Để phát triển các tour du lịch hành trình văn hóa đá Phú Yên

0
138

Phú Yên là vùng đất mang trên mình chiều sâu văn hóa, có bề dày lịch sử. Trong đó, văn hóa đá với các danh thắng di tích, hiện vật như: Gành Đá Đĩa, chùa Đá Trắng, núi Đá Bia, đàn đá, kèn đá Tuy An… mang một giá trị đặc biệt quan trọng đối với phát triển du lịch.

Gành Đá Đĩa, biểu tượng sống động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đá và đầu tư phát triển du lịch – Ảnh: TRẦN QUỚI

Đá tự nhiên và đá do con người tác tạo 

Nói đến di sản đá tự nhiên, không thể không nhắc đến Danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm. Độc đáo là gành Đá Đĩa ở ngay bờ biển có cấu tạo kỳ lạ với vô số trụ đá đen tuyền, hình ngũ giác đều đặn xếp chồng lên nhau, xa trông như một tổ ong, lại gần giống như những chiếc đĩa, nửa chìm nửa nổi bên biển. Đây là danh thắng quốc gia độc nhất vô nhị ở Việt Nam, trên thế giới cũng chỉ có gành Đá Đĩa Giant’s Causeway tại Ireland. 

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng) cũng liên quan đến văn hóa đá. Sở dĩ chùa Từ Quang còn có tên tục chùa Đá Trắng là bởi ngôi chùa tọa lạc trên ngọn núi có nhiều đá trắng (Bạch Thạch Sơn). Ngoài kiến trúc đẹp, cổ kính, tôn nghiêm, xung quanh chùa Đá Trắng còn có bờ thành bằng đá xếp tạo một khuôn viên khép kín. Con đường từ quốc lộ 1 dẫn lên chùa cũng là con đường lát đá dài gần 500m. Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Phú Yên, tác giả công trình nghiên cứu khoa học Di sản văn hóa đá Phú Yên, đây là con đường đá cổ còn nguyên vẹn nhất ở Phú Yên hiện nay. Đường đá cổ này vừa có giá trị thẩm mỹ, góp phần tạo nên nét đặc sắc của một ngôi cổ tự, vừa là di sản văn hóa kết tinh bằng công sức của các tăng ni, phật tử gần xa. 

Đá còn hiện diện trong cuộc sống của rất nhiều vùng quê Tuy An. Hiện nay, ở nhiều địa phương như An Thọ, An Lĩnh, An Ninh Đông, An Hiệp, An Thạch… vẫn còn nhiều con đường đá, giếng đá, hàng rào đá, mộ đá, nhà kho bằng đá, đá xếp thành chồng mà không dùng chất liệu kết dính. 

Ngược vào phía nam, núi Đá Bia cũng là biểu tượng của vùng đất trấn biên ngày xưa. Núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi Lingaparvata (đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Shiva trong tín ngưỡng của người Chăm). Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết. Đặc biệt là sự kiện năm 1471, tương truyền vua Lê Thánh Tông trong hành trình mở mang bờ cõi về phía nam, khi đến núi này, vua đã cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi. Từ đó núi có tên là núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn. Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện hình tượng dãy núi Đại Lãnh (có núi Đá Bia) vào Tuyên Đỉnh đặt tại Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế. Năm 2008, núi Đá Bia được Bộ VH-TT-DL công nhận thắng cảnh cấp quốc gia. 

Đỉnh cao về sự sáng tạo của người xưa với đá và trở thành di sản văn hóa đá độc đáo chính là cặp kèn đá và bộ đàn đá, có niên đại cách đây khoảng 3.000-2.500 năm. Theo GS-TS Trần Quang Hải (con trai của GS Trần Văn Khê), đàn đá và kèn đá Tuy An là hai nhạc cụ cổ được xem là báu vật. Đàn đá và kèn đá Tuy An xứng đáng được tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại. 

Xây dựng tour du lịch văn hóa đá  

Để di sản văn hóa đá trở thành sản phẩm du lịch, trước hết cần phải bảo tồn, tôn vinh và đầu tư phát triển nó. Thực tế cho thấy, những di sản văn hóa đá như gành Đá Đĩa, chùa Đá Trắng, kèn đá, đàn đá Tuy An bản thân nó đã rất độc đáo, đặc biệt và đã được công nhận, tôn vinh. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ. Để mọi người hiểu được, biết đến hình ảnh, giá trị của các di sản một cách sâu sắc, rộng khắp cần có sự đầu tư tương xứng cho công tác tôn tạo, giữ gìn và quảng bá. 

Trong một lần tham quan Phú Yên với di sản văn hóa đá, nhà báo Nguyễn Đại Bàng, Tổng Biên tập Báo Du lịch đặt vấn đề, ngoài phát triển du lịch sinh thái với “thương hiệu” xứ sở hoa vàng cỏ xanh, Phú Yên nên đầu tư phát triển các tour du lịch hành trình văn hóa đá, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng. Đây là một ý hay và từ lâu đã được nhiều người quan tâm đến du lịch Phú Yên hiến kế. Chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế được các tour du lịch chuyên đề về văn hóa đá một cách phong phú, độc đáo mà không nhàm chán với du khách. Khách sẽ tham quan chùa Đá Trắng trên núi Bạch Thạch và tiếp tục hành trình qua khu mộ cổ trên núi A Mang, tham quan những ngôi làng có nhiều hàng rào đá, giếng đá, nhà đá, mộ đá ở dọc các xã An Ninh Tây, An Ninh Đông trước khi mở rộng tầm mắt trước thắng cảnh thiên nhiên độc đáo gành Đá Đĩa. Khách sẽ tiếp tục chiêm ngưỡng, chinh phục đỉnh Đá Bia gắn với cụm di tích, danh thắng Bãi Môn – Mũi Điện, Tàu Không số – Vũng Rô… Sau khi tham quan du khách sẽ được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật đàn đá, kèn đá Tuy An… Và du khách sẽ rất thích thú nếu như mua được quà lưu niệm được chế tác từ đá thành những mô hình chiếc kèn đá, đàn đá hay tuyệt vời hơn là một mô hình gành Đá Đĩa thu nhỏ… 

Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của cặp kèn đá và bộ đàn đá Tuy An chính là tôn vinh tiền nhân, tôn vinh cội nguồn, coi trọng nghệ thuật của cộng đồng đa dân tộc, tạo sự thống nhất trong đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam. “Trên con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung Việt Nam, cặp kèn đá và bộ đàn đá Tuy An là một trong những điểm nhấn độc đáo. Hai di sản này là báu vật quốc gia, là nguồn tài nguyên đặc biệt không thể tái sinh, không thể thay thế, cần bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt để phát triển du lịch”, ThS Nguyễn Hoài Sơn nói.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn