Để làng nghề trở thành điểm sáng của công nghiệp văn hóa

0
Để làng nghề trở thành điểm sáng của công nghiệp văn hóa

VTV.vn – Sự kiện hai làng nghề của Hà Nội được công nhận ở tầm quốc tế đã mở ra cơ hội hợp tác với các trung tâm thủ công hàng đầu thế giới.

Gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là hai làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam vừa chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn cầu.

Sự kiện hai làng nghề được công nhận ở tầm quốc tế đã mở ra cơ hội hợp tác với các trung tâm thủ công hàng đầu thế giới, nhưng cũng đặt ra cho Hà Nội những thách thức để phát triển làng nghề thành một trụ cột của công nghiệp văn hóa thủ đô.

Tại khu trải nghiệm của làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, các công đoạn từ quay tơ, dêt lụa… đều hấp dẫn du khách. Thế nhưng, trên thực tế tại chính làng lụa Vạn Phúc lại không có những không gian trải nghiệm như thế này cho du khách. Đây cũng là trăn trở của các nghệ nhân khi muốn phát triển du lịch làng nghề.

Để làng nghề trở thành điểm sáng của công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Nâng cấp làng nghề thủ đô, gia nhập mạng lưới sáng tạo thế giới là một trong những mục tiêu của thành phố Hà Nội trong bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Nhưng để các làng nghề đạt tiêu chuẩn thế giới, thì những bài toán về quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, nguồn nguyên liệu, nhân lực… cần có lời giải phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng: “Với sự công nhận từ Hội đồng Thủ công Thế giới, Hà Nội có thêm một cơ hội để thúc đẩy du lịch làng nghề, đưa những không gian thủ công truyền thống trở thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình khám phá của du khách trong và ngoài nước. Điều này không chỉ giúp du lịch Hà Nội thêm đa dạng, hấp dẫn mà còn kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo ra giá trị kinh tế bền vững hơn, nhưng cũng đặt ra những đòi hỏi về cơ sở vật chất, chính sách để Hà Nội thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề một cách bài bản, chuyên nghiệp và bền vững”.

Nguồn: Vtv