Người Olmec là điêu khắc gia của các công trình đồ sộ nhất ở vùng Trung Mỹ cổ đại, với nền văn hoá phát triển rực rỡ ở vùng vịnh Mexico (từ khoảng 1200 đến 400 TCN). Là những thợ đá có tay nghề cao, người Olmec chạm trổ vô số đồ vật từ tượng ngọc bích nhỏ xíu đến đầu đá bazan khổng lồ, bia và ngai vàng.
Một điểm đặc thù trong nghệ thuật Olmec là ngay cả ở những tác phẩm chạm trổ nhỏ nhất cũng phản ánh ấn tượng về sự vững chắc và bất hủ. Đá Olmec và tác phẩm điêu khắc trên gốm xách tay phổ biến khắp vùng Trung Mỹ.
Tính phổ biến của các hình dạng điêu khắc này và chủ nghĩa tượng trưng tỉ mỉ của họ là dấu xác nhận tiêu chuẩn của tầm nhìn văn hoá khắp vùng Trung Mỹ lần thứ nhất. Một số nhà khảo cổ cho rằng người Olmec ở bờ biển vùng vịnh là “văn hoá mẹ” của vùng Trung Mỹ thời tiền cổ, trong khi số khác xem đây là một trong những nền văn hoá trong vùng, sớm phát triển, độc lập và phát triển rực rỡ trong giai đoạn này. Thế nhưng, tất cả đều đồng ý rằng, người Olmec đã xây dựng các công trình bằng đất và công trình đá ở quy mô lớn chưa từng thấy.
Đầu khổng lồ
Đầu tượng khổng lồ Olmec. |
Người ta đếm được khoảng 300 công trình điêu khắc đồ sộ. Đặc biệt nhất là các tượng đầu người không giá đỡ. Tượng đầu tiên được phát hiện gần di chỉ Tres Zapotes năm 1862, sau đó phát hiện thêm 16 tượng nữa. Tượng chỉ có trong các di chỉ gần bờ biển vùng vịnh – nhất là La Venta, San Loenzo và Tres Zapotes – cũng là sản phẩm đơn giản nhưng đặc thù nhất của văn hoá Olmec. Mỗi tượng mô tả một khuôn mặt người Olmec theo công thức: phái nam, tuổi từ thanh niên đến trung niên, khuôn mặt to béo, mũi tẹt và rộng, môi dày, trên mắt có gạch ngụ ý nếp quạt. Mỗi tượng đều đội một loại mũ giống như mũ sắt vừa vặn, buộc dây dưới cằm, một số tượng có đôi tai bình thường hay bị nút lại, dấu hiệu để chỉ thân thế là người ưu tú ở Trung Mỹ cổ đại. Không tượng nào có vẻ được sơn phết. Bất chấp sự câu nệ quy ước dễ thấy, có sự khác nhau đáng kể về hình dạng tổng thể, đặc điểm khuôn mặt đặc trưng và nhất là chi tiết ở khăn trùm đầu. Trong khi phần lớn sự biến dạng này phản ánh bản chất của nguyên liệu thô, các quy ước mô tả bằng hình tượng ở địa phương và kỹ năng khác nhau của thợ thủ công, nhiều nhà khảo cổ tin rằng phần đầu là bức chân dung thực sự.
Nhìn từ phía trước, tượng đầu thường có dạng hình cầu, nhưng trong thực tế nói chung tượng được tạc dẹt từ trước ra sau, với nhiều phần phía sau thường không trau chuốt. Hầu hết các đầu đá khổng lồ đều có chiều cao từ 1,47 m đến 2,85 m, mặc dù có tượng cao đến 3,4 m. Đa số tượng nặng từ 8 đến 13 tấn, nhưng người Olmec cũng nổi tiếng trong việc di chuyển các tảng đá lớn hơn từ 25 đến 50 tấn Tượng đầu lớn nhất đạt đến trọng lượng 50 tấn. Bazan, loại nguyên liệu phổ biến nhất không hề có ở các khu vực xung quanh trung tâm Olmec nơi đặt tượng. Nguồn bazan gần nhất là dãy Tuxtla, một dãy núi lửa nhỏ nằm trên rìa phía Bắc khu trung tâm Olmec. Ở đây – và nhất là quanh Cerro Cintepec ở phía Nam Tuxtla – người Olmec tìm thấy đá bazan tảng dọc theo các triền dốc phía chân đồi.
Vận chuyển và xây dựng
Người Olmec không có phương tiện có bánh xe hay súc vật kéo. Việc di chuyển các vật thể nặng này hoàn toàn sử dụng sức người. Cerro Cintepec cách San Lorenzo khoảng 60 km. Người ta thường phát hiện số lượng đầu đá nhiều nhất ở San Lorenzo, và thậm chí xa hơn, cách La Venta khoảng 100 km. Đá kéo từ con sông gần đó, sau đó dùng bè xuôi dòng hay men theo bờ biển trong các cự ly ngắn. Từ đó, người ta mới kéo tượng, có lẽ trên một đường dốc đã chuẩn bị trước, kéo về phía Nam, sau cùng kéo lên đỉnh núi, chiều cao thẳng đứng hơn 50 m.
Điều chưa rõ liệu các tượng này được vận chuyển sau khi đã trau chuốt hay ở dạng đá tảng thô. Nếu vận chuyển đá tảng thô theo đường thuỷ sẽ có nguy cơ thất bại, cũng như các khoảng trống lớn ở San Lorenzo. Các hình chạm trổ trên đá trơn hình chữ nhật, dùng dây dày để buộc rất kỹ, có nhiều người ngồi phía trên tảng đá. Các hình này có thể nói lên cách vận chuyển đá, như quan sát gần đây ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Cho dù được tiến hành ở đâu, việc tạo dáng các tảng đá bazan (hoặc andesite nhưng hiếm hơn) đều tốn nhiều tiền của, công sức. Người Olmec không hề có công cụ bằng kim loại, cũng như không được trang bị bằng công cụ đá cứng hơn bazan mà họ phải chạm trổ. Vì thế, hầu hết việc tạo dáng phải thực hiện bằng việc gõ, mài. Các xưởng bazan nằm rất gần công trường, đây là nơi cư trú của thành viên ưu tú đã được phát hiện trên đỉnh cao nguyên San Lorenzo. Điều chắc chắc là người Olmec đã tái chế các tượng đá lớn thành những vật thể nhỏ hơn. Một số đầu đá lớn có vẻ được làm từ các ngai vàng tái chế. Thực ra ngai vàng là vật thể lớn nhất, trong số các vật thể bằng đá lâu đời nhất, đồ sộ nhất do người Olmec chế tác, có niên đại trước cả đầu đá. Một trong những ngai vàng ấn tượng nhất, công trình 14 ở San Lorenzo, cao 1,8 m, dài 3,98 m, rộng 1,52 m, dễ tạc thành đầu đá.
Công năng và ý nghĩa của đầu khổng lồ
Đầu tượng đội mũ đá. |
Một vài bia Olmec có các ký hiệu giống như nét chạm, nhưng vẫn chưa giải mã. Thế nhưng, một số kết luận về việc các tác phẩm điêu khắc của họ được sử dụng ra sao và chúng có ý nghĩa như thế nào có thể rút từ nội dung và bối cảnh của tượng. Truyền thống sau này của các dân tộc Trung Mỹ đều có tư liệu lịch sử đầy đủ hơn. Mathew Stirling, một trong những người khai quật đầu tiên khu trung tâm Olmec, cho rằng đầu đá lớn là chân dung của các cá nhân kiệt xuất. Một số cho rằng đầu tượng trưng cho các chiến binh hay đấu thủ chơi banh, nhưng ngày nay đều nhất trí, đây chính là chân dung của các thủ lãnh hay người cai trị. Theo quan điểm này, phần trang sức mũ trùm đầu đá, kể cả da sống của động vật, núm tua, lông, móng, dây và gương, dùng để phân biệt cá nhân thủ lãnh với các dòng dõi cầm quyền khác. Mô tả chung về thủ lãnh cũng thường thấy ở nơi khác trong các xã hội phức hợp Trung Mỹ sau cội nguồn văn hoá của họ đã bén rễ từ thời Olmec, mặc dù truyền thống chạm trổ đầu đá khổng lồ thuộc về bờ biển vịnh Mexico.
Người ta phát hiện một số công trình có vẻ như nằm đúng vị trí nguyên thuỷ: đầu khổng lồ, ngai vàng và bia dựng lên ở các mặt bằng chung hay gần các toà nhà, điện thờ hành lễ ở La Venta. Một số công trình khác rõ ràng đã dời chỗ, có lẽ trong quá trình tái chế, hay được thay thế do đất trượt và bào mòn. Người Olmec đặt nhiều tác phẩm điêu khắc đồ sộ trong phong cảnh nhằm thể hiện câu chuyện kể, để tưởng nhớ hay tái hiện biến cố huyền bí hay lịch sử. Không nghi ngờ gì, hầu hết các đầu đá lớn đều là bộ phận của những thể hiện như thế.
Ngoài thông điệp chính trị vốn có trong chân dung các vị thủ lãnh hay nhà vua, nhiều nhà khảo cổ và nghiên cứu văn khắc đều nhất trí đầu đá khổng lồ là một bộ phận trong một truyền thống lớn hơn kết hợp, hệ thống hoá và truyền đạt đề tài của pháp sư. Nói chung, tượng đá là vật truyền dẫn sức mạnh theo thuyết linh vật. Giống như các dân tộc Trung Mỹ, người Olmec có lẽ có nhiều phép ẩn dụ đồng nhất bộ phận cơ thể với các thành phần trong vũ trụ. Chú ý vì bộ phận cơ thể là biểu trưng của tình trạng ở trung tâm, đồng nhất với bầu trời hay thiên đàng. Nhưng cho dù công năng sử dụng và ý nghĩa có chính xác hay không, thì đầu đá khổng lồ của người Olmec chắn chắn nằm trong số tác phẩm điêu khắc bằng cự thạch ấn tượng nhất trên thế giới.
(Theo sách 70 kỳ quan thế giới cổ đại)
Nguồn: Vnexpress.net