Theo các chuyên gia y tế, dù xét nghiệm vẫn là việc cần thiết, doanh nghiệp có thể chủ động thay đổi phương pháp thực hiện để giảm áp lực về chi phí.
Thời gian qua, các doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố đã được yêu cầu triển khai “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất và hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, chiến lược này đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi chi phí xét nghiệm cao. Một số đại diện doanh nghiệp thậm chí chia sẻ nếu tiếp tục như hiện nay, công ty của họ sẽ khó có thể trụ vững.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng trong tình hình dịch hiện nay, khi vaccine chưa thể bao phủ toàn dân, việc làm này vẫn cần thiết để chúng ta kiểm soát các mối nguy cơ tiềm ẩn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể chủ động thay đổi phương pháp thực hiện để giảm áp lực về chi phí.
Chưa bỏ được xét nghiệm
Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng việc xét nghiệm tại các khu công nghiệp, công ty hiện nay vẫn là biện pháp quan trọng để phát hiện SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) trong giai đoạn dịch bùng phát. Ảnh: Duy Hiệu. |
Vị chuyên gia này nhận định: “Chỉ khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 giảm, Việt Nam bao phủ được 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân, các doanh nghiệp với có thể dừng ‘3 tại chỗ’, thay thế xét nghiệm liên tục như hiện nay bằng xét nghiệm ngẫu nhiên”.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh các doanh nghiệp phải luôn đề phòng, tổ chức xét nghiệm chủ động cho những trường hợp có yếu tố nguy cơ như ho, sốt…, hay nhóm được giao nhiệm vụ phải thường xuyên giao lưu với cộng đồng bên ngoài.
“Các doanh nghiệp có thể không cần xét nghiệm cho toàn bộ nhân sự. Thay vào đó, chúng ta chủ động tổ chức lấy mẫu đơn xét nghiệm cho người có yếu tố nguy cơ. Những người còn lại, không ra ngoài, có thể cho lấy mẫu gộp hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên. Cách làm này có thể giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng kiệt quệ do chi phí xét nghiệm”, ông gợi ý.
Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang phải chờ bao phủ vaccine cho toàn dân, xét nghiệm Covid-19 vẫn là biện pháp bắt buộc đối với các doanh nghiệp để duy trì sản xuất.
“Trước mắt, chúng ta chưa thể bỏ được biện pháp này. Việc xét nghiệm chỉ có thể được lược bớt khi trên 80% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19”, ông Hùng nói.
Thay đổi phương pháp để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo PGS Nguyễn Việt Hùng, trong thời gian tới, Việt Nam có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp test nhanh kháng nguyên Covid-19 thay vì chỉ sử dụng phương pháp rRT-PCR. Nguyên nhân là test nhanh phần nào cũng giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả, tránh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, vận chuyển.
“Phương pháp xét nghiệm rRT-PCR thường được sử dụng để chẩn đoán xác định một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người nhiễm nCoV biến chủng Delta thường có nồng độ virus cao trong mẫu bệnh phẩm tỵ hầu. Do đó, chúng ta có thể sử dụng test nhanh kháng nguyên gộp 3-5 mẫu, vừa giúp phát hiện sớm ca nhiễm lại giảm chi phí cho doanh nghiệp”, PGS Hùng giải thích.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một công nhân của Công ty PouYuen (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu. |
Với test nhanh, vị chuyên gia này cho rằng Bộ Y tế có thể xem xét phương án cho các doanh nghiệp tổ chức tự xét nghiệm.
“Tất nhiên, doanh nghiệp tự xét nghiệm phải có sự hướng dẫn, chịu trách nhiệm bởi một cơ sở y tế nhất định nhằm kiểm soát kỹ thuật, đảm bảo hồ sơ, giấy tờ, chứng thực việc test nhanh trên thực tế. Công tác test nhanh của doanh nghiệp cũng cần có sự quản lý của cơ sở y tế địa phương”, ông nói thêm.
Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng nhấn mạnh khi để doanh nghiệp tổ chức tự xét nghiệm bằng test nhanh, chúng ta cũng phải đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ của bộ kit, loại kit đã được Bộ Y tế cấp phép hay chưa…
“Tại các doanh nghiệp lớn thường có bộ phận y tế của cơ quan. Những người làm việc tại đây có đủ chuyên môn để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, giám sát việc thực hiện đúng cam kết của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quy trình xét nghiệm, kỹ thuật lấy mẫu…”, PGS Hùng cho hay.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng đồng ý với phương án cho doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm. Ông cho rằng những cơ sở sản xuất hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện và sẽ chủ động tìm tới y tế khi phát hiện ca nhiễm.
Tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, mới đây cũng cho biết trong quá trình bàn bạc, chuẩn bị cho những kế hoạch sau ngày 30/9, thành phố sẽ xem xét, tính toán để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xét nghiệm.
Nguồn: News.zing.vn