Đó là con số quan trọng trong dự thảo “Đề án phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” được trình bày tại cuộc họp bàn về đề án du lịch do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh chủ trì, sáng ngày 16/8.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Ngành tham mưu cần cụ thể hơn trong các nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện với phương châm quan trọng là: “làm cái gì? làm như thế nào? ai làm?”
Theo thuyết minh dự thảo đề án, tổng nhu cầu nguồn lực trên được đầu tư theo 2 giai đoạn: giai đoạn 2018 – 2020 cần khoảng 3.784 tỷ đồng; giai đoạn 2021 – 2030 cần khoảng 7.096 tỷ đồng. Trên tổng thể, nguồn lực được bố trí vào các nội dung: đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật; đầu tư hạ tầng; kinh phí đào tạo nguồn nhân lực; kinh phí xúc tiến, quảng bá.
Đề án cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút khoảng 50 ngàn lượt khách quốc tế và 1,5 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 sẽ thu hút lần lượt 150 ngàn và trên 2,6 triệu lượt khách quốc tế, nội địa. Doanh thu du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 2.400 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt khoảng 7.770 tỷ đồng.
Theo định hướng trong dự thảo đề án, từ 2018 đến 2030, Hà Tĩnh sẽ phát triển 13 tuyến du lịch, gồm: 5 tuyến nội tỉnh; 2 tuyến liên tỉnh; 6 tuyến du lịch quốc tế (Hà Tĩnh – Lak Sao – Viêng Chăn (Lào) – Đông Bắc Thái Lan và ngược lại, Hà Tĩnh – Cha Lo – Lào – Thái Lan và ngược lại, Hà Tĩnh – Nội Bài – Singapore – Malaysia và ngược lại, Hà Tĩnh – Nội Bài – Nhật Bản và ngược lại, Hà Tĩnh – Nội Bài – Hàn Quốc và ngược lại, Hà Tĩnh – Nội Bài – Campuchia).
Đối với sản phẩm du lịch, đề án xác định, Hà Tĩnh sẽ phát triển các sản phẩm: du lịch văn hoá, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch biên giới và du lịch kèm theo các sự kiện; khai thác phát triển sản phẩm du lịch phải gắn với tiềm năng của từng địa phương; mỗi huyện xác định 1 – 2 sản phẩm du lịch chủ lực để xây dựng thương hiệu du lịch cho địa phương mình.
Với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, tại cuộc họp, đề án đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành; trước đó đã có 18 ý kiến góp ý cho dự thảo trước khi trình cuộc họp.
Tại cuộc họp đã có những ý kiến rất thẳng thắn, trao đổi về những hạn chế của du lịch Hà Tĩnh và cho rằng, Hà Tĩnh là tỉnh phát triển du lịch kém nhất các tỉnh Bắc Trung bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị Sở VHTTDL Hà Tĩnh tiếp thu nghiêm túc các ý kiến tại cuộc họp để điều chỉnh, bổ sung đề án. Điều quan trọng nhất của đề án, trước hết là phải đánh giá thật sâu thực trạng cả về tiềm năng, lợi thế và những tồn tại, khó khăn, trong đó có nguyên nhân về con người.
Khẳng định Hà Tĩnh là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng quá trình khai thác còn nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh mục tiêu của đề án: “Tập trung phát triển du lịch Hà Tĩnh dựa trên thế mạnh của địa phương, đưa du lịch Hà Tĩnh thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025; phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Bắc Trung bộ”.
Để đề án thật sự thuyết phục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, ngành tham mưu cần cụ thể hơn trong các nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện với phương châm quan trọng là: “làm cái gì? Làm như thế nào? Ai làm?”; tiếp tục tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các hiệp hội du lịch, sớm hoàn thành đề án.
Theo lộ trình kế hoạch, kỳ họp tới, HĐND tỉnh sẽ bàn và cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2030.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn