Rằm tháng 8 không rực rỡ nhưng những chiếc đèn lồng tự chế bằng lon nước hay bánh Trung thu được chú bộ đội gửi tặng đã để lại những kỷ niệm khó quên với người dân TP.HCM.
Vừa được phép mở bán vài hôm, vợ chồng chị Nhi tất bật với công việc tại quán chè. Ngoài trả đơn cho khách, anh chị còn chuẩn bị hàng trăm suất chè gửi tặng y bác sĩ tại các bệnh viện và chiến sĩ trực chốt. Lu bu từ sáng sớm, chị Nhi bảo chẳng còn thời gian để chuẩn bị cho đêm rằm.
“Trung Thu năm nay thật khác lạ, có quá nhiều cảm xúc”, người phụ nữ nói.
Món quà bất ngờ của chú bộ đội
Buổi chiều, sau khi công việc vơi dần, chị Nhi mới có thời gian nghĩ đến đêm Trung. May mắn gửi mua được lồng đèn cho 2 cậu con trai, người phụ nữ làm thêm những chiếc lồng đèn bằng giấy A4 để không gian thêm phần lung linh.
18h, thành phố bắt đầu hạn chế đi lại, các ngã đường chìm vào tĩnh lặng. Gia đình chị Nhi quây quần thắp nến vào những chiếc đèn. Không rực rỡ và rộn ràng như những năm trước nhưng ánh nến phần nào mang lại không khí Trung thu.
“Chúng ta đều sẽ phải thích nghi với từng hoàn cảnh. Với trẻ con, được ở cùng cha mẹ đã là niềm hạnh phúc”, chị Nhi cười khi các con hào hứng với chiếc đèn giấy. Trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, thấy con trẻ khỏe mạnh là hạnh phúc với người làm mẹ như chị.
Sau một ngày tất bật buôn bán và gửi tặng các phần quà cho cán bộ chống dịch, gia đình chị Nhi có buổi tối ấm áp bên nhau. Ảnh: Lương Nhi. |
Thắp đèn xong, cả nhà cùng vào phá cổ. Không có điều kiện đi mua bánh Trung thu, họ quây quần bên mấy quả trứng vừa đặt mua lúc chiều và vài lon nước ngọt.
Đang ngồi trò chuyện say mê, cậu con trai chạy đến vỗ vai mẹ. Quay lại, chị Nhi bất ngờ thấy chú bộ đội đứng phía sau, tay cầm túi bánh Trung thu.
“Tụi em gửi cả nhà. Chúc cả nhà Trung thu vui vẻ!”, chú bộ đội nói. Chồng chị Nhi nhanh chân chạy vào trong lấy máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này.
Chị Nhi cho biết chú bộ đội này làm việc tại chốt kiểm dịch gần nhà. Thời gian gần đây, gia đình chị thường xuyên gửi các phần ăn đến chốt để hỗ trợ chiến sĩ. “Hôm thì chè, hôm thì khoai mì, có trái cây thì gọt rồi gửi… sống tình thương mến thương với nhau lắm”, người phụ nữ kể.
Món quà bất ngờ từ chú bộ đội đã giúp đêm rằm tháng 8 của gia đình chị Nhi trọn vẹn hơn. Người phụ nữ cho biết các thành viên trong nhà chưa từng trải qua mùa Trung thu nào lặng lẽ như năm nay. Những ngày giãn cách khiến mọi người trân trọng hơn những lúc được ở cạnh nhau.
Món quà bất ngờ của chú bộ đội giúp đêm Trung Thu thêm trọn vẹn. Ảnh: Lương Nhi. |
Cách đó không xa, trong con hẻm nhỏ đường Lê Văn Sỹ (quận 3), những đứa trẻ đang lấp ló nhìn ra ngoài trời. Chúng đang háo hức đợi mưa tạnh để được ra sân, thắp sáng chiếc đèn lồng tự chế từ lon nước.
Mừa vừa dứt, lũ trẻ ùa ra sân. Chiếc đèn với những đường cắt vội, không lung linh như đèn mua ngoài tiệm nhưng mang đến niềm vui rất chân phương. Lúc sau, từ trong nhà, một người phụ nữ quấn mền đóng giả chị Hằng chạy ra. Tiếng cười nói của mọi người vang một góc sân.
Trung thu của những người xa nhà
Không khí Trung thu cũng hiện diện ở những nơi đặc biệt như bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa và chốt trực. Những y bác sĩ, cán bộ vũ trang ở đó nhiều tháng liền chưa về nhà.
Trắng đêm ở chốt trực đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), chiến sĩ công an Trọng Nhân cho biết đã xa nhà, tham gia công tác chống dịch hơn 3 tháng. Đêm Trung Thu, anh dành ít phút để gọi điện hỏi thăm gia đình.
Nghe giọng người mẹ rưng rưng nhắn nhủ giữ gìn sức khỏe, Nhân mỉm cười: “Bố mẹ yên tâm! Con sẽ khỏe mạnh trở về”.
Hơn 3 tháng qua, các tình nguyện viên gắn bó với nhau như một gia đình. Ảnh: Quỳnh Mai. |
Cũng tham gia hỗ trợ lực lượng y tế từ những ngày đầu giãn cách, nhiều tháng qua, Quỳnh Mai hạn chế tiếp xúc với người thân. Không thể đón Trung thu bên gia đình, Mai và các thành viên trong đội tình nguyện quận Tân Bình tự tổ chức đêm trăng nhiều kỷ niệm.
Vài chiếc lồng đèn, một ít bánh và trà, các thành viên trong đội quây quần bên nhau sau một thời gian dài bận rộn với công việc. Giữa cuộc chiến với Covid-19, từ lâu, họ đã xem nhau như một gia đình.
“Chỉ mong những người con xa nhà, đặc biệt là tuyến đầu và những bệnh nhân đang chiến đấu với dịch bệnh sẽ sớm bình an để trở về nhà”, Quỳnh Mai nói.
Cô cũng kể những ngày đầu tham gia vào đội tình nguyện viên, mỗi thành viên đều tự trồng 1 cây xanh trong lọ thủy tinh, bên ngoài viết tên của mình. Họ bảo với nhau đó là cây hy vọng, khi nào nhìn thấy cây xanh tốt là biết sắp hoàn thành nhiệm vụ và được trở về nhà.
Ngày Trung thu, nhìn những lọ cây tươi tốt và các con số thống kê có dấu hiệu khả quan hơn, ai nấy đều hy vọng về ngày bình thường mới.
Nguồn: News.zing.vn