Trước đề xuất của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Khu thương mại tự do ở Hải Phòng, cơ quan thẩm tra đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị về việc này.
Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ tư để cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, trong đó có Hải Phòng.
Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tính cần thiết khi Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương lớn thứ 3 cả nước và là một cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Khu thương mại tự do được áp dụng chính sách đặc biệt
Trong dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Chính phủ đề xuất phát triển Khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập.
Khu thương mại tự do được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá, có mô hình quản lý được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển của khu thương mại tự do được quy định tại nghị quyết.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Ảnh: Quốc hội. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa đề cập đến khái niệm này.
“Nhưng qua nghiên cứu một số khu thương mại tự do thành công trên thế giới, việc hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu”, ông Dũng nói và dẫn chứng sự phát triển mạnh mẽ của các khu thương mại tự do ở UAE, Singapore và Trung Quốc.
Do vậy, trong dự thảo nghị quyết, Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, mô hình quản lý phù hợp đối với Khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị
Thẩm tra đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng nhấn mạnh Khu thương mại tự do là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định.
Theo ông, việc quy định hình thành khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
“Việc thành lập khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật, có tác động và phạm vi ảnh hưởng rộng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định”, đại diện cơ quan thẩm tra nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quốc hội. |
Để bảo đảm tính khả thi, thuyết phục, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ lưu ý, đối chiếu với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt mà Chính phủ đã trình Quốc hội năm 2018.
Qua so sánh, cơ quan thẩm tra cho rằng có nhiều điểm tương đồng về dự kiến đề xuất chính sách (đất đai, mô hình tổ chức, cơ chế tài chính) và tại thời điểm đó nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri đã đề nghị tạm dừng việc thông qua dự án luật. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với TP Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng đề án, có đề xuất nhằm bảo đảm tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách. Trên cơ sở hoàn thiện đề án, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Căn cứ ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cân nhắc đề xuất nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng vì đây là vấn đề quan trọng. Theo bà, chưa nên quy định nội dung này trong cơ chế đặc thù, mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xin ý kiến Bộ Chính trị.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng ủng hộ quan điểm cần báo cáo trình Bộ Chính trị nội dung này. Nếu Bộ Chính trị đồng ý, có ý kiến thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và trình ra Quốc hội. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá quy định như dự thảo nghị quyết là chưa ổn. Ông cảnh báo nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín quốc gia
Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần cân nhắc và nên trình Bộ Chính trị với một số định hướng lớn như nghiên cứu tiền khả thi để Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương. Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội vào thời gian phù hợp.
Nguồn: News.zing.vn