Đậu hũ “mọc lông”: nghe hơi “hãi” nhưng khiến giới sành ăn thèm chảy dãi

0
Đậu hũ “mọc lông”: nghe hơi “hãi” nhưng khiến giới sành ăn thèm chảy dãi

Tưởng đậu hũ thúi là độc đáo lắm rồi nhưng không, hãy gặp phiên bản nâng cấp của nó: đậu hũ thúi, thúi đến… mọc cả “lông”!

Trung Quốc vốn nổi tiếng với những đặc sản ngon mê ly đến kì lạ vô cùng khiến cho du khách quanh năm phải lặn lội hàng nghìn cây số chỉ để đến và nếm thử những thức ăn này. Trong đó không thể thiếu Đậu hủ thúi trứ danh của tỉnh Vân Nam, được tương truyền là thúi đến lợi hại, thúi đến… mọc mốc trắng như lớp lông tơ mềm mịn bao quanh. Tuy nghe có hơi “hãi” nhưng món này chẳng những không xua đuổi du khách mà còn trở thành món ăn có tiếng thơm (nghĩa bóng thôi) khiến người sành ăn từ khắp nơi trên thế giới tìm đến.

Đậu hũ “mọc lông” trắng muốt khiến người ta vừa “yêu” vừa “sợ”.

Theo những người sành ăn món này kể lại, một miếng đậu hủ thúi ngon phải có mùi hơi… thum thủm gay mũi. Đậu hủ nào mùi càng gay gắt càng ngon. Cũng như cơm sườn Việt Nam với lò nướng thịt ngoài trời, cách tận 3 con phố vẫn có thể nghe thấy mùi thịt thì món này cũng vậy. Được bán ở cuối đường thì đầu đường người ta đã ngửi được “hương thơm” khó mà chối từ của nó rồi. Thế nhưng cũng đừng lo, vì mùi “thum thủm” này được người ta miêu tả tựa như hương thơm của sầu riêng, những người ăn được sẽ cảm thấy cực kì thơm và béo ngậy trong khi những người không thưởng thức được sẽ không thể ngửi quá 3 giây.

Hơn thế nữa, muốn đậu hủ thêm ngon người bán thường chiên lên rồi rắc một ít muối tiêu để hòa quyện với hương thơm gắt mũi. Hương vị béo béo, bùi bùi, mặn mặn và ấm nồng tạo nên thức ăn vặt trứ danh có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước này.

Đậu hũ thúi “mọc lông” sau khi được chế biến vẫn trông hấp dẫn thế này đây!

Tuy nhiên, ở Côn Minh Vân Nam, những người lành nghề làm đậu hủ thúi được hàng chục thế hệ cha truyền con nối đến nay vẫn giữ cách chế biến đậu hủ gia truyền có thể khiến đậu hũ… “mọc lông”. Gọi là “lông” do có mấy sợi trắng lơ thơ nhưng thực ra nó cũng giống như mốc của phô mai mốc xanh vậy. Đậu hũ thúi có thể mọc mốc trong 4 ngày ủ liên tục nhưng ai ăn vào cũng phải tấm tắc khen ngợi vì quá ngon và quá… thúi!

Có lẽ do ông trời ưu ái nên khí hậu ở tỉnh Vân Nam cực kì hiền hòa và mát mẻ, cùng với thiên nhiên hữu tình tạo nên những địa điểm du lịch hấp dẫn. Không chỉ vậy, nơi đây còn thu hút những “cái bụng đói” muốn được thử “ăn lông” một lần. Chính vì khí hậu ôn hòa như vậy nên đậu hủ ở đây khi ủ cũng cho ra hương vị tuyệt đỉnh, cùng với thủ pháp gia truyền nghiêm ngặt của những người thợ lành nghề mà kỹ thuật này hiện đã đang trong quá trình xét duyệt để được công nhận là Kiệt tác Di sản tuyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại.

Kỹ thuật làm đậu hũ thúi đang trong quá trình xét duyệt để được công nhận là Kiệt tác Di sản tuyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại.

Để tạo ra được một món ăn đơn giản như vậy, người làm ra nó đã phải thực hiện tất cả quá trình bằng cách thủ công, từ nghiền đậu bằng cối đá cho đến việc ủ đậu trong khay gỗ được đặt trong một căn phòng thoáng khí không có ánh sáng chiếu vào nhiều ngày liền, mãi cho đến khi bề mặt mịn màng của đậu hủ dần mọc những sợi “lông” trắng.

Những sợi “lông” này được miêu tả mềm mịn và hơi sờn tay khi sờ vào nhưng khi bỏ vào miệng sẽ tan ra ngay lập tức. Hòa quyện với vị chua từ đám “lông” bên ngoài là vị mềm ngọt nước bên trong miếng đậu hủ, đó được xem là một “bữa đại tiệc umami” trong khoang miệng, khiến ai cũng phải thèm chảy dãi và muốn trộm học những bí kíp độc đáo này.

Tuy nhiên, với truyền thống “kín tiếng” của người châu Á thì việc người dân ở đây làm thế nào để cho ra được những miếng đậu hủ này hiện vẫn là một ẩn số. Điều này khiến cho những miếng đậu hũ “mọc lông” không thể xuất hiện ở nơi nào khác, làm càng ngày càng nhiều người tò mò và không ngừng lặn lội đến chỉ để nếm thêm một lần nữa.

Nguồn: KENH14.VN