con người tốt bụng và sự nhiệt tình của các cơ quan nhà nước. Cảm ơn các bạn rất nhiều”, người chồng chia sẻ.

Gần đây, một gia đình từ Hà Nội đến Hạ Long nghỉ mát cũng không thể nhận chỗ ở vì các rắc rối liên quan đến đặt phòng qua mạng. Chủ khách sạn cho biết bên trung gian không thông báo cho ông khi có khách đặt dẫn đến tình trạng nhiều người nhận một phòng trong cùng ngày.

Mất tiền vẫn không có chỗ nghỉ 

Mới đây, trên một diễn đàn du lịch, tài khoản Ngô Lan Phương chia sẻ vấn đề khi đặt khách sạn trực tuyến thông qua bên thứ 3.

Cụ thể, ngày 13/6, cô và bạn bè quyết định thuê phòng cho chuyến đi Cát Bà (Hải Phòng) trên website Hotels.com. Họ chọn khách sạn Cat Ba House Backpacker trên đường Núi Ngọc là nơi lưu trú. Quá trình diễn ra thuận lợi cho đến khi cả nhóm khởi hành chuyến đi.

Dat phong qua mang, du khach khon kho vi om them 'cuc tuc' hinh anh 4
Tài khoản Ngô Lan Phương chia sẻ câu chuyện đáng quên lên mạng xã hội khi đặt phòng trên website. Ảnh chụp màn hình.

Chia sẻ với Zing.vn, chủ bài viết nói: “Vào ngày hẹn, chúng tôi đến đúng địa chỉ và phát hiện khách sạn ở đó đã đổi tên. Chủ nơi này cho biết họ chưa nhận tiền đặt phòng của chúng tôi cũng như không hợp tác với bên đó”.

Theo người này, sau khi cố gắng liên lạc với doanh nghiệp trung gian và không nhận được hồi âm, cô và các bạn quyết định tìm phòng ở nơi khác với giá không rẻ.

“Chúng tôi đã khá chủ quan khi đặt phòng qua mạng nhưng không tìm hiểu rõ thông tin. Tôi hy vọng chia sẻ của tôi có thể giúp các du khách khác tránh khỏi phiền toái”, Phương chia sẻ. Theo đó, cả nhóm cũng đã gửi email phản ánh tình trạng trên tới bên đặt phòng.

Bài viết của cô nhận được nhiều quan tâm của các thành viên trong nhóm. Theo tài khoản Phong Nguyễn, khách sạn có thể đã đổi chủ nhưng hợp tác cũ với các website đặt phòng trung gian không được chuyển giao, dẫn đến trường hợp của Phương và nhóm bạn.

Vấn đề này không phải xảy ra lần đầu. Một số người cho biết họ từng gặp tình trạng tương tự với website Phương đã sử dụng.

“Cách đây khoảng một năm, chúng tôi đi Đà Lạt (Lâm Đồng) và đặt 3 phòng. Tổng số tiền dành cho 2 đêm là 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến nơi, khách sạn cho biết họ không liên kết với website này”, tài khoản Nguyễn Hoa viết.

Đề cập đến việc hỗ trợ khách hàng, nhiều thành viên than phiền doanh nghiệp giải quyết công việc rất chậm. Trong trường hợp của Nguyễn Hoa, người này cho hay đến nay, cô và các bạn vẫn chưa được hoàn tiền.

Trong khi đó, tài khoản Trần Nguyễn Song Toàn và Thu Huyền cho rằng trước khi giao dịch, du khách nên chủ động liên hệ đến khách sạn để tìm hiểu và xác minh.

5 mẹo du lịch vui vẻ cùng bạn thân Chuyến đi chơi cùng hội bạn thân hè này sẽ tránh được tối đa những cuộc “nội chiến” không đáng có nếu mỗi người chủ động phân công việc làm, rõ ràng các khoản chi tiêu…

Nguồn: News.zing.vn