Bà Martine Moise, vợ của cố Tổng thống Jovenel Moise, cho biết nhóm sát thủ cố tìm kiếm một thứ gì đó trong các tài liệu của chồng trước khi rời khỏi hiện trường ám sát.
Với một bên khuỷu tay bị dập nát, miệng đầy máu, Đệ nhất phu nhân Martine Moise gần như bất tỉnh dưới sàn nhà bên cạnh giường ngủ, khi nhóm sát thủ sục sạo quanh căn phòng.
“Thứ duy nhất tôi nhìn thấy trước khi chồng tôi bị giết là giày của nhóm sát thủ. Rồi tôi nhắm mắt, không còn nhìn thấy gì khác”, bà Martine kể trên New York Times về thời khắc Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát rạng sáng 7/7.
Theo những gì bà Martine còn nhớ, nhóm sát thủ lục tung căn phòng, tìm kiếm thứ gì đó trong các tài liệu của Tổng thống Moise. Và nhóm này cuối cùng đã tìm thấy thứ họ muốn.
Trước khi rời đi, một tên dùng đèn pin chiếu vào mắt của bà Martine, dường như để kiểm tra liệu đệ nhất phu nhân còn sống hay không.
“Họ nghĩ tôi đã chết”, bà Martine nhớ lại.
Không tin là đã bắt được chủ mưu
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên từ sau vụ ám sát, Đệ nhất phu nhân Martine nói không muốn nhớ lại đêm kinh hoàng mà suýt chút nữa cả gia đình bà đã bỏ mạng.
Nhưng đệ nhất phu nhân cho biết bà cần lên tiếng, bởi bà không tin cuộc điều tra đã mang lại câu trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất: Ai ra lệnh, và ai trả tiền cho vụ ám sát Tổng thống Moise?
Giống như nhiều người Haiti, bà Martine tin rằng có một chủ mưu khác ra chỉ thị và cung cấp tiền bạc cho kế hoạch ám sát.
Đệ nhất phu nhân Martine Moise trở về Haiti sau thời gian điều trị ở Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Đệ nhất phu nhân muốn biết chuyện gì xảy ra với hàng chục vệ sĩ vốn luôn canh gác xung quanh tư gia của gia đình. Không người nào trong nhóm vệ sĩ bị thương sau vụ ám sát, người duy nhất thiệt mạng là Tổng thống Moise.
Trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise đang ở giữa cuộc chiến với các tài phiệt giàu có kiểm soát nền kinh tế Haiti, trong đó có một gia đình tài phiệt nắm giữ ngành năng lượng nước này.
“Chỉ những gã tài phiệt và người trong hệ thống chính trị mới có thể giết được chồng tôi”, bà Martine nói.
Nhà chức trách Haiti tới nay bắt giữ hàng chục nghi phạm, trong đó có 18 lính đánh thuê người Colombia. Một số người Mỹ gốc Haiti và các cựu quan chức Haiti cũng bị bắt.
Nhưng những người chỉ trích chính phủ Haiti cho rằng không ai trong số các nghi phạm bị bắt có đủ khả năng chi trả cho một âm mưu ám sát như vậy.
Nhóm sát thủ tìm kiếm thứ gì?
Trong đêm định mệnh, hai vợ chồng Tổng thống Moise bị tiếng súng làm tỉnh giấc, bà Martine nhớ lại. Đệ nhất phu nhân sau đó đánh thức hai con, yêu cầu hai người trốn trong phòng tắm – nơi duy nhất trong nhà không có cửa sổ.
Khi đó, Tổng thống Moise gọi điện thoại tìm kiếm trợ giúp.
“Anh ấy nói là đã liên lạc được với Dimitri Herald và Jean Laguel Civil. Và họ nói là họ đang trên đường tới”, bà Martine nhớ lại. Đây là hai quan chức cấp cao phụ trách an ninh cho tổng thống.
Nhưng nhóm sát thủ rất nhanh đã vào được bên trong, dường như không hề vấp phải bất cứ kháng cự nào. Ông Moise nói với vợ nằm xuống sàn nhà để không bị thương.
Nhóm sát thủ áp sát tư dinh của Tổng thống Moise hôm 7/7. Ảnh: AFP. |
“Nằm yên dưới sàn nhà, em sẽ được an toàn”, đó là những lời cuối Tổng thống Moise nói với vợ.
Thế rồi một loạt tiếng súng xé toạc màn đêm. Bà Martine trúng đạn ở bàn tay và khuỷu tay. Người phụ nữ gục xuống sàn, tin rằng cả gia đình mình sẽ bị giết vào đêm đó.
Bà Martine cho biết nhóm sát thủ chỉ nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha. Không người nào trong nhóm sát thủ có mặt ở hiện trường nói tiếng Pháp hoặc Creole, hai ngôn ngữ chính thức ở Haiti.
Khi đang lục soát căn phòng, nhóm sát thủ trao đổi qua điện thoại với một người nào đó. Nhóm này đã tìm thấy thứ mà họ tìm kiếm trên một kệ sách, nơi Tổng thống Moise cất giữ tài liệu.
“Họ tìm kiếm thứ gì đó trong căn phòng, và họ đã tìm ra”, bà Martine nhớ lại, cho biết bà không rõ thứ mà nhóm sát thủ tìm kiếm là gì.
Dimitri Herald và Jean Laguel Civil, hai quan chức mà Tổng thống Moise gọi điện cầu cứu trước khi bị bắn chết, đã bị nhà chức trách Haiti bắt giữ.
Tài phiệt Haiti đứng sau vụ ám sát?
Đệ nhất phu nhân cho biết dù nhà chức trách đã bắt giữ một số nghi phạm, điều này không khiến bà hài lòng.
Bà Martine muốn các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài, như Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), lần theo nguồn tiền được dùng tài trợ cho âm mưu ám sát Tổng thống Moise.
Theo bà Martine, nhóm lính đánh thuê Colombia không đến Haiti để “chơi trốn tìm”, bà muốn biết ai là chủ mưu trả tiền cho những người này.
Đệ nhất phu nhân tin rằng nguồn tiền tài trợ cho vụ ám sát có liên quan tới các tài phiệt giàu có ở Haiti. Việc làm ăn của các tài phiệt bị gián đoạn sau khi Tổng thống Moise ngăn trở các hợp đồng béo bở của những người này.
Theo bà Martine, một trong các tài phiệt có thể liên quan là doanh nhân Reginald Boulos. Doanh nhân này từng có ý định chạy đua tổng thống. Bà Martine nói Boulos sẽ hưởng lợi sau cái chết của Tổng thống Moise, nhưng không trực tiếp khẳng định người này là chủ mưu vụ ám sát.
Trước đó, Boulos và các doanh nghiệp của ông này bị chính phủ Haiti khởi kiện với cáo buộc hối lộ và gian lận tài chính. Các tài khoản ngân hàng của ông Boulos bị đóng băng trước vụ ám sát.
Nhưng sau cái chết của Tổng thống Moise, các tài khoản này đã ngay lập tức được dỡ bỏ phong tỏa, bà Martine cho biết.
Một số lính đánh thuê Colombia bị bắt sau vụ ám sát. Ảnh: AFP. |
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Boulos nói ông chỉ có một tài khoản cá nhân bị đóng băng. Tài khoản này được giải phóng dựa trên phán quyết của tòa án, sau khi ông này khởi kiện chính phủ Haiti.
“Tôi tuyết đối không liên quan gì tới vụ ám sát. Tôi ủng hộ một cuộc điều tra quyết liệt, độc lập, nhằm tìm ra người đứng sau vụ việc, người chi tiền và ra lệnh ám sát”, ông Boulos nói.
Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Martine nói bà không sợ kẻ đã ra lệnh sát hại Tổng thống Moise.
“Tôi hy vọng những kẻ chủ mưu sẽ bị bắt, nếu không họ sẽ giết bất cứ tổng thống nào khác nắm quyền. Nếu làm được một lần, họ sẽ còn làm lại nhiều lần nữa”, bà Martine nói.
Bà Martine cho biết đang nghiêm túc cân nhắc khả năng chạy đua tổng thống sau khi hoàn thành các cuộc phẫu thuật.
Sau vụ ám sát, bà Martine bị thương nặng ở cánh tay. Người phụ nữ trải qua hai cuộc phẫu thuật. Bác sĩ phải cấy ghép dây thần kinh từ chân vào cánh tay của bà Martine.
“Tổng thống Jovenel có một kế hoạch rõ ràng cho đất nước, và người dân Haiti chúng tôi sẽ không để kế hoạch ấy lụi tàn”, bà Martine nói.
Nguồn: News.zing.vn